Mạnh dạn để con lao động: Chữa bệnh… chây ỳ

GD&TĐ - Để phát triển toàn diện, bên cạnh trí lực, trẻ cần được giáo dục lao động, xây dựng kỹ năng tự lập từ nhỏ.

Cha mẹ nên đồng hành khi trẻ lao động.
Cha mẹ nên đồng hành khi trẻ lao động.

Thực tế, trẻ được làm quen với lao động từ rất sớm, khi chứng kiến người thân trong gia đình làm việc và hưởng thụ thành quả từ công việc.

Khi tay chân linh hoạt, vận động tinh, vận động thô tốt, trẻ sẽ nhanh biết nói. Lao động đồng thời giúp trí nhớ của trẻ tốt hơn. 

Hậu quả từ “nỗi sợ” của cha mẹ

Có lẽ, câu nói “Con người bẩm sinh đã yêu lao động” đã quá quen thuộc. Nhiều chuyên gia tâm lý học cho thấy, một đứa trẻ mới chập chững biết đi đã có nhu cầu muốn giúp mẹ làm việc.

Trẻ 2 tuổi biết lấy giúp mẹ một số đồ vật, 3 tuổi ước muốn làm việc như người lớn. Trong khi đó, trẻ 4 - 5 tuổi biết tự thu dọn đồ chơi, quần áo và rửa bát đũa. Điều đó chứng tỏ, lười biếng không phải bản tính của trẻ. Thực tế, đứa trẻ nào cũng thích làm việc.

Vốn bản tính ham học hỏi, trẻ thường chú ý đến thao tác lao động của người lớn rồi dần dần học theo. Những hành động này mới dừng ở việc bắt chước. Do đó, trẻ chưa hiểu hết giá trị và tầm quan trọng của lao động. Vì vậy, nếu được tự tay làm và hưởng thụ thành quả, trẻ sẽ hiểu và trân trọng giá trị của lao động.

Bên cạnh giáo dục tại nhà, trường học cũng đóng vai trò quan trọng giúp trẻ thêm hiểu ý nghĩa, lợi ích của lao động. Trong đó, trường mầm non, tiểu học là nền móng cho sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ. Chính vì thế, việc giáo dục ý thức lao động trong các trường mầm non, tiểu học ngày càng được quan tâm trong những năm gần đây.

Hiện nay, đặc biệt là ở thành thị, các gia đình có xu hướng ít con. Nhiều phụ huynh thường chú trọng đầu tư cho con học, thay vì rèn luyện kỹ năng lao động. Trẻ được cha mẹ quá cưng chiều sẽ hình thành thói quen dựa dẫm.

Từ nhỏ, Bi đã được gia đình cưng chiều. Đến nay, dù đã 7 tuổi, nhưng cậu bé vẫn được mẹ “phục vụ”. Thậm chí, cả việc bón cơm, mẹ Bi cũng “tranh” làm thay con. Có lẽ, không riêng Bi, mà nhiều trẻ khác cũng đang được “nâng như nâng trứng”. Dần dần, thói quen muốn gì được nấy khiến trẻ cho rằng, làm việc nhà là “cực hình”, lao động là gánh nặng. Điều đó tạo tính ỷ lại ở trẻ. Lâu dần, trẻ sẽ nghĩ, nếu đã có tất cả mọi thứ thì cần gì cố gắng, nỗ lực. Khi đó, trẻ sẽ có tâm lý thích hưởng thụ và lười lao động.

Tuy nhiên, không mấy ông bố, bà mẹ lo ngại về điều đó. Thậm chí, khi trẻ muốn làm việc nhà giúp cha mẹ, người lớn lại sợ con làm hỏng, bẩn, hay không an toàn. Song, phụ huynh không biết rằng, những nỗi sợ đó vô tình khiến trẻ mất tính độc lập cũng như mong muốn tự do trong lao động. Thực tế, các chuyên gia cho biết, dù 18 tháng tuổi, 3 tuổi hay 5 tuồi, trẻ đều có nhu cầu được lao động ở mức độ phù hợp khác nhau. Nhờ đó, phục vụ bản thân và giúp đỡ cha mẹ, cô giáo, hay bạn bè…

Với tầm quan trọng không thể phủ nhận của lao động, hiện, nhiều tổ chức giáo dục có những chương trình giúp trẻ mầm non làm quen với lao động. Ví dụ, trẻ sẽ được tự chọn trải nghiệm làm công dân lao động trong lĩnh vực mà bé yêu thích như bác sĩ, phi công, hay ảo thuật gia. Bên cạnh đó, ngay từ tuổi mầm non, trẻ cũng được làm quen với trồng cây, chăm sóc hoa… khi đi học.

