Mắc kẹt vì Covid-19, du học sinh Việt được hỗ trợ và cảnh báo như thế nào?

GD&TĐ - Do ảnh hưởng dịch Covid-19, đã có nhiều LHS về nước phòng tránh dịch bệnh, trong đó đã có hàng chục LHS bị nhiễm Covid-19. Bộ GD&ĐT đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài, các đối tác nước ngoài để hỗ trợ LHS trong giai đoạn này.

LHS mắc kẹt ở sân bay trên đường từ Mỹ về Việt Nam (ảnh minh họa)
LHS mắc kẹt ở sân bay trên đường từ Mỹ về Việt Nam (ảnh minh họa)

Bảo hộ công dân và ứng dụng CNTT trong quản lý LHS

Theo thông tin từ Cục Hợp tác Quốc tế (Bộ GD&ĐT): Công dân Việt Nam đi học nước ngoài bằng các nguồn kinh phí ngoài ngân sách nhà nước được Chính phủ tạo điều kiện. Tỷ lệ học sinh Việt Nam đi du học tăng khoảng 10% mỗi năm. Nếu năm 2012 có khoảng 100.000 người thì năm 2019 có trên 190.000 lưu học sinh (LHS) Việt Nam học tập tại nước ngoài, trong đó có trên 6.000 LHS đi học theo diện học bổng có sử dụng ngân sách nhà nước (chiếm khoảng 4% tổng số LHS đang học tập ở nước ngoài).

“Công tác quản lý LHS Việt Nam đang học tập tại nước ngoài đã được Bộ GD&ĐT ứng dụng công nghệ thông tin một cách triệt. Công tác bồi dưỡng, giáo dục chính trị, trước khi đi học; theo dõi, quản lý trong thời gian học tập, nghiên cứu của LHS ở nước ngoài có sự phối hợp rất chặt chẽ giữa Bộ GD&ĐT với Đảng ủy ngoài nước, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao và các Cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại nước ngoài. Thực tế cho thấy, các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài đóng vai trò quyết định trong việc việc quản lý LHS, đặc biệt là LHS diện tự túc kinh phí”- Cục Hợp tác Quốc tế khẳng định.

Năm 2020 do ảnh hưởng dịch Covid-19, đã có nhiều LHS về nước phòng tránh dịch bệnh, trong đó đã có hàng chục LHS bị nhiễm Covid-19. Hầu hết các cơ sở đào tạo nước ngoài cho nghỉ học và dạy học online. Bộ GD&ĐT đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài, các đối tác nước ngoài để hỗ trợ LHS trong giai đoạn này.

Nhiều văn bản được ban hành tạo hành lang pháp lý cho hoạt động kinh doanh dịch vụ tư vấn du học và đảm bảo quyền lợi người học khi sử dụng các dịch vụ này như Nghị định 46/2017/NĐ-CP ngày 21/4/2017, Quyết định số 05/2013/QĐ-TTg ngày 15/01/2013, Thông tư số 10/2014/TT-BGDĐT ngày 11/4/2014, Thông tư số 34/2017/TT-BGDĐT ngày 25/12/2017. Đây cũng là các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng nhằm quản lý công dân Việt Nam khi đi du học tại nước ngoài.

Cảnh báo về lừa đảo “dịch vụ” xét duyệt chỗ trên chuyến bay hồi hương

Căng thẳng dịch bệnh trên thế giới khiến nhiều du học sinh Việt Nam muốn về nước. Tuy nhiên, do số lượng chuyến bay giải cứu công dân còn căn cứ vào tình hình dịch bệnh trong nước và khả năng cách ly tập trung… nên thời điểm hiện tại chưa đáp ứng được hết ngay các nhu cầu đăng ký về nước của LHS nói riêng và công dân Việt Nam mắc kẹt ở nước ngoài nói chung. Trong tình huống căng thẳng của LHS ở khắp nơi trên thế giới, trên mạng xã hội thời gian qua liên tục xuất hiện hiện tượng dụ dỗ LHS mua vé máy bay, mua “suất” về nước. Nhiều cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài đã phải ra thông báo cảnh báo về những chiêu lừa này.

