Mắt Biếc - Những thước phim đẹp về mái trường, tình cảm thầy cô, bè bạn

Mắt Biếc - Những thước phim đẹp về mái trường, tình cảm thầy cô, bè bạn

Mã hóa thành công tác phẩm văn chương

Với độ dài hơn gần 120 phút, “Mắt Biếc” đã làm sống lại từng trang viết của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh khi giữ nguyên cốt truyện, tuyến nhân vật và bối cảnh tác phẩm. Còn nhớ, 15 năm trước đạo diễn Minh Chung cùng hãng phim TFS là người đầu tiên chớp lấy cơ hội vàng khi chuyển thể tác phẩm văn học của nhà văn thiếu nhi Nguyễn Nhật Ánh để cho ra mắt bộ phim “Kính vạn hoa”.

Đó cũng là sự tiếp nối mạnh bạo của đạo diễn Victor Vũ khi lấy truyện dài “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” chuyển thể thành phim để dám ra rạp chiếu trên cả nước. Thế nhưng với bàn tay tài ba của đạo diễn họ Vũ, bài toán khó này không chỉ có lời giải đẹp mà còn biết tìm ra hằng số thành công cho bộ phim. Như khơi đúng mạch nguồn dòng chảy, phim “Mắc Biếc” một lần nữa thể hiện bước đi dũng cảm của một đạo diễn trẻ lấy trang viết học trò làm ý tưởng sáng tạo cho tác phẩm nghệ thuật thứ bảy.

Mặc dù, bối cảnh truyện bắt đầu từ làng Đo Đo của tác giả Nguyễn Nhật Ánh nhưng đạo diễn phim “Bí mật thảm đỏ” đã biết lồng ghép với không gian đất thần kinh Huế vừa rêu phong lại vừa hoài cổ. Mở đầu bộ phim vẽ nên một bức tranh lãng mạn của một mối tình tuổi học trò trong vắt của Ngạn và Hà Lan. Tình yêu đó nếu trong tác phẩm được hiện ra bằng con chữ thì ở trong phim lại được hóa thân thành những thước phim tràn ngập sắc màu điện ảnh.

Với cách chọn cảnh, chọn hình đặc biệt là chọn kỹ thuật quay, ngay từ đoạn đầu của “Mắt Biếc”, câu chuyện tình giữa đôi bạn ngày xưa học chung một lớp đã thật sự chinh phục khẩu vị điện ảnh của khán giả. Do lấy khung cảnh miền Trung làm điểm nhấn toàn bộ câu chuyện nên cảnh sắc trong phim vừa đẹp lại vừa lạ. Từ đồi thông xanh có lắm sắc tím hoa sim, hoa mua, đến con đường xinh tươi ngoại thành kinh đô Huế, từ chiếc cầu Bạch Hổ soi bóng sông Hương êm đềm đến phiên chợ quê ở Quảng Phú... đã đưa người xem từ vỡ òa này đến bất ngờ khác.

Không chỉ khán giả nhỏ tuổi thấy bóng hình mình trong đó mà cả người xem lớn tuổi cũng thỏa mãn với miền ký ức mà bộ phim đưa lại. Đây chính là điểm cộng lớn nhất của “Mắt Biếc” khi ra rạp.

Một bộ phim hay luôn yêu cầu tình huống, đòi hỏi cao trào. Thế nhưng đối với “Mắt Biếc” hoàn toàn ngược lại và hầu như cao trào không có là bao. Chi tiết cậu học trò “xả bậy” trong lớp, Ngạn bị ăn đòn vì tội đánh nhau để “cứu mỹ nhân” cũng chỉ là chút gia vị làm cho ký ức tuổi thơ thêm ngọt ngào mà thôi.

Ngay cả phân đoạn 2 của bộ phim, cao trào cũng rất chậm. Mối tình đơn phương của Ngạn chỉ bước vào cao trào khi có Dũng – người anh họ xuất hiện. Những giai điệu êm đẹp của tình yêu trong sáng tuổi học trò thật sự khép màn khi Hà Lan gặp gã Sở Khanh trong cuộc đời, sinh hạ con trong cảnh đói nghèo.

Khán giả như bắt gặp lại quy luật muôn thuở của những cuộc tình tay ba khi Ngạn ra tay cứu vớt người yêu của mình trong cơn hoạn nạn. Thế nhưng, đạo diễn đã không đi theo lối mòn trước đây mà vẫn để cho chàng trai tiếp tục hoài niệm tình yêu thứ nhất của thời thanh xuân. Vẫn lặng thầm nuôi dưỡng mối tình đầu nhưng chàng trai không chấp nhận hiện thực phũ phàng mà Hạ Lan đã gieo rắc nên.

Đó là nét lạ trong tính cách nhân vật Ngạn. Ở con người anh không chỉ có bài học về lòng nhân ái, mà còn là sự tha thứ rộng lượng, biết xóa mờ tất cả mọi hận thù tội lỗi. Đó còn là bài học nhân quả “gieo gió ắt gặt bão” tuy nhẹ nhàng nhưng cũng thức tỉnh thói “có cam phụ quýt có ta phụ mình” mà không ít cô gái non lòng trẻ dạ mắc phải như nhân vật Hà Lan.

