Mang chữ đến với dân

Mang chữ đến với dân

(GD&TĐ) - Nhiều năm trở lại đây, công tác xóa mù và chống tái mù chữ tại Đà Nẵng không chỉ là nhiệm vụ riêng của ngành giáo dục. Những chiến sĩ bộ đội biên phòng nơi đây đã cùng phối hợp với ngành Giáo dục vào cuộc đầy hiệu quả. Tỉ lệ mù chữ giảm, trình độ và cuộc sống của người dân nâng lên đáng kể...

Uốn nắn từng con chữ
Uốn nắn từng con chữ

Người lính chung tay cùng giáo dục

Công tác xóa mù của những người lính đã phải đối diện với nhiều khó khăn. Qua trao đổi được biết, công tác mở lớp và duy trì sỹ số vô cùng vất vả vì đại bộ phận các học viên đều là những lao động chính trong gia đình làm đa ngành nghề lao động phổ thông, buôn bán nhỏ, làm biển, phụ hồ.... Công việc hàng ngày rất vất vả, thời gian rảnh rỗi không đồng nhất, đặc biệt là chị em phụ nữ vừa phải lao động, vừa phải chăm lo gia đình, con nhỏ... vì vậy khó sắp xếp thời gian đến lớp theo lịch học, cũng có trường hợp sau khai khai giảng do mặc cảm tự ti nên ngại đến lớp, cá biệt có một số gia đình không muốn cho người nhà mình đi học. Mặt khác, số đối tượng mù chữ nằm rải rác, không tập trung cũng gây khó khăn không nhỏ cho công tác vận động học viên ra lớp và duy trì sỹ số lớp học...

Từ thực tế và khó khăn này, các đồn biên phòng đã phối hợp với ngành Giáo dục và các ban ngành, đoàn thể địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, đồng thời tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương có các chính sách hỗ trợ các gia đình học viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn làm ăn, phát triển kinh tế, giới thiệu việc làm. Công tác  động viên, khen thưởng những học viên học giỏi, tích cực để khuyến khích học tập cũng được tiến hành kịp thời. Đặc biệt, với nhiều hình thức, biện pháp linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng tham gia học xóa mù chữ, phổ cập giáo dục như: mở lớp vào ban ngày, mở lớp vào ban đêm, mở lớp theo mùa vụ, dạy kèm từng cá nhân, từng nhóm tại nhà đã tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho người dân được học tập.

Để việc xóa mù chữ đi vào chiều sâu và đạt hiệu quả cao, các đơn vị bộ đội biên phòng đã tổ chức ký cam kết với hộ gia đình có người theo học xóa mù chữ, tổ dân phố, dòng họ... cùng nhau có trách nhiệm trong duy trì lớp học, khích lệ tinh thần hiếu học, khuyến khích học giỏi, nêu gương tốt trên các phương tiện thông tin đại chúng. Với nỗ lực không ngừng và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, từ năm 2006 - 2012 các đơn vị bộ đội Biên phòng đã cùng ngành Giáo dục và các địa phương tổ chức được 110 lớp với 1.649 lượt học viên tham gia với hàng chục ngàn ngày công của cán bộ chiến sĩ tham gia giảng dạy, vận động học viên đến lớp.

Ngoài ra, các đơn vị biên phòng phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục và địa phương tiến hành rà soát, nắm chắc các đối tượng học sinh bỏ học và số có nguy cơ bỏ học, số học sinh trong độ tuổi đến trường trên từng địa bàn để vận động ra lớp và có các giải pháp phối hợp giúp đỡ. Đối với học sinh bỏ học mà hiện nay vẫn ở nhà, các đơn vị đã phối hợp vận động theo học các lớp hòa nhập (chính quy); Với người dân trong độ tuổi phổ cập thì tiếp tục theo học Trung học cơ sở, Bổ túc văn hóa... để có điều kiện học nghề, đi học Trung cấp chuyên nghiệp. Với những trường hợp không có khả năng học văn hóa nữa thì giới thiệu đi học nghề tại trung tâm dạy nghề của các quận hoặc tìm kiếm việc làm phù hợp với khả năng của từng người như giới thiệu vào làm việc tại các khu công nghiệp...

