Triển lãm giới thiệu tới công chúng 35 tác phẩm của Vincent Van Gogh với những kiệt tác nổi bật đã đi vào lịch sử hội họa như “Hoa hướng dương”, “Tự họa”, “Hoa hạnh nhân nở”...
Người thưởng lãm không chỉ đến đây để xem những bức tranh treo trên tường mà còn hòa mình vào những sáng tác nghệ thuật có kích thước lớn và độ phân giải cao, được trình chiếu trên tường, trên sàn và trần nhà bằng kỹ thuật công nghệ số hiện đại.
Chân dung tự họa của Van Gogh |
Trung tâm Công nghệ thuật số Atelier des Lumières Ateliers sử dụng 140 máy chiếu, 50 nguồn âm thanh giúp người xem đắm chìm trong sắc mầu của những tác phẩm.
Mỗi lần trình chiếu kéo dài khoảng 30 phút, được chia thành tám chủ đề khác nhau, phác lại chặng đường nghệ thuật của Van Gogh (Ánh sáng vùng Provence, Những tác phẩm thời trẻ, Thiên nhiên, Ngang qua Paris, Arles, Những cây oliu và cây bách, Saint-Rémy, Đồng bằng Auvers). Phần thứ hai dành nói về hội họa Nhật Bản mà Van Gogh là một người hâm mộ và bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Thông qua việc trình chiếu hình ảnh tác phẩm gốc trên màn hình khổ lớn, lớp lang của các nét cọ cũng sẽ được phóng rộng so với kích thước trong tranh nguyên bản, giúp người xem quan sát cận cảnh từng chi tiết, đường nét trong tranh.
Lần đầu tiên có triển lãm tranh bằng công nghệ kỹ thuật số |
Sự kết hợp phức tạp của những khối hình, màu, độ sáng – tối làm nổi bật sự chân thật của vật liệu, tạo thành một ma trận của các nét vẽ, đồng thời cũng tạo nên một sự khúc chiết nhất định trong tranh, mang đến cho người xem những trải nghiệm thị giác độc đáo, mới lạ so với bản gốc.
“Trên thế giới hầu hết những người biết về da Vinci, Picasso và Van Gogh đều chưa từng được tiếp cận các bức tranh nguyên bản bởi chúng thường được bảo vệ nghiêm ngặt trong các bảo tàng nghệ thuật lớn trên thế giới hoặc nằm trong các bộ sưu tập cá nhân.
Cách thức phổ biến nhất để mọi người thưởng thức nghệ thuật hay những tác phẩm nổi tiếng đều là thông qua các hình thức tái hiện lại như trong sách, tạp chí, bưu thiếp hay internet. Nhờ có những hình thức ‘tái sản xuất’ này mà các tác phẩm gốc trở nên phổ biến và dễ tiếp cận hơn” - ông Mizuki Endo – Giám đốc Nghệ thuật VCCA chia sẻ.
Phiên bản số là hình thức triển lãm mới mẻ đã được VCCA tiên phong đưa về Việt Nam nhằm đưa các tác phẩm nghệ thuật kinh điển trên thế giới tiếp cận rộng rãi nhất tới công chúng; đồng thời khẳng định vai trò dẫn dắt và ứng dụng nhanh nhạy các xu hướng mới trên thế giới của VCCA trong lĩnh vực nghệ thuật.