1. Trước khi sử dụng
Tất vừa mua về, bạn nên cho vào ngăn đá tủ lạnh để khoảng một ngày rồi mới lấy ra dùng, nó sẽ bền hơn rất nhiều. Nên nhớ cách này chỉ dùng cho tất mới, các đôi tất cũ và bị dão sẽ không có tác dụng .
2. Giặt và phơi
Với quần tất mỏng, bạn nên lộn mặt trái để giặt, tốt nhất là giặt tay và dùng dầu gội đầu để giặt. Phơi tất ở những nơi thoáng mát, phơi xong thì nên để ngoài tầm 30-40" cho hết hơi nóng của thời tiết, sau đó đem cất vào ngăn mát tủ lạnh, làm như vậy sẽ giúp sợi tất đàn hồi và dai hơn.
Ngoài ra còn có 1 cách khác cũng hiệu quả không kém. Trước tiên, bạn đem tất bẩn đi giặt sạch, sau đó nhỏ vài giọt giấm ăn vào nước ấm, ngâm tất 1 lúc rồi đem phơi khô. Sau khi được giặt qua nước ấm, sợi nilon của tất sẽ dai, bền hơn, đồng thời khử được mùi hôi của tất.
Với những loại tất dày dặn, nếu bạn muốn giặt máy, hãy buộc tròn đôi tất lại và cho vào túi giặt nhỏ dành cho đồ lót, nhưng không để áo chíp cùng trong túi giặt đó vì các móc khóa có thể làm xước đôi tất. Tuy nhiên, an toàn nhất là vẫn giặt tay.
Với quần tất lót nỉ, khi giặt bạn nên lộn mặt trái ra giặt, làm như thế bạn có thể cho vào máy giặt cũng ko sợ bị xù.
3. Khi vết rách nhỏ
Nếu đang sử dụng và phát hiện vết rách, xước nhỏ, bạn có thể sửa bằng cách chấm một chút sơn móng không màu vào, vết rách sẽ được vá và không lan rộng. Hãy làm việc này ngay khi chân bạn vẫn mang đôi tất đó, nghĩa là khi dùng tất, bạn nên đem theo lọ sơn móng không màu trong túi.
Với những đôi tất không rách nhưng xù lên, bề mặt có những túm sợi, hãy "làm mới" chúng bằng cách lộn trái để đi. Trông đôi tất lại mượt mà như cũ, nhưng bạn nên đi giày kín mũi để che giấu việc bạn đi tất trái.
4. Các lưu ý khác
Hãy đi một đôi tất cổ ngắn bên trong tất da chân để hạn chế tình trạng móng chân đâm thủng tất da. Tất cổ ngắn càng mỏng càng tốt để chân không bị dày cộm, đi giày bớt chật chội.
Ngoài ra bạn cũng nên cắt móng tay, móng chân thường xuyên để tránh làm xước tất ngay từ khi bắt đầu xỏ tất vào chân.