Mảnh đất dồi dào cho kịch bản điện ảnh

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - 'Ngày xưa có một chuyện tình' là dự án phim điện ảnh mới được công bố, chuyển thể dựa theo truyện dài cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Người yêu điện ảnh, đặc biệt các fan hâm mộ của nhà văn rất đỗi vui mừng khi đón nhận thông tin.

Trong điện ảnh, trước “Ngày xưa có một chuyện tình”, đã có ba bộ phim chuyển thể từ tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh, tạo được sức hấp dẫn nhất định cùng doanh thu chiếu rạp: “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” (2015), “Cô gái đến từ hôm qua” (2017) và “Mắt biếc” (2019).

Cùng Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư cũng là nhà văn đương đại có tác phẩm ghi dấu ấn với màn ảnh rộng. Các phim “Cánh đồng bất tận” (Đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình), “Tro tàn rực rỡ” (Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên) là các dự án điện ảnh được chú ý, với kịch bản dựa theo một số truyện ngắn của chị.

Chuyển thể kịch bản phim từ tác phẩm văn học vốn là câu chuyện có tính phổ biến trên toàn thế giới. Sự tương hợp giữa văn học và điện ảnh rất rõ, thể hiện qua yếu tố then chốt như nhân vật, cốt truyện, bối cảnh.

Tất nhiên, điện ảnh và văn học là hai loại hình nghệ thuật với những tiêu chí đánh giá và cảm nhận khác nhau. Một kịch bản phim không đồng nhất với cốt truyện trong tác phẩm văn học. Song một tác phẩm văn học nổi tiếng là một bảo chứng cho việc chuyển thể kịch bản sang điện ảnh.

Thực tế này đã được chứng minh ở các nước có nền văn học và nền điện ảnh lớn trên thế giới. Với điện ảnh nước nhà cũng vậy, rất nhiều bộ phim xuất sắc có kịch bản dựa trên tác phẩm văn học.

Điện ảnh nước ta những năm gần đây đang nỗ lực đổi mới, nỗ lực tiếp cận thị trường. Danh sách phim đoạt doanh thu phòng vé hàng trăm tỷ tiếp tục được nối dài.

Các phim như “Tiệc trăng máu”, “Em là bà nội của anh”, “Anh trai yêu quái”… được khen ngợi về kịch bản thì đều là phim remake. Những phim ăn khách của Lý Hải, Trấn Thành hay Ngô Thanh Vân lại không được đánh giá cao về kịch bản.

Thiếu kịch bản hay đang là một thực tế của điện ảnh Việt. Số lượng phim có chất liệu từ tác phẩm văn học hiện còn quá ít ỏi. Nhà làm phim và nhà văn chưa song hành, chưa tìm được các cơ hội hợp tác cùng nhau. Trong khi đó đội ngũ biên kịch vốn có vai trò trung gian lại kiệm lời.

Rất cần sự bắt tay hợp tác giữa các nhà làm phim và người viết. Và để có được sự hợp tác ấy phải có những ông tơ bà nguyệt khéo se duyên. Cần sự vào cuộc của những người đứng đầu các hội nghề nghiệp như Hội Nhà văn, Hội Điện ảnh. Các trại viết, cuộc thi kịch bản nếu có sự hợp tác giữa hai hội này sẽ tạo những mối duyên tốt lành.

Hợp tác - liên kết giữa các lĩnh vực nghệ thuật, giữa nghệ thuật với các lĩnh vực văn hóa và các ngành sản xuất là một hướng đi rất rõ ở các nước phát triển về công nghiệp văn hóa, công nghiệp hình ảnh như Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc. Điều này chỉ có thể thực hiện bài bản, hiệu quả khi có những chính sách từ thượng tầng.

Thay vì các tham luận, phát biểu qua nhiều kỳ cuộc hội thảo, những cá nhân có trách nhiệm đứng đầu các đơn vị hãy ngồi lại với nhau, phá bỏ rào cản phân chia ranh giới, cùng bàn luận sách lược, chiến lược, vì nền tảng phát triển chung của văn hóa - nghệ thuật nước nhà.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