Thí sinh quan tâm hơn về cơ hội việc làm sau khi ra trường

GD&TĐ - Các ngành hot như CNTT, công nghệ ô tô, tự động hóa… của ĐH Đà Nẵng đều có điểm trúng tuyển cao hơn năm 2021 từ 0,5-2 điểm.

Học sinh làm thủ tục nhập học Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng.
Học sinh làm thủ tục nhập học Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng.

Phan Tấn Sang – thủ khoa đầu vào Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng với 27,2 điểm, cho biết: “Em chọn ngành công nghệ kỹ thuật cơ khí vì anh trai em cũng đang học ngành này. Trường nào có học phí ổn định, đầu ra tốt thì em sẽ ưu tiên lựa chọn. Theo như em tìm hiểu thì thời gian học thực hành nhiều hơn, dễ dàng đáp ứng yêu cầu về tay nghề khi tuyển dụng lao động”.

Sử dụng phương thức xét tuyển bằng kết quả học bạ THPT, Lê Ngô Hồng Hạnh (quê ở Bình Sơn, Quảng Ngãi) trúng tuyển vào ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng.

Chia sẻ về lý do chọn ngành môi trường, Hạnh cho biết: “Em theo dõi các thông tin tư vấn tuyển sinh của nhà trường những năm gần đây thì được biết đây là ngành có ít bạn lựa chọn theo học hơn các ngành có liên quan đến nhân lực 4.0. Thế nhưng, cơ hội việc làm cho các sinh viên tốt nghiệp ngành học này là rất lớn, doanh nghiệp đến tận trường để tuyển dụng. Em biết là học ngành này thì điều kiện làm việc hơi vất vả một chút nhưng như thế thì tuổi trẻ càng có thêm trải nghiệm”.

Khoa Kỹ thuật xây dựng - Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng tặng quà của cựu sinh viên cho những tân sinh viên đầu tiên của khoa.

Khoa Kỹ thuật xây dựng - Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng tặng quà của cựu sinh viên cho những tân sinh viên đầu tiên của khoa.

Từ huyện giáp ranh biên giới Campuchia của Gia Lai, anh em sinh đôi Phạm Trọng Đạt và Phạm Trọng Thành đi chuyến xe đêm để kịp về nhập học đợt 1 tại Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng.

Bố của Đạt và Thành, ông Phạm Văn Hiệu kể: “Hai đứa đi học nữa là nhà có 3 đứa đều là sinh viên. Thằng em nhất định xin bố mẹ cho ở nhà để phụ nương rẫy vì sợ gia đình không đủ khả năng nuôi cả 3 chị em học đại học. Nhưng rồi tui phân tích, giờ thì con chưa thấy khác biệt gì nhưng sau này, khi anh có nghề nghiệp ổn định mà em thì lông bông vất vả lại ân hận sao bố mẹ không cho học lấy cái nghề”.

Đạt và Thành đều chọn ngành công nghệ ô tô để theo học, sau khi tham khảo các anh chị vốn là sinh viên cũ của trường.

Năm nay, các ngành có liên quan đến nhân lực cho cuộc cách mạng 4.0 của ĐH Đà Nẵng đều có điểm trúng tuyển tăng từ 0,5 đến 2 điểm. Trong khi đó, một số ngành khối kỹ thuật như cầu đường, xây dựng, môi trường, thủy lợi… đều có điểm chuẩn thấp nhưng vẫn tuyển không đủ chỉ tiêu.

PGS.TS Phan Cao Thọ - Hiệu trường Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng cho biết: “Để đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như từ thực tiễn sản xuất của các doanh nghiệp, trong đề cương các môn học đều có nội dung liên quan đến 4.0 như công nghệ mới, số hóa, tự động hóa…

Tuy nhiên, tâm lý chung của học sinh THPT chỉ muốn theo những ngành học thời thượng trong xã hội. Cho dù khi tư vấn tuyển sinh, nhà trường đều nhấn mạnh đến cơ hội đầu ra của các ngành kỹ thuật là rất tốt, có cả doanh nghiệp đi cùng, nhưng vẫn không có sự điều chỉnh đáng kể chọn ngành, chọn nghề của học sinh”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.