Màn hình LED sân trường - giải pháp số hóa hiệu quả cho hoạt động giáo dục

GD&TĐ - Trang bị màn hình LED sân trường cũng là một giải pháp đầu tư hiệu quả cho giáo dục, góp phần thực hiện tốt chương trình GDPT 2018.

Vinh danh học sinh quận Ba Đình qua hệ thống màn hình Led sân trường.
Vinh danh học sinh quận Ba Đình qua hệ thống màn hình Led sân trường.

Đòn bẩy “bứt phá” chất lượng

Những năm qua, ngành GD&ĐT quận Ba Đình (Hà Nội) không chỉ chú trọng đầu tư cho chuyên môn mà còn rất quan tâm đến cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin hỗ trợ phục vụ các hoạt động giáo dục toàn diện.

Bên cạnh việc đưa bảng tương tác vào trong các lớp học, việc trang bị cho tất cả trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở thuộc quận màn hình LED sân trường cũng là một giải pháp đầu tư hiệu quả cho giáo dục.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Lê Đức Thuận, Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận Ba Đình lần thứ XXVI nhiệm kì 2020-2025 xác định quan tâm cho sự nghiệp GD&ĐT là nhiệm vụ trọng tâm đối với cả hệ thống chính trị của quận nhiệm kì này. Nghị quyết đặt ra chỉ tiêu phấn đấu đưa GD&ĐT vươn lên nhóm dẫn đầu Thành phố Hà Nội và 100% trường học thuộc quận đạt chuẩn quốc gia.

Học sinh trường THCS Thăng Long tự tin dẫn chương trình cùng màn hình Led.

Học sinh trường THCS Thăng Long tự tin dẫn chương trình cùng màn hình Led.

Để góp phần thực hiện chỉ tiêu phấn đấu đó, việc đầu tư cơ sở vật chất, hiện đại hóa trang thiết bị dạy học - giáo dục, trong đó có việc đầu tư, khai thác và sử dụng hiệu quả màn hình LED sân trường góp phần quan trọng nâng cao chất lượng dạy học, hiệu quả công tác giáo dục là một trong những ưu tiên hàng đầu.

Ông Lê Đức Thuận cũng cho biết, trước khi có Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận lần thứ XXVI địa phương mới có 27/50 trường học đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỉ lệ 54%. Bên cạnh đó, xếp hạng 29/30 về tỉ lệ trường chuẩn quốc gia và xếp thứ 17/30 quận, huyện, thị xã của thành phố Hà Nội về giáo dục.

Ngay khi có Nghị quyết, quận Ba Đình đã tiến hành chỉ đạo cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Quận đã ban hành 9 đề án và 2 kế hoạch để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra lĩnh vực GD&ĐT.

Trong đó, có kế hoạch về việc rà soát để tổ chức cải tạo, sửa chữa, xây mới hoặc sáp nhập các trường học của quận, đồng thời quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, trong đó có thiết bị CNTT hiện đại cho các trường học.

Đến nay, 40/49 trường học của quận đã đạt chuẩn quốc gia, đạt tỉ lệ 81,6%, xếp thứ 5/30 quận, huyện và tăng tới 24 bậc so với lần xếp hạng đầu nhiệm kỳ; xếp hạng giáo dục đứng thứ 3/30 quận, huyện, thị xã của Thành phố với 13/13 lĩnh vực công tác xếp loại xuất sắc.

Theo Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình, có được kết quả bứt phá như vậy trong giáo dục là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị quận. Đặc biệt là sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Quận ủy, HĐND, UBND quận Ba Đình cùng sự phối hợp tạo điều kiện của các phòng, ban chuyên môn. Với tinh thần chủ động, trách nhiệm cao toàn ngành GD&ĐT Ba Đình bám sát các chỉ tiêu, nhiệm vụ, tổ chức giao ban từng tháng, từng quý về công tác giáo dục cũng như việc rà soát để đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục.

Với đề án đổi mới và tăng cường ứng dụng CNTT của quận Ba Đình lĩnh vực GD&ĐT giai đoạn 2020-2025, 100% các trường học thuộc quận được trang bị màn hình LED sân khấu. Bên cạnh đó là mái che sân trường giúp thầy cô và học trò yên tâm sinh hoạt dưới cờ, tổ chức các hoạt động ngoại khóa mà không bị ảnh hưởng bởi thời tiết nắng mưa thất thường.

Hiện toàn quận Ba Đình có hơn 40 trường học đã được trang bị màn hình LED sân trường. Với trường học còn lại sẽ triển khai để hoàn thành đồng bộ với dự án cải tạo, sửa chữa, xây mới các trường học giai đoạn 2022-2025.

“Các buổi sinh hoạt dưới cờ, các hoạt động ngoài giờ lên lớp, hoạt động ngoại khóa, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh được tổ chức tại sân trường trở nên thú vị, lôi cuốn hơn bao giờ hết nhờ sự hỗ trợ của màn hình LED…”, ông Lê Đức Thuận chia sẻ.

