* Thưa ông, Lễ cúng giao thừa là thời khắc linh thiêng trong năm mới. Vậy các gia đình nên chuẩn bị như thế nào cho phù hợp với nghi lễ này?
Lễ cúng Giao Thừa là một nghi thức không thể thiếu mỗi dịp tết đến xuân về. Cúng Giao thừa hay còn gọi là lễ Trừ Tịch: Ý nghĩa của lễ này là đem bỏ hết đi những điều xấu của năm cũ sắp qua để đón những điều tốt đẹp của năm mới sắp đến. Lễ trừ tịch còn là lễ để "khu trừ ma quỷ".
Đêm trừ tịch là khoảng thời gian thiêng liêng nhất của năm khi các gia đình sum họp, chuẩn bị đón năm mới với những điều tốt lành, may mắn sẽ đến và tiễn trừ năm cũ với những điều không may đã qua.
Tuỳ theo vùng miền và địa phương có cách cúng khác nhau. Thông thường vùng quê miền đồng bằng bắc bộ, nhân dân thường cúng vào lúc thời gian vừa bước sang giờ Tý tức hơn 12h đêm 30 tháng chạp.
Lễ cũng giao thừa cũng có hai lễ khác nhau. Đối với những gia đình nào có cây hương ngoài trời thì thắp hương và cúng ngoài sân trước cây hương. Còn ở thành phố chật chội hoặc những căn hộ chung cư, nhà tập thể không có cây hương thì có thể làm lễ trước bàn thờ thần linh của gia đình...
* Xin ông cho biết về phong tục “Xông đất” đầu năm?
Theo quan niệm của người Á Đông, tục “Xông đất” hay còn gọi là Đạp Đất đã có nguồn gốc từ rất lâu đời. Xuất phát từ quan niệm "Đầu xuôi đuôi lọt" và "Vạn sự khởi đầu nan". Theo quan niệm đó thì việc “Xông đất” vào ngày mùng một Tết cũng như ngày mở cửa hàng, khai trương, xuất hành đầu năm mới có ảnh hưởng rất lớn đến hạnh phúc, công danh, tài lộc của gia chủ trong cả năm.
Vì vậy, từ xưa đến nay, vị khách đặc biệt bước vào nhà đầu tiên mang ý nghĩa rất quan trọng đối với từng cá nhân, gia đình và cơ quan. Người ta quan niệm nếu một người năm đó mang trong mình cung vận tuổi tốt, hợp với tuổi gia chủ, với niên vận thái tuế của năm đó mà đến xông nhà thì sẽ mang lại nhiều may mắn, hạnh phúc và tài lộc cho gia chủ. Còn ngược lại nếu một người mang trong mình vận tuổi xấu, xung phá với tuổi chủ nhà, niên vận thái tuế sẽ mang tới nhiều điều xui như ốm đau, nhà cửa lục đục, làm ăn không thuận lợi đến với chủ nhà...
Tục xông đất đầu năm (ảnh minh họa) |
*Để một năm sức khỏe bình an, may mắn nhiều người tổ chức dâng sao giải hạn hoặc đi lễ cầu may, ông có quan điểm ra sao?
Nghi lễ cầu may là một nét văn hóa truyền thống của người phương Đông vào dịp đầu năm. Mọi người đến chùa để cầu một năm mưa thuận gió hòa, sức khỏe bình an. Không khí thanh tịnh tại chùa mang lại cho mọi người một tâm hồn thanh sạch. Dâng sao giải hạn cũng là một tín ngưỡng dân gian có từ lâu đời cũng là mong cầu của mọi người về việc cầu điều lành, tránh điều dữ.
Tuy nhiên khi các hình thức cúng bái tế lễ, dâng sao giải hạn đi chệch với văn hoá tín ngưỡng dân gian thì chúng ta cũng không nên làm. Việc Dâng sao giải hạn là tín ngưỡng của đạo Giáo chứ không phải của đạo Phật. Vì vậy không nên làm việc này ở Chùa, chỉ nên tổ chức bình thường tại gia cho những người gặp các sao xấu như: sao La Hầu đối với nam, sao Kế Đô đối với nữ. Nghi lễ thì chỉ cần bào vị sao, một ít lễ vật đèn nhang quay về hướng các sao xấu và thành tâm khấn.