Theo TS Vũ Thu Hương - nguyên giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, lao động vô cùng quan trọng với khả năng nhận thức của trẻ.

Theo chuyên gia Vũ Thu Hương, với trẻ mầm non, dù chưa học trước về chữ và số, nhưng nếu được giao làm nhiều việc, các bé sẽ nhanh chóng nhận ra quy luật toán học và chữ viết. Bên cạnh đó, lao động được coi là vô cùng quan trọng với khả năng ứng phó, ứng biến của trẻ. Vì lao động nhiều, trẻ sẽ biết nên làm gì trong từng tình huống. Ví dụ, khi tè dầm, trẻ sẽ biết tự thay quần khác.

“Lao động giúp con nhanh biết nói. Tay chân con linh hoạt, các vận động tinh, vận động thô tốt thì con sẽ rất nhanh biết nói. Lao động sẽ giúp trí nhớ con tốt hơn. Lao động còn giúp con nhớ được các vị trí đồ đạc trong nhà, biết các thứ đặt ở đâu. Dần dần, con sẽ có hình dung không gian và có thể ghi nhớ tốt hơn”, chuyên gia này cho biết.

TS Hương chia sẻ từng hỗ trợ 3 trẻ có khả năng học tập rất chậm. Sau khi được yêu cầu tự làm mọi việc cá nhân, cũng như một chút việc nhà, trình độ học tập của những trẻ này khá hơn rất nhiều.

Nữ chuyên gia cho rằng, từ xưa có rất nhiều trẻ lanh lợi. Thực tế là do trẻ phát triển tốt về não bộ vì gia đình yêu cầu làm mọi việc cá nhân từ sớm. Trong khi đó, hiện nay, không nhiều trẻ có thể làm như vậy. Chuyên gia nhận định, cha mẹ không nên nghĩ rằng, làm hộ con mọi việc có nghĩa là thương con. Thực tế, hành động đó của cha mẹ sẽ để lại nhiều hậu quả cho trẻ. 

Lao động vô cùng quan trọng với khả năng nhận thức của trẻ.

Lao động vô cùng quan trọng với khả năng nhận thức của trẻ.

Trẻ tự tin hơn nhờ lao động

Trong khi đó, chuyên gia tâm lý Lê Khanh – Trung tâm Rồng Việt - cho biết: “Chúng ta nên biết rằng, hầu hết trẻ em đều tò mò, thích được sai vặt, “làm việc” cùng người lớn. Người lớn nên coi đây là cơ hội tốt để giáo dục trẻ. Hãy mạnh dạn giao cho bé một số công việc trong gia đình vừa sức với trẻ, rồi từng bước hướng dẫn để bé tập làm”.

Ví dụ, trẻ có thể để quần áo bẩn vào chậu giặt, mang bát bỏ vào chậu rửa sau khi ăn xong, dọn đồ chơi, thay giấy vệ sinh, gấp quần áo… Phụ huynh có thể động viên, khuyến khích bé tham gia. Đồng thời, hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời nếu trẻ không làm được.

“Khi làm việc nhà, bé sẽ cảm thấy có giá trị hơn, học được các kỹ năng và tự tin hơn vào khả năng. Cũng qua đó, người lớn có thể phát hiện được tiềm năng hay thiếu hụt của bé để định hướng bồi đắp. Nhà sư phạm học Elizabeth Pantley cho rằng, giao việc cho con trẻ là một cách tốt nhất để xây dựng lòng tự trọng và giúp bé khám phá năng lực, hứng thú của chính mình.

Những trẻ sớm tham gia làm các việc vặt trong nhà, biết coi việc nhà là một điều bình thường của cuộc sống sẽ dễ dàng bước vào giai đoạn trưởng thành hơn so với những trẻ không có tinh thần trách nhiệm với các công việc đó”, chuyên gia Lê Khanh dẫn chứng.

