Miệt mài học tập, vượt qua mọi áp lực, đôi bạn quê hương Kinh Bắc: Giáp Vũ Sơn Hà (Trường THPT chuyên Bắc Giang) và Nguyễn Hữu Tiến Hưng (Trường THPT chuyên Bắc Ninh) xuất sắc mang về những tấm Huy chương Vàng Olympic Hóa học quốc tế (IChO) 2024 quý giá cho đoàn Việt Nam để nối dài những đỉnh cao tri thức trên trường quốc tế, tiếp nối sự học của vùng đất khoa bảng…
Tấm huy chương ghi dấu ấn giáo dục
Vẫn còn cảm xúc lâng lâng, tự hào khi “sở hữu” Huy chương Vàng Olympic Hóa học quốc tế 2024, Sơn Hà chia sẻ, được tham gia các cuộc thi quốc tế, cọ xát với các đội tuyển rất mạnh đến từ các quốc gia trên thế giới là niềm vinh hạnh và cơ hội để em khẳng định khả năng học tập của bản thân.
Nam sinh bộc bạch, những kiến thức của bộ môn Hóa học như: Nhiệt hóa học, phân tích, hữu cơ… rất hấp dẫn chứ không khô khan như mọi người vẫn nghĩ. Dù là học sinh lớp chuyên với lịch học dày đặc, song Sơn Hà vẫn dành thời gian để giao lưu với bạn bè, thể dục thể thao.
Sơn Hà sinh ra trong gia đình có mẹ là giáo viên bộ môn Sinh – Hóa. Chính vì thế, ngay từ khi còn nhỏ, nam sinh đã được bồi đắp tình yêu khoa học tự nhiên. Nhờ sự chỉ bảo, hướng dẫn tận tình của mẹ, Sơn Hà ham thích tìm hiểu những hiện tượng, sự vật xung quanh và luôn đặt câu hỏi vì sao để mẹ giải thích. Nhiều khi chưa thỏa mãn với đáp án, em còn chủ động tìm hiểu qua sách, báo và nhờ thầy, cô giáo giảng giải.
Với tố chất thông minh, lại chăm chỉ nên ngay khi học THCS, Sơn Hà đã đạt giải Nhất học sinh giỏi (HSG) cấp tỉnh môn Hóa học và được tuyển thẳng vào lớp 10 chuyên Hóa, Trường THPT chuyên Bắc Giang (năm học 2021 – 2022). Phát huy tài năng của mình, năm lớp 11 (năm học 2022 - 2023), Sơn Hà được chọn vào đội tuyển tỉnh Bắc Giang tham gia kỳ thi HSG quốc gia. Không phụ lòng thầy cô, Sơn Hà giành giải Nhất quốc gia môn Hóa học.
Từ thành tích này, Sơn Hà trở thành 1 trong 8 thí sinh của đoàn Việt Nam được tham gia Cuộc thi Olympic Hóa học quốc tế Abu Reikhan Beruniy năm 2023 tại Uzbekistan và xuất sắc giành Huy chương Bạc. Nam sinh quê Bắc Giang cũng là thí sinh có điểm thi lý thuyết cao nhất đoàn Việt Nam với 57,85 điểm trên thang điểm 70 tại cuộc thi quốc tế này.
Đến năm học lớp 12, Sơn Hà gặt hái thành tích ấn tượng khi là thủ khoa, giải Nhất trong kỳ thi chọn HSG quốc gia môn Hóa học (năm học 2023 - 2024). Đặc biệt, Kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế 2024 tại Ả-rập Xê-út, Sơn Hà xuất sắc đoạt Huy chương Vàng. Đây là Huy chương Vàng Olympic Hóa học quốc tế danh giá cho đoàn Việt Nam để nối dài những đỉnh cao tri thức trên trường quốc tế.
Đồng thời là tấm Huy chương Vàng Olympic Hóa học quốc tế đầu tiên của Bắc Giang sau gần 30 năm tái lập tỉnh. Sơn Hà chia sẻ, bài thi quốc tế có rất nhiều phần khó, mới lạ, song với tâm lý ổn định, hít thở sâu, uống đủ nước nên vững tin làm bài thi tốt nhất.
Thầy Vương Trường Sơn, giáo viên Hóa học (Trường THPT chuyên Bắc Giang) - người đồng hành với Sơn Hà nhấn mạnh, đây là cậu học trò thông minh, sáng tạo, có khả năng tự phát hiện, tự đọc, tự nghiên cứu, khắc phục điểm yếu và đam mê môn Hóa học.
Vui mừng về tấm Huy chương Vàng Olympic Hóa học quốc tế 2024 danh giá của Giáp Vũ Sơn Hà, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Bắc Giang Trần Duy Phương khẳng định, đây là thành tích xuất sắc mà không chỉ em mà các thầy cô đều muốn học trò hướng tới. Đồng thời khẳng định, nhà trường sẽ tiếp tục nâng cao chiến lược ôn luyện trọng điểm để giành nhiều thành tích cao trong giáo dục mũi nhọn…
Giữ mạch truyền thống hiếu học
Cùng niềm vui với Giáp Vũ Sơn Hà, Nguyễn Hữu Tiến Hưng (lớp 12, chuyên Hóa, Trường THPT chuyên Bắc Ninh) vinh dự đạt điểm cao nhất của đoàn Việt Nam trong hành trình chinh phục Huy chương Vàng Olympic Hóa học quốc tế (IChO) 2024. Tiến Hưng là học trò thứ hai của Trường THPT chuyên Bắc Ninh giành được Huy chương Vàng danh giá này (trước đó năm 2023 là Nguyễn Kim Giang).
