Mạn đàm về câu nói của ông cha: “Đầu năm mua muối – cuối năm mua vôi”

GD&TĐ - Bao đời nay ông bà ta vẫn dạy con cháu: “Đầu năm mua muối – cuối năm mua vôi”. Vậy ý nghĩa câu nói ấy là như thế nào?

Mạn đàm về câu nói của ông cha: “Đầu năm mua muối – cuối năm mua vôi”

Theo quan niệm của người Việt từ xa xưa, muối mặn là vật biểu trưng cho tình cảm mặn nồng, phải chăng muối có ý nghĩa trong đời sống là cầu mong tình cảm gia đình thêm đậm đà, vợ chồng con cái thêm gắn bó, làng xóm, đối tác quan hệ công việc và họ hàng thân thích ngày một "bền đẹp". Ngày đầu năm mua muối còn giúp cả năm mua may bán đắt, làm ăn tấn tới, gia đình hạnh phúc đầm ấm, dư vị “trọn vẹn” đậm đà như vị của muối.

Chính vì thế hình ảnh người rao muối dạo mỗi sáng mùng 1 Tết Nguyên đán đã từng vô cùng quen thuộc. Khi bán, cần đong bát muối đầy đến ngọn, tránh gạt ngang miệng, vì muối có ngọn là cực kỳ trọn vẹn, đem lại sự no ấm, sung túc. Hai bên kẻ mua người bán đều thuận tình mua bán, không mặc cả kỳ kèo.

Nhưng thời hiện đại mua muối không còn đong bát mà được cho một một túi nilong, có rất nhiều loại to nhỏ khác nhau, tuỳ theo người mua. Chẳng những thế muối còn được bán tại cổng các Chùa, mua một gói nhỏ để lấy may.

Và những vùng miền biển hay miền Tây nơi có nhiều sôn rạch, nếu định lặn dưới nước, ông cha ta thường bảo: Uống một bát nước mắm mặn hoặc pha nắm muối mặn, uống vào sẽ ấm người. Khi đó cơ thể sẽ ấm, lúc đó lặn được lâu hơn và vùng vẫy dưới nước mà không sợ lạnh.

Cuối năm mua vôi vì ông cha ta có câu "bạc như vôi"
Cuối năm mua vôi vì ông cha ta có câu "bạc như vôi"

Người Việt Nam ta còn có 1 tập tục khác về muối nữa, là với gia đình có bé mới sinh vài tháng, lần đầu khi người thân bế bé sang gia đình hàng xóm bên cạnh chơi, vị láng giềng ấy sẽ bỏ vào miệng bé 1 hạt muối nhỏ.

Hành động thân tình này có ý nghĩa là: Chúc em bé khỏe mạnh, càng lớn càng tình cảm với người thân, hàng xóm và hay ăn chóng lớn, thương mến mọi người đậm đà như muối mặn.  

Phải chăng ngay từ khi sinh trong phong tục của ông cha đã có hạt muối đi cùng với biểu tượng “làm phép” may mắn cho một đời người. Muối mang lại may mắn, mang lại sự “ấm áp”, mang lại dư vị “trọn vẹn” đậm đà như muối cho gia đình Việt cả một năm mới – Xuân Mậu Tuất 2018.

Cuối năm mua vôi

Cũng là màu trắng nhưng khác với màu trắng của hạt muối, vôi cũng màu trắng nhưng ông cha có câu “Bạc như vôi”.

Phải chăng đầu năm cần tránh mua vôi, vì nó là biểu tượng của sự bạc bẽo, có vậy mới tránh được rủi ro cùng nguy cơ rạn nứt hay đổ vỡ mọi quan hệ tình cảm và công việc.

Mua vôi chỉ được làm vào cuối năm, dịp đó để chuẩn bị đón năm mới bằng cách quét lại căn nhà, tường cổng đẹp đẽ sạch sẽ, trắng tinh tươm.

Vôi quét nhà còn để xóa tan, cuốn bay đi điều không hay của năm cũ, đón chờ một khởi đầu mới, xí xóa mọi chuyện buồn, hướng tới tương lai tốt đẹp.

Người xưa còn quan niệm khá kỹ càng rằng, vôi có thể trừ tàthế nên trên nhiều vùng quê, cứ đến cuối năm là các gia đình thường rắc vôi bột ở 4 góc vườn và vẽ hình mũi tên có hướng ra cổng nhà để xua đuổi ma quỷ.

Câu nói “đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi” thật ra còn mang ý nghĩa là cha mẹ nhắc nhở với con cái “ăn dè, hà tiện” (nên đầu năm mua muối) chỉ cốt để dành đủ tiền xây nhà (nghĩa bóng của "cuối năm mua vôi”). Bởi với người Việt Nam nói chung và người Bắc Bộ nói riêng, 3 việc quan trọng nhất trong đời một con người chính là “tậu trâu, lấy vợ, làm nhà” .

Có một thời gian dài, các phong tục truyền thống này đã phần nào phai nhạt do cuộc sống hiện đại vội vàng. Nhưng mấy năm trở lại đây, phong tục này đã dần được khôi phục khi hình ảnh người bán muối ngày mồng 1 xuất hiện lại trên các con phố.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