Do đó, ông khuyến khích, cha mẹ nên để trẻ tham gia giúp việc nhà từ khi bé 2 - 3 tuổi, như: Lau bàn, lau đĩa… hoặc các công việc vừa sức khác. Ngoài ra, cha mẹ có thể hướng dẫn và giao cho trẻ tự lấy bô khi đi vệ sinh, rửa tay, buộc dây giày, cài cúc áo, gấp quần áo cất vào tủ, dọn đồ chơi… Thông qua các công việc được giao, làm cùng người lớn, trẻ sẽ có trách nhiệm với bản thân, gia đình và với những đồ dùng của bản thân. Khi cảm nhận được trách nhiệm, cảm giác có trách nhiệm đối với người khác cũng như xã hội sẽ dần đến với trẻ một cách tự nhiên trong giai đoạn phát triển tiếp theo.

Khi trẻ 4 - 6 tuổi, cha mẹ có thể dạy con cách thu dọn phòng ngủ, gấp chăn màn, quần áo, lau bàn ghế, giường tủ… Thậm chí, có thể hướng dẫn bé rửa chậu, lau bồn rửa mặt và bồn tắm. Chuyên gia Lê Khanh cho biết, trẻ thường thích được cọ rửa đồ. Trẻ 4 - 5 tuổi có xu hướng thích phân loại quần áo sáng và tối màu để gấp, cất vào ngăn tủ.

Khi 5 - 6 tuổi, trẻ có thể giúp cha mẹ rửa bát. Cha mẹ cần hướng dẫn trẻ cách làm công việc này và giao từng phần việc cho con. Tuy nhiên, phụ huynh nên để trẻ rửa đồ nhựa, thay vì thứ dễ vỡ.

“Điều quan trọng là vừa làm, vừa trò chuyện, tâm tình cùng trẻ để mở rộng sự hiểu biết và giúp con cảm thấy tự tin hơn. Hãy kiên trì hướng dẫn, khích lệ, không chê bai”, chuyên gia gợi ý.

Nhiều phụ huynh “tranh” làm việc, khiến trẻ ỷ lại.

Nhiều phụ huynh “tranh” làm việc, khiến trẻ ỷ lại. 

Để con làm những công việc “tuyệt vời”

Trong khi đó, phụ huynh cần kiên trì hướng dẫn trẻ làm. Bởi, ban đầu, trẻ có thể chưa quen và vụng về, chậm chạp. Tuy nhiên, thay vì chê bai, cha mẹ cần giải thích tại sao và động viên trẻ kiên trì làm lại.

“Trẻ ham học hỏi, thích tự mình làm lấy. Làm thành công, trẻ sẽ có được lòng tin vào việc mình làm. Cứ như vậy, trẻ lớn lên từng bước một. Ngược lại, lúc nào cha mẹ cũng làm hộ sẽ hình thành ở trẻ thói quen ỷ lại, ích kỷ. Trẻ làm tốt dù là việc nhỏ vẫn cần được khích lệ, động viên. Quan trọng hơn là phải củng cố lòng tự tin cho trẻ. Dù trẻ làm chưa giỏi cũng nên khen ngợi. Có vậy, trẻ mới tự tin, để lần sau làm giỏi hơn”, ông Lê Khanh chia sẻ.

Tuy nhiên, nhiều phụ huynh vẫn “đau đầu” vì trẻ không chịu làm một số việc người lớn muốn. Theo chuyên gia này, nguyên nhân là vì công việc đó không khiến trẻ thích. Do đó, phụ huynh cần tạo ra nhiều việc để trẻ có thể chọn làm. Vạch rõ ràng chi tiết của mỗi việc. Cha mẹ có thể lập biểu đồ để đánh dấu những công việc giao cho trẻ. Trước khi bắt đầu phân việc, phụ huynh hãy cho trẻ biết rằng, cha mẹ mong đợi gì ở con và trẻ sẽ nhận được gì từ công việc đó.

“Đừng quên nói với trẻ rằng, những công việc con đang làm đều vô cùng tuyệt vời. Đa số trẻ sẽ rất hào hứng nếu làm việc mà có phần thưởng”, chuyên gia này nhấn mạnh.

“Không lao động, não các con có biểu hiện chậm phát triển. Có một tỷ lệ các trường hợp đều có vấn đề khi không lao động từ bé. Các con làm rất chậm, hay quên, không nhớ được bảng cửu chương, các phép tính đơn giản như cộng trừ cũng gặp khó khăn. Lý do là vì các con hoàn toàn không làm gì. Khi không làm việc gì, con sẽ không có cơ hội ôn luyện. Ví dụ, đi chợ mua xong, tiền thừa lại là bao nhiêu không cần tính toán”, TS Vũ Thu Hương chia sẻ. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