Mang giáo dục STEM đến gần với học sinh và giáo viên vùng cao

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -  Mới đây, Khoa Khoa học và Công nghệ giáo dục tổ chức chương trình Chắp cánh STEM cho giáo viên, học sinh Trường PTDTBT liên cấp Dế Xu Phình.

 Giảng viên Khoa Khoa học và Công nghệ giáo dục, ĐH Bách khoa Hà Nội hướng dẫn học sinh làm thí nghiệm.
Giảng viên Khoa Khoa học và Công nghệ giáo dục, ĐH Bách khoa Hà Nội hướng dẫn học sinh làm thí nghiệm.

Đây là giai đoạn 2 của Dự án Chắp cánh STEM và E-Learning Dế Xu Phình do Khoa Khoa học và Công nghệ, ĐH Bách khoa Hà Nội chủ trì được thực hiện từ tháng 12/2022.

Chương trình lần này được thiết kế và tổ chức với các nội dung chính: đào tạo giáo viên về giáo dục STEM và các phương pháp triển khai giáo dục STEM trong Nhà trường với các hoạt động trong và ngoài lớp học.

Điểm nhấn trong Chương trình Chắp cánh STEM Dế Xu Phình giai đoạn 2 là “Ngày hội STEM”, được thiết kế cho hơn 600 học sinh tiểu học và THCS của Nhà trường, với các trạm Science (Khoa học), Technology (Công nghệ), Engineering (Kỹ thuật), Mathematics (Toán) cho các em học sinh từ lớp 4 đến lớp 9 và Arts (Nghệ thuật) cho các em học sinh từ lớp 1 đến lớp 3.

Học sinh hào hứng với các hoạt động.

Học sinh hào hứng với các hoạt động.

Tại đó các em học sinh thực sự trở thành trung tâm của hoạt động giáo dục STEM, được học, được trải nghiệm các bài thí nghiệm, các hoạt động thiết kế sản phẩm, phát huy sự sáng tạo và kỹ năng làm việc nhóm, qua đó hiểu rõ hơn những kiến thức khoa học và các hiện tượng trong cuộc sống. Sự hồ hởi, thích thú và say sưa tham gia của các em học sinh chính là động lực của các thầy, cô giáo và Ban tổ chức chương trình.

Phát biểu tại buổi khai mạc Ngày hội STEM, cô Nguyễn Thuỳ Nhung, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Liên cấp Dế Xu Phình (huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) nói: “Chúng tôi rất cảm ơn sự đồng hành Khoa Khoa học và Công nghệ giáo dục trong suốt 1 năm qua từ Dự án Chắp cánh STEM và E-Learning đến Chương trình Chắp cánh STEM Dế Xu Phình – Giai đoạn 2.

Các nội dung tập huấn đã giúp các giáo viên của chúng tôi tiếp cận, khai thác được những phương pháp giảng dạy mới, giúp giờ học của chúng tôi phong phú và có chất lượng hơn, góp phần đổi mới hoạt động, nâng cao chất lượng giáo dục của Nhà trường. Đặc biệt, với Ngày hội STEM được tổ chức, lần đầu tiên các em học sinh của trường dân tộc bán trú vùng cao được tham gia một hoạt động chơi mà học vô cùng bổ ích".

Đây là cơ hội để học sinh Trường PTDTBT Liên cấp Dế Xu Phình được tiếp cận với công nghệ.

Đây là cơ hội để học sinh Trường PTDTBT Liên cấp Dế Xu Phình được tiếp cận với công nghệ.

Đánh giá cao chất lượng nội dung và tinh thần trách nhiệm của các giảng viên và sinh viên Viện Sư phạm Kỹ thuật với các Dự án Chắp cánh STEM và E-Learning đã triển khai, cũng như Chương trình Chắp cánh STEM Dế Xu Phình – giai đoạn 2, ông Trần Tuấn Anh – Giám đốc Quỹ Chắp cánh nhấn mạnh: “Nếu với những dự án khác, Quỹ Chắp cánh đã hỗ trợ Trường Dế Xu Phình về cơ sở vật chất, điều kiện học tập – sinh hoạt của học sinh thì sự đồng hành của Khoa Khoa học và Công nghệ giáo dục đã góp phần giúp Nhà trường nâng cao chất lượng giáo dục thông qua việc đổi mới phương pháp dạy học”.

Tháng 12/2022, Quỹ Chắp cánh và Viện Sư phạm Kỹ thuật (nay là Khoa Khoa học và Công nghệ giáo dục) tổ chức khoá tập huấn bồi dưỡng kỹ năng thiết kế bài giảng STEM và E-Learning cho các giáo viên trường Dế Xu Phình.

Sau khoá tập huấn, các thầy, cô giáo của Trường Dế Xu Phình đã tích cực triển khai ứng dụng những kiến thức, kỹ năng học được vào công tác giảng dạy hằng ngày của mình. Một số giáo viên của Nhà trường đã thực hiện các bài giảng STEM và E-Learning có chất lượng tốt, tham dự và đạt được các giải cao trong những cuộc thi do Phòng Giáo dục Mù Cang Chải, Sở Giáo dục tỉnh Yên Bái tổ chức.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