“Mất dấu” F0 khó khống chế ổ dịch

“Mất dấu” F0 khó khống chế ổ dịch

Theo ý kiến của một số chuyên gia, việc tiếp tục tuyên bố nguồn lây nhiễm xuất phát từ các ổ dịch đã được phát hiện là né tránh truy nguồn lây nhiễm, gây bất lợi cho dập dịch. 

Dấu hiệu lây lan dịch từ cộng đồng

Sáng 8/4, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì, các thành viên Ban Chỉ đạo thống nhất quan điểm, dịch Covid-19 đã xâm nhập vào cộng đồng và có dấu hiệu lây lan từ cộng đồng.

Theo thống kê, các ca bệnh không rõ nguồn lây như bệnh nhân 243 (ở Mê Linh), bệnh nhân 251 (ở Hà Nam), bệnh nhân 237 (người Thụy Điển) và bệnh nhân người Hàn Quốc (ở Bình Dương) cho thấy đã xuất hiện nguồn lây có trong cộng đồng.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, có khả năng bệnh nhân 243 không lây nhiễm từ Bệnh viện Bạch Mai. Vì xét nghiệm kháng thể cho thấy người này mới lây nhiễm. Qua điều tra dịch tễ cũng cho thấy bệnh nhân 243 di chuyển nhiều nơi và tiếp xúc nhiều người. Bệnh nhân 243 chỉ đưa vợ đi khám tại Khoa Dị ứng ở Bệnh viện Bạch Mai trong ngày 12/3 nhưng đến ngày 6/4 mới có kết quả xét nghiệm dương tính.

Còn với trường hợp bệnh nhân 251 (ở Hà Nam) khó tìm F0 vì nguồn lây chưa rõ ràng. Nguồn lây có thể chỉ ở xung quanh khu điều trị bệnh nhân hoặc từ con cái ở Hà Nội về chăm. Vì bệnh nhân 251 có thời gian nằm điều trị dài ngày tại Khoa Nội tiêu hóa (Bệnh viện Đa khoa Hà Nam). Bệnh nhân không đi đâu ngoài tỉnh Hà Nam và không thuộc diện rà soát liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai.

Trong số 25 người nằm cùng phòng bệnh, có một bệnh nhân có tiền sử từng điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai từ ngày 2 - 9/3 và điều trị tại Khoa Nội tiêu hóa từ ngày 23/3. Như vậy, nguồn lây có thể là từ nhân viên y tế, người tiếp xúc với bệnh nhân gồm người thăm ốm, người nằm cùng phòng bệnh, thân nhân chăm sóc bệnh nhân. Tất cả những trường hợp này đều đã được đưa vào diện lấy mẫu xét nghiệm.

Cũng tại cuộc họp sáng ngày 8/4, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai sau 10 ngày phong tỏa, với các số liệu được tổng kết cho thấy đang kiểm soát tốt tình hình, chưa phát hiện thêm trường hợp nào lây nhiễm từ nguồn này. Điều này cho thấy vừa quản lý được ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai thì lại xuất hiện nguồn lây mới từ cộng đồng và chưa xác định chính xác nguồn lây nhiễm.

Không tìm ra ca F0 tiềm ẩn dấu hiệu lây lan rộng

“Mất dấu” F0 khó khống chế ổ dịch ảnh 1
PGS.TS Trần Đắc Phu

Khác với các ca bệnh xâm nhập từ nước ngoài và được cách ly ngay từ khi nhập cảnh, khả năng lây lan được hạn chế xuống mức rất thấp, các ca lây từ cộng đồng và mất dấu ca F0 đều tiềm ẩn dấu hiệu lây lan rộng. Các chuyên gia y tế khẳng định, nếu không tìm ra ca F0 thì việc khoanh vùng và khống chế ổ dịch sẽ rất khó khăn.

Vừa qua, một số ca bệnh mới phát hiện có những tuyên bố nguồn lây nhiễm xuất phát từ các ổ dịch cũ, đơn cử hai bệnh nhân 243 và 251 được quy chụp ngay có nguồn lây nhiễm liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai. Nhưng qua điều tra dịch tễ cho thấy, khả năng này là khó xảy ra. Vì vậy, cần đặt bệnh nhân vào trường hợp không lây nhiễm từ “những địa chỉ bị đóng mác” mà từ cộng đồng để có những biện pháp chủ động kiểm soát, xử lý kịp thời và phù hợp.

Cũng theo PGS.TS Trần Đắc Phu, tìm nguồn lây nhiễm là quan trọng. Nhưng trong trường hợp đã có lây nhiễm trong cộng đồng, ưu tiên hàng đầu là triển khai các biện pháp cách ly, khoanh vùng, dập dịch tại chỗ. Không để dịch lan rộng từ ca nhiễm được phát hiện. Các địa phương khi gặp các ca nhiễm tương tự không được mất cảnh giác, chủ quan khi chỉ cho rằng ca nhiễm mới có liên quan đến những ổ dịch cũ.

Trong tình trạng ngày càng nhiều ca bệnh mất dấu F0, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, không cố đi tìm F0, nguồn lây bệnh mà cần phải xác định đó là một ổ dịch. Cần định nghĩa lại trường hợp F0 để nhận diện. F0 chính là bệnh nhân có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng nếu không được phát hiện, khoanh vùng kịp thời. Vì vậy, phải khoanh nhanh những người liên quan đến F0 và xét nghiệm tất cả F1 là người tiếp xúc với bệnh nhân để xử lý các vấn đề dịch tễ một cách quyết liệt.

Trong cuộc họp sáng ngày 8/4, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 yêu cầu các địa phương và ngành y tế không được mất cảnh giác với mọi ca bệnh mới phát hiện tại cộng đồng. Không bỏ qua bất kỳ khả năng nào dù nhỏ nhất. Tiếp tục “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”. Coi tất cả người có dấu hiệu dịch tễ đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế là ca có nguy cơ lây nhiễm để hoàn thiện cơ chế giám sát, truy vết. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.