Chia sẻ với chúng tôi, Tiến Hưng bày tỏ niềm tự hào là cựu học sinh Trường THPT chuyên Bắc Ninh trong hành trình chinh phục kỳ thi quốc gia, khu vực và quốc tế. “Đến lúc nghe đọc kết quả, em cảm thấy rất hồi hộp, lo lắng, sau đó chuyển sang vỡ òa hạnh phúc vì đã đoạt Huy chương Vàng…”, Tiến Hưng nói.
Nam sinh quê quan họ cũng cho biết, bản thân yêu thích hóa học từ năm lớp 8, xuất phát từ các phản ứng đơn giản như: Thổi hơi thở vào dung dịch để kết tủa, thổi nhiều hơn thì dẫn tới hòa tan kết tủa… Đến lớp 9, niềm đam mê ấy được “thổi bùng” từ chị gái - cựu học sinh Trường THPT chuyên Bắc Ninh. “Em được chị tư vấn rất nhiều về cách học và ứng dụng của hóa học trong cuộc sống khiến bản thân yêu thích môn học và quyết tâm đặt hành trình chinh phục đỉnh cao…”, Tiến Hưng bộc bạch.
Theo nam sinh, kiến thức từ THCS cung cấp nền tảng quan trọng, để phát triển tư duy về sau: Bảng tuần hoàn các phản ứng hóa học ví như “bảng cửu chương trong Toán học” hay phản ứng đốt cháy, tính chất một số hợp chất quen thuộc…
“Muốn làm tốt hóa học thì nên làm bài tập chuyên đề. Tìm kiếm trên mạng xã hội với các video phản ứng hóa học giúp em vừa giải trí, vừa tư duy, liên kết giữa kiến thức và thực tế…”, nam sinh cho hay.
Về bí quyết chinh phục Huy chương Vàng Olympic Hóa học quốc tế, nam sinh cho biết, bản thân phải bình tĩnh, không bỏ bước, tuân thủ quy trình vì yêu cầu chính xác rất cao, nếu không sẽ có sai số. Làm đúng quy trình thì thí nghiệm hóa học sẽ chính xác, giảm rủi ro. Nếu làm vội, làm ẩu có thể gặp tai nạn… với các bài thực hành.
Chia sẻ kỉ niệm trong đợt thi vừa qua, Tiến Hưng kể: Trước ngày bay sang Ả-rập Xê-út, ngoài lúc học, em vẫn dành thời gian bắt xe buýt đi khám phá Hà Nội, thử các món ăn mới lạ hoặc xem phim. Đây là cách cân bằng cuộc sống, giữ gìn tinh thần và sức khỏe tốt, tránh áp lực.
Khi sang nước bạn, chúng em nhanh chóng làm quen với các bạn ở các đội đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Ai cũng vui vẻ, thân thiện, cởi mở. Đội Việt Nam mang tặng các bạn các móc khóa hình người phụ nữ mặc áo dài, nón lá, chuồn chuồn tre cân bằng. Ai cũng nói thích và mong được đến Việt Nam khám phá...
Cô Vũ Thị Len, giáo viên Hóa học, Trường THPT chuyên Bắc Ninh cho hay, từ lớp 10, Tiến Hưng đã khác biệt với chúng bạn khi chú ý nghe giảng, chịu khó làm bài tập, luôn đạt kết quả cao, hầu hết đứng đầu các cuộc thi. Đi cùng Tiến Hưng sang Ả-rập Xê-út, cô Len khá lo sức khỏe học trò vì thời tiết khô nóng, môi trường lạ lẫm. Cô cẩn thận mang theo bình xịt mũi, nước giải nhiệt vì sợ em cúm, bị ốm.
“Tôi dặn em ăn nhiều rau, uống đủ nước để thích nghi với thời tiết. Đây là lần đầu tiên làm chủ nhiệm lớp có học sinh đoạt Huy chương Vàng Olympic quốc tế, tôi hạnh phúc. Lúc Hưng được xướng tên, hai cô trò vỡ òa cảm xúc. Cả tối đó, tôi gần như không ngủ, chỉ trả lời tin nhắn hỏi thăm chúc mừng của bạn bè, thầy, cô giáo và người thân ở quê nhà…”, cô Len xúc động cho biết.
Nổi tiếng là vùng đất hiếu học khoa bảng, nhiều người học giỏi, văn hay chữ tốt nên thời nào Kinh Bắc cũng đều có những bậc hiền nhân làm vẻ vang quê hương, đất nước. Mạch nguồn hiếu học kết đọng từ ngàn đời ấy đã thấm lặn vào trong nếp ăn ở, nếp tư duy, ứng xử và đời sống sinh hoạt vật chất, tinh thần của người Kinh Bắc. Bước vào thời kỳ đổi mới thế hệ trẻ Bắc Ninh - Bắc Giang tiếp tục giữ mạch truyền thống hiếu học của miền quê quan họ để mang về vinh quang cho quê hương, đất nước bằng sự học.