Giúp bạn đọc hiểu hơn về GD vùng cao
Là một giáo viên từng dạy học ở vùng cao Lào Cai nên tôi thường khai thác mảng giáo dục miền núi, vùng cao với bao điều trăn trở, khó khăn về cơ sở vật chất, chất lượng giáo dục và hơn cả là chặng đường gieo chữ đầy gian nan mà đồng nghiệp đang trải qua. Khai thác mảng đề tài này, tôi có cơ hội đi nhiều nơi, nhiều điểm trường xa xôi khắp các vùng Tây Bắc, Đông Bắc.
Có những chuyến đi, không vì đi để viết báo mà đến nơi, mới thấy cuộc sống giáo dục nơi đây còn nhiều khó khăn quá. Đó chính là động lực để tôi thực hiện những bài phóng sự về giáo dục ở một địa phương. Để bạn đọc hiểu thêm về một điểm trường hay một mô hình giáo dục ở vùng cao đang được áp dụng hiệu quả, những tấm gương nhà giáo, học sinh đang miệt mài cùng con chữ nơi điểm trường trên những đỉnh núi mờ sương.
Những chuyến “ngược sơn” để tìm kiếm đề tài viết đã cho tôi những trải nghiệm về nghề giáo và nghề báo. Tôi đã có sự thấu hiểu nhiều hơn về thực tiễn giáo dục vùng cao. Hiểu thêm những mô hình trường học được áp dụng tại vùng cao Tây Bắc như mô hình trường học bán trú; trường học gắn với thực tiễn; trường học nông trại đã và đang được các thầy cô giáo ở vùng cao sáng tạo, áp dụng hiệu quả. Tất cả sự sáng tạo đó đều chung mục đích thu hút học sinh đến trường, giúp các em gắn bó với trường lớp hơn.
Tôi thực sự xúc động khi chứng kiến học sinh Mông, Dao tóc vàng hoe, quần áo mỏng manh, chân không giày tất, mí mắt đầy sương vượt những cơn rét đến thấu xương để đến điểm trường học chữ. Thật khó cầm lòng khi tận mắt chứng kiến các em học sinh ở vùng cao khi chưa có mô hình bán trú, phải tự nấu ăn hằng ngày với canh rau và muối ớt.
Thầy giáo Nguyễn Thế Lượng và học sinh vùng cao Lào Cai |
Những kỷ niệm khó phai
Những chuyến đi viết bài cộng tác với Báo Giáo dục và Thời đại đã để lại trong tôi những kỷ niệm khó phai mờ. Tôi nhớ nhất lần đi viết bài ở bản Mông Tổng Kim, Lùng Ác, huyện Bảo Yên (Lào Cai) cách đây đã 8 năm, bản nằm cao vắt vẻo trên đỉnh núi, đi bộ cũng khổ mà đi xe cũng khó. Với hơn 10 cây số đường dốc núi, tôi lựa chọn đi xe máy để cho nhanh và đỡ mỏi. Đi đến lưng chừng núi, hôm đó, đúng vào ngày cơn bão số 2 tràn về làm tôi thấy trong lòng lo lo.
Đi được một đoạn, gió thổi mạnh, mưa bắt đầu về to dần, nước mưa chảy thành từng dòng lớn từ trên đỉnh núi xuống làm chiếc xe mô tô của tôi không ít lần quay ngang bánh xe. Tôi định bụng quay lại, xuống núi vì trời mưa, đường trơn khó lòng lên bản được. Nghĩ thế nhưng tôi vẫn quyết định đi tới cùng vì đã mất công lên tận đây rồi. Đến gần một bãi cỏ, xe tôi bỗng quay tròn do đường quá trơn, sau đó, chiếc xe bị văng ra một bụi rậm, còn tôi thì lao vào vệ đường phía trong. May là như vậy, bởi nếu hôm đó, tôi và xe văng ra phía ngoài thì có lẽ cả xe và người đều bị rơi xuống vực sâu mờ mịt mây mù.
Sau hơn 2 tiếng đồng hồ, tôi lên được trung tâm bản, đến nhà trưởng bản. Bụng đói, khát nước và lo lắng cho chuyến đi, tôi tìm gặp trưởng bản Mông để hỏi về thông tin của bản và về việc học hành của con em ở đây. Nhưng người nhà cho biết, ông đang đi làm ruộng cách nhà tới gần 5 cây số đường rừng và nói rằng, chiều tối mới về. Tôi phát khóc khi nhìn ngọn núi bản Mông trước mặt chờn vờn mây mù.