Song song với việc dạy học và duy trì sỹ số học tập, hàng năm các đơn vị chú trọng đến công tác kiểm tra đánh giá chất lượng, công nhận các mức học và thực hiện tốt quy trình kiểm tra của giáo viên trên lớp theo quy định trong chương trình dạy; kiểm tra định kỳ do Trung tâm Giáo dục Thường xuyên - Hướng nghiệp các quận tổ chức. Căn cứ vào kết quả kiểm tra, thi từng mức học, lớp học, Trung tâm Giáo dục Thường xuyên - Hướng nghiệp đã ra quyết định công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ và công nhận cho từng mức học, lớp học.

Đặc biệt, hàng năm các đơn vị biên phòng đã phối hợp với ngành giáo dục tham mưu cho địa phương tổ chức sơ, tổng kết năm học và bàn biện pháp triển khai nhiệm vụ cho năm học tiếp theo. Khen thưởng, động viên kịp thời các tập thể và cá nhân có thành tích trong thực hiện  kế hoạch chương trình phối hợp.

Dạy chữ cho trẻ em nghèo
Dạy chữ cho trẻ em nghèo

Kinh nghiệm từ thực tế

Công tác XMC và tiếp tục giáo dục sau khi biết chữ đã góp phần nâng cao dân trí cho những người trong độ tuổi lao động biết đọc, biết viết và biết tính toán mang lại hiệu quả xã hội có ý nghĩa thiết thực; làm chuyển biến nếp nghĩ, cách làm của một bộ phận nhân dân, góp phần thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của thành phố. Đồng thời cùng cả hệ thống chính trị đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục, xây dựng xã hội học tập, từng bước nâng cao trình độ dân trí cho mọi tầng lớp nhân dân...

Song từ thực tế công tác xóa mù của người lính cho thấy, cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, từ trên xuống và phải được xây dựng thành Chương trình, mục tiêu và kế hoạch liên tịch giữa các ngành liên quan trong triển khai thực hiện. Cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở có chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ công tác xóa mù chữ và tiếp tục giáo dục sau khi biết chữ, đưa vào chỉ tiêu thi đua hàng năm của các ngành, hội, đoàn thể của địa phương mình để phối hợp thực hiện.

Trong quá trình tổ chức vận động mở lớp cần căn cứ vào tình hình thực tế ở từng địa bàn để có các hình thức tổ chức lớp học cho phù hợp. Chú trọng cải tiến nội dung, phương pháp và cách thức tổ chức linh hoạt, sáng tạo đa dạng hóa các loại hình xóa mù chữ và tiếp tục giáo dục sau khi biết chữ phù hợp với đặc điểm địa bàn, nghề nghiệp, điều kiện, hoàn cảnh và thời gian của học viên, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người học để thu hút học viên đến lớp.

Thường xuyên chú trọng bồi dưỡng kỹ năng sư phạm và kinh nghiệm chuyên môn cho đội ngũ giáo viên không chuyên, huy động đội ngũ giáo viên tại chỗ và các ngành đoàn thể địa phương tham gia vận động và đứng lớp, tạo tâm lý thoải mái tự tin cho học viên cũng vô cùng quan trọng và cần thiết. Ngành Giáo dục và cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương hàng năm cần bố trí ngân sách và huy động nguồn nhân lực của các tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội tham gia chương trình chống mù chữ và xây dựng xã hội học tập, làm tốt công tác sơ, tổng kết rút kinh nghiệm, khen thưởng cho những tập thể, cá nhân có thành tích và hỗ trợ cho triển khai thực hiện cũng như nhân rộng các mô hình hay cách làm có hiệu quả...

Trong 7 năm qua, các đơn vị Bộ đội Biên phòng  Đà Nẵng đã vận động được 815 học sinh bỏ học trở lại trường trong đó nhận đỡ đầu giúp đỡ thường xuyên cho 96 em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Cùng với nguồn ngân sách xóa mù chữ của thành phố, từ năm 2007 đến nay thành phố cấp ngân sách chương trình mục tiêu từ 150 - 200 triệu đồng/năm và đóng góp của cán bộ, chiến sỹ bộ đội biên phòng các đơn vị đã mua cấp dụng cụ học tập cho học viên 2.463 cuốn sách giáo khoa, 3.395 cuốn vở, 2.604 bút, 1258 bảng học sinh, 1028 cặp đựng sách vở và 146 bộ bàn ghế tổng trị giá 520 triệu đồng, tham gia hàng trăm ngày công, sữa chữa hàng trăm phòng học do bão, lũ làm hư hỏng...


SƠN HẢI

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