Ngậm ngùi vị đắng tình yêu

Cũng vì là con người tốt mà Ngạn đã trở thành mục tiêu đeo đuổi của bao trái tim thiếu nữ. Nhân vật Hồng dù là nét sáng tạo của đạo diễn trong phim nhưng Victor Vũ đã biết làm nền để lòng chung thủy của Ngạn được lên tiếng. Khán giả dù thông cảm với hoàn cảnh của Hồng chỉ biết trọn đời hướng tình yêu đến chàng trai không bao giờ để ý tới mình nhưng cũng không khỏi thương hại vì tình yêu chân thành của cô. Bất ngờ hơn Trà Long – con gái của Hà Lan – khi đã lớn lên cũng tìm được lòng tốt của chú Ngạn để muốn đặt trái tim thơ ngây của nàng vào trong đó.

Có thể coi đây là chi tiết khó xử và mạnh bạo nhất của tác phẩm văn học lẫn tác phẩm điện ảnh vì nó đi ngược với truyền thống văn hóa phương Đông. Cứ tưởng Trà Long là bản sao của mẹ nhưng hoàn toàn không hề. Nỗi lo sợ của khán giả sau khi xem hết phim đã được giải thoát khi Ngạn bỏ lại tất cả đằng sau làng chốn quê nhà để đi đến một nơi xa hơn.

Có như vậy anh mới chôn lấp hết được mọi quá khứ dù lắm nốt trầm buồn nhưng vẫn không thiếu khúc ca rộn ràng của tuổi thanh xuân tươi đẹp. Cuộc bỏ làng ra phố của nhân vật như Hạ Lan, Ngạn, Trà Long chưa hẳn là việc đi tìm cuộc sống mới mà đó còn là sự giải tỏa về những xung đột trong bi kịch cuộc đời.

So với truyện, phim “Mắt Biếc” đã có kết thúc dù không có hậu nhưng rất đẹp phù hợp với mong mỏi khán giả. Không ít người xem đã trào cảm xúc khi chứng kiến những giọt nước mắt tuôn trào của Ngạn trên tàu khi phải xa quê xa cả “vườn hoa lá đậm hương thơm” của mối tình đầu trong suốt như pha lê.

Có lẽ đó cũng là tình yêu thứ nhất thơ dại phải dừng bước ở tuổi học trò của bao khán giả khi đành rơi lệ chia tay nên đã có sự đồng cảm chân thành khi xem “Mắt Biếc”. Những bước chạy té ngã của nhân vật Hạ Lan theo đoàn tàu chính là thứ ngôn ngữ điện ảnh đặc sắc nhất mà bộ phim mang lại cho khán giả. Cho đến khi màn hình đã kết thúc mọi người đứng dậy ra về nhưng vị đắng của tình yêu vẫn chưa thể tan ra trong huyết quản.

Để tập trung vào chủ đề phim, tô đậm “phẩm chất” cô đơn của các nhân vật, đạo diễn đã gạt bỏ bớt một số nhân vật phụ trong truyện. Tuy không ảnh hưởng đến cốt truyện nhưng điều này cũng đã làm cho câu chuyện đời thiếu trọn vẹn vì thế càng cuối phim khán giả càng cảm thấy hụt hẫng trong khâu xây dựng tuyến nhân vật. Cây vông già cô đơn giữa đồng làng Đo Đo cũng là một “nhân vật” của phim.

Không chỉ là chứng nhân của tình yêu “nhân vật” này cũng là thứ ngôn ngữ màn ảnh đặc sắc để tô điểm nhan sắc cho bộ phim thêm màu sắc lãng mạn. Thành công của bộ phim còn ghi dấu bởi các gương mặt điện ảnh trẻ sáng giá như Trúc Anh, Trần Nghĩa, Thảo Tâm… Lần đầu tiên bước vào màn ảnh rộng nhưng dàn diễn viên “tiên đồng ngọc nữ” đã khẳng định được năng lực diễn xuất đầy tiềm năng.

“Mắt Biếc” đã để lại nhiều thước phim đẹp về tìm cảm mái trường thầy cô bè bạn. Đó còn là những phận đời gian khó, gian truân nhưng cũng ấm áp tình người của hình ảnh thầy cô giáo ở mọi miền quê đang âm thầm gieo chữ cho các vùng quê xa xôi. Cô giáo Hồng, thầy giáo Ngạn dù thiếu may mắn trong tình yêu lứa đôi nhưng họ lại có thừa tình yêu nghề mến trẻ và đặc biệt là trái tim giàu lòng vị tha và bao dung. Phẩm cách sống đó đã đẹp cũng đã âm thầm in bóng vào từng thước phim tràn ngập tính nhân văn và giàu chất thơ làm thành bài học giáo dục lớn mà đạo diễn muốn gửi gắm.

Sáng tác của Nguyễn Nhật Ánh có thể coi là “mỏ vàng” nghệ thuật được các nhà đạo diễn điện ảnh đi tìm những chất quặng quý ẩn sâu dưới những trang viết dung dị để làm nên từng tác phẩm điện ảnh dễ đi vào lòng khán giả trong đó có đạo diễn người Mỹ gốc Việt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