Mái ấm cho đồng bào

GD&TĐ - Theo báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, từ năm 2000 - 2023 đã có hơn 1,7 triệu căn nhà Đại đoàn kết được xây mới và sửa chữa.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Phát biểu tại Chương trình phát động hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát với chủ đề “Mái ấm cho đồng bào tôi” diễn ra mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đây là chủ trương lớn của Đảng - không để ai bị bỏ lại phía sau trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Cho nên ai có gì góp nấy, ai có công góp công, ai có của góp của, ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít để chúng ta nhanh chóng xóa nhà tạm, nhà dột cho đồng bào, nhất là đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo.

Theo báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, từ năm 2000 - 2023 đã có hơn 1,7 triệu căn nhà Đại đoàn kết được xây mới và sửa chữa. Trong giai đoạn 2021 - 2023, với sự trợ giúp của cộng đồng và ngân sách Nhà nước, đã có 139.995 căn nhà được xây dựng và cải tạo.

Còn theo thống kê của các tỉnh, thành phố, dựa trên tiêu chí do Bộ Xây dựng quy định, hiện cả nước vẫn còn 153.881 căn nhà tạm và nhà dột nát cần hỗ trợ. Trong đó có 106.967 căn cần xây mới gồm 68.565 căn của hộ nghèo và 38.402 căn của hộ cận nghèo.

Có 46.914 căn cần sửa chữa, trong đó 27.188 căn của hộ nghèo và 19.726 căn của hộ cận nghèo. Kinh phí cần có để hoàn thành mục tiêu xóa bỏ hoàn toàn nhà tạm và nhà dột nát cho các hộ nghèo và cận nghèo là khoảng hơn 6.522 tỷ đồng.

Như vậy, dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ được ban hành và quá trình thực hiện đã đạt được những kết quả nhất định nhưng việc xóa nhà tạm, nhà dột nát vẫn còn nhiều khó khăn, số lượng nhà tạm, nhà dột nát vẫn còn rất lớn. Cụ thể, theo kết quả rà soát mới nhất, cả nước còn khoảng 400.000 căn chưa đạt chuẩn “3 cứng” là nền cứng, khung cứng, mái cứng.

Vậy nên, như ý kiến của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, rất cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân, với tinh thần ai có gì góp đó, không kể ít nhiều, miễn là cùng đi chung trên một con đường, một mục tiêu cao cả và thiêng liêng là “Mái ấm cho đồng bào tôi”.

Để hoàn thành mục tiêu từ nay đến hết năm 2025 xóa bỏ toàn bộ nhà tạm, nhà dột nát, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, trước tiên phải nêu cao tinh thần tự lực, tự cường của các địa phương. Với các tỉnh, thành phố thuộc nhóm kinh tế phát triển sẽ tự đảm đương việc xóa nhà tạm trên địa bàn. Nhóm địa phương khó khăn, nhóm tỉnh nghèo... cần có cơ chế huy động và hỗ trợ phù hợp.

Các cơ quan chức năng nên cho phép sử dụng tiết kiệm chi thường xuyên năm 2024 của ngân sách địa phương và Trung ương cùng với nguồn lực xã hội hóa để xóa nhà tạm, nhà dột nát theo cách vừa phân công, vừa giao chỉ tiêu hỗ trợ theo địa chỉ, để các địa phương có điều kiện hỗ trợ các địa phương khác.

Chính phủ vận động và phân công các bộ, cơ quan, ngân hàng, doanh nghiệp hỗ trợ trực tiếp cho các địa phương khó khăn, địa phương nghèo. Ngoài ra, cần huy động sự chung tay góp sức, đồng lòng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, người dân, lan tỏa rộng khắp trong xã hội, cộng đồng cho chương trình.

Xóa nhà tạm, nhà dột nát là chủ trương lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mang tính nhân văn sâu sắc. Người dân đều khát khao có được một ngôi nhà nhỏ kín trên, bền dưới, để gia đình trú ngụ, để cụ già, em nhỏ đỡ khổ.

Niềm mong ước tưởng chừng rất đơn giản ấy nhưng nếu không có sự quan tâm, giúp đỡ của Đảng, Nhà nước, sự chung tay góp sức của các nhà hảo tâm, của cộng đồng, xã hội thì với nhiều người mãi vẫn chỉ là ước mơ - ý kiến của Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến.

Đặc biệt, như khẳng định của Thủ tướng Phạm Minh Chính thì chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước rất rõ là không hy sinh công bằng, tiến bộ xã hội. Không hy sinh an sinh xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần; làm sao cho nhân dân có cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc. Nên điều kiện quan trọng nhất là nguồn lực đã có phải sử dụng hiệu quả.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.