Để việc khai thác, sử dụng màn hình LED có hiệu quả, Phòng GD&ĐT, Phòng Văn hóa Thông tin và Công an quận đã xây dựng các video tuyên truyền, phổ biến kiến thức, giáo dục pháp luật, giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống như: cách phòng chống tai nạn thương tích, phòng chống bạo lực học đường, phòng cháy chữa cháy, phòng chống dịch bệnh, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu…, những nội dung gần gũi, phù hợp với lứa tuổi học sinh.

Hiện kho video này được quận gửi tới các trường học để trình chiếu qua màn hình LED sân khấu vào giờ ra chơi, giờ sinh hoạt đầu tuần, ngoại khóa…

Học sinh thích thú với màn LED

Chia sẻ với Báo GD&TĐ, nhà giáo Nguyễn Thanh Hà - Hiệu trưởng Trường THCS Thăng Long (quận Ba Đình) cho biết, Nhà trường là đơn vị tiên phong trong việc sử dụng màn hình LED sân khấu và mái che sân trường của quận.

Màn hình LED không chỉ đóng vai trò là phông hiển thị của các sự kiện mà còn là kênh phát clip phòng, chống dịch Covid-19, an toàn giao thông, phòng chống ma túy, phòng chống bạo lực học đường.

Trường THCS Thăng Long sử dụng hiệu quả màn hình Led trong hoạt động ngoại khóa.

Trường THCS Thăng Long sử dụng hiệu quả màn hình Led trong hoạt động ngoại khóa.

Ngoài ra, Trường THCS Thăng Long tận dụng màn hình LED để phục vụ cho hoạt động văn nghệ, ngoại khóa kỹ năng sống…góp phần triển khai hiệu quả chương trình GDPT 2018.

“Màn hình LED chiếu được hình ảnh và bài học kỹ năng trực quan nên học sinh cũng hứng thú hơn…”, cô Hà chia sẻ.

Còn tại Trường THCS Nguyễn Trãi (quận Ba Đình), cô Lê Hoàn Châu - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, trong buổi ngoại khóa chuyên đề, thông qua màn hình LED, học sinh được chiêm ngưỡng những di tích lịch sử của Thủ đô (cầu Long Biên, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long…).

“Thông qua góc quay từ flycam và kĩ thuật quay, góc nhìn của người làm nghệ thuật, nhiều hình ảnh và khám phá mới mẻ về Hà Nội được mở ra trước mắt các em rất sống động, cuốn hút.

Cùng với màn hình Led sân trường giúp học sinh học tập, phát huy nét đẹp văn hóa Thủ đô tốt hơn.

Cùng với màn hình Led sân trường giúp học sinh học tập, phát huy nét đẹp văn hóa Thủ đô tốt hơn.

Từ đó, các em học sinh càng thêm yêu mến, tự hào về Thủ đô và nâng cao ý thức gìn giữ, phát huy văn hoá của người Hà Nội thanh lịch văn minh…”, cô Châu chia sẻ.

Đồng thời, cô Lê Hoàn Châu cũng nhấn mạnh, qua thực tế sử dụng trong các buổi chuyên đề giáo dục kĩ năng sống có thể thấy rằng những ảnh trực quan từ màn hình LED kết hợp thiết kế đồ họa sinh động giúp các em học sinh ghi nhớ ngay nội dung bài học và dễ dàng thực hành, ứng dụng kỹ năng vào cuộc sống.

Còn cô Nguyễn Bách Chiến - Hiệu trưởng Trường mầm non Thành Công cũng bày tỏ niềm vui từ khi trường được đầu tư màn hình LED: “Bên cạnh những ngày lễ và các hoạt động thường niên, nhà trường còn khai thác hiệu quả màn hình LED như: chiếu phim hoạt hình, các bài nhảy dân vũ, thể dục sáng cho trẻ; tuyên truyền các chuyên đề: bảo vệ môi trường, phòng, chống dịch bệnh...

Với màn hình trung tâm trên sân trường, âm thanh sống động, thu hút sự chú ý của trẻ; các nội dung giáo dục, chăm sóc phối hợp với phụ huynh được tuyên truyền vào giờ đón và trả trẻ theo định kỳ tạo hiệu quả cao, thiết thực”.

Học sinh trải nghiệm, học tập tư liệu lịch sử qua hệ thống màn hình Led.

Học sinh trải nghiệm, học tập tư liệu lịch sử qua hệ thống màn hình Led.

Sự quan tâm đầu tư của quận Ba Đình trong việc đưa các tiến bộ của công nghệ thông tin vào hoạt động dạy học, giáo dục không chỉ nâng cao hiệu quả đào tạo, mà còn giúp cho việc học trong trải nghiệm được thuận lợi, tiết kiệm được thời gian và chi phí.

Với “trợ thủ” đắc lực số hóa giáo dục như màn hình LED, học sinh Ba Đình sẽ tự tin làm chủ công nghệ, thi đua học tốt, rèn luyện tốt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