Tôi xin số điện thoại của trưởng bản, may thay, tận đỉnh núi mà vẫn có sóng điện thoại, nhưng chỉ có một vạch duy nhất. Tôi bấm máy gọi, sau nhiều hồi chuông, trưởng bản nhấc máy, tôi mừng quá và chờ đợi ông về nhà sau gần một giờ đồng hồ. Sau chuyến đi bão táp và đầy kỷ niệm ấy, tôi đã hoàn thành các loạt bài viết: “Lùng Ác vắt vẻo nơi lưng trời”, “Ước mơ con chữ trên đỉnh trời”, “Lớp học trên đỉnh mờ sương”, “Già làng, trưởng bản gọi học sinh đến trường”, “Bản Mông hiếu học”, “Tết của giáo viên vùng cao” gửi in trên báo ngành và được bạn đọc đánh giá cao.
Nhà giáo được trải nghiệm nghề báo
Mỗi chuyến đi về thực tế, tôi càng hiểu rằng, nghề viết báo thực sự vất vả. Đặc biệt, muốn có những trang viết hay, mang tính thời sự và mang hơi thở của đời sống giáo dục, người viết cần phải đi, phải tìm kiếm những vấn đề mới để mang đến cho bạn đọc những bài viết giàu thông tin. Vì vậy, mỗi lần đến một vùng đất, tôi thường có thói quen tích lũy đề tài không chỉ về giáo dục, mà còn cả đề tài về văn hóa, đời sống xã hội, phong tục tập quán...
Càng yêu nghề, càng đồng cảm với đồng bào vùng cao, với học trò, tôi càng thấy mình phải viết nhiều và có chất lượng hơn, chân thực hơn để phản ánh kịp thời những vấn đề giáo dục vùng cao. Chính điều đó đã giúp tôi có được sự đam mê với viết cho báo ngành của mình. Có lòng đam mê, tôi sẵn sàng đi bất kỳ địa phương nào trong điều kiện có thể để viết và phản ánh tình hình. Những kỳ nghỉ hè, tôi luôn dành thời gian để đến những địa phương xa xôi ở miền núi, vùng sâu, vùng xa để lấy tư liệu và viết bài. Do vậy, sau một số năm cộng tác với Báo GD&TĐ, tôi luôn tự nhủ với mình rằng, lòng đam mê cộng tác và làm báo của bản thân được sinh ra từ trong chính hoàn cảnh công việc của mình.
Những năm gần đây, Báo GD&TĐ đã phát triển và đổi mới khá rõ rệt cả về nội dung và hình thức. Đặc biệt, Báo đã có những chuyên trang, bài viết về sự kết nối giữa giáo dục nhà trường, gia đình, xã hội; những phản biện về giáo dục, xã hội đã và đang nảy sinh trong thực tiễn. Chính vì vậy, tôi đã thử sức với những vấn đề này và nhận thấy, từ thực tiễn công việc dạy học, tôi đã đúc rút được những vấn đề đã và đang đặt ra trong giáo dục, được dư luận xã hội quan tâm. Báo Giáo dục và Thời đại thực sự đã trở thành người bạn đồng hành không chỉ đối với đội ngũ nhà giáo, sự nghiệp giáo dục, mà còn đối với sự phát triển của xã hội. Báo mang đậm màu sắc giáo dục và phản ánh đúng, trúng những vấn đề thực tiễn đặt ra trong giáo dục hiện nay.
Tôi mong muốn và kính chúc Báo Giáo dục và Thời đại trong thời gian tới sẽ không ngừng đổi mới hơn nữa về hình thức, nội dung như: Tăng hình ảnh màu trong những trang ruột của Báo; tăng những bài viết đề những mô hình giáo dục, những điển hình tiên tiến trong dạy và học. Đồng thời, tăng cường những trang sáng tác của nhà giáo, chuyên mục hỏi đáp về chế độ liên quan đến nhà giáo. Quan tâm, xây dựng mạng lưới cộng tác viên tại các địa phương để phản ánh kịp thời những thông tin mang tính thời sự từ cơ sở. Báo nên dành riêng chuyên đề về dân tộc, miền núi để đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của bạn đọc gần xa.