Trước tình hình trên các trang mạng xã hội yêu cầu công dân cung cấp thông tin cá nhân liên quan đến các chuyến bay hồi hương về Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Úc đã khuyến cáo: “Các Cơ quan đại diện rất thông hiểu những khó khăn và nguyện vọng về nước khẩn thiết của công dân trong thời điểm dịch bệnh. Các Cơ quan đại diện đang tích cực kiến nghị, thu xếp thêm chuyến bay nhằm đáp ứng nguyện vọng của công dân. Tuy nhiên, để tránh những tổn thất không đáng có, chúng tôi mong công dân hết sức tỉnh táo trước các nguồn thông tin và hợp tác chặt chẽ với các Cơ quan đại diện”.

Trước đó, các cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự của Việt Nam tại Úc nhận được một số thông tin của công dân về việc có một số cá nhân, tổ chức (công ty du lịch, đại lý bán vé máy bay…) có thể làm “dịch vụ” xét duyệt nhanh cho những ai có nhu cầu về nước trên các chuyến bay cứu trợ do Chính phủ Việt Nam thu xếp và những ai có nhu cầu có thể trả tiền để làm “dịch vụ” này. 

Về những thông tin này, các Cơ quan đại diện ngoại giao và lãnh sự của Việt Nam tại Úc khẳng định: Hoàn toàn không cho phép hay uỷ quyền hay giao cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào được thực hiện bất kỳ “dịch vụ” nào cũng như bất kỳ công việc nào liên quan việc đăng ký nguyện vọng về nước hay xét duyệt hồ sơ đăng ký nguyện vọng về nước trên các chuyến bay do Chính phủ Việt Nam thu xếp.

Mọi công dân Việt Nam thuộc các diện được ưu tiên xem xét theo quy định của Chính phủ và Bộ Ngoại giao Việt Nam về nguyên tắc phải trực tiếp liên hệ, đăng ký nguyện vọng về nước với Cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự Việt Nam phụ trách địa bàn nơi công dân đó đang tạm trú. Trong một số trường hợp cá biệt, công dân có thể uỷ quyền cho người thân trong gia đình giúp đăng ký online nếu có khó khăn và phải tự chịu trách nhiệm về việc uỷ quyền này. Những ai được xét duyệt bay sẽ được Cơ quan đại diện trực tiếp thông báo bằng thư điện tử và qua điện thoại.

“Công dân cần hết sức cảnh giác đối với các thông tin trên các mạng xã hội hoặc lan truyền trong cộng đồng liên quan đến việc có thể trả tiền để làm “dịch vụ” xin xét duyệt nhanh, vì đây là những thông tin hoàn toàn không chính xác, có mục đích sai trái, vi phạm pháp luật và chính sách bảo hộ công dân của Chính phủ Việt Nam. Ngoài chi phí mua vé máy bay của Vietnam Airlines (chi phí này đều được thông báo trực tiếp đến công dân), công dân được xét duyệt bay không phải trả thêm bất kỳ khoản phí nào khác”- Đại sứ quán Việt Nam tại Úc nhấn mạnh.

Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Úc, trong bối cảnh nhu cầu đăng ký nguyện vọng về Việt Nam rất lớn như hiện nay, trong khi mỗi chuyến bay chỉ có hơn 300 chỗ  và phải phân bổ cho cả Úc (bao gồm 5 bang và 2 vùng lãnh thổ) và New Zealand, công dân có nguyện vọng về nước cần phải bình tĩnh, kiên trì làm theo đúng hướng dẫn nêu trong thông báo của các cơ quan Đại diện ngoại giao và lãnh sự, tuyệt đối tránh không để kẻ xấu lợi dụng thu lợi bất chính.

Cũng theo Đại sứ quán Việt Nam tại Úc, đến thời điểm tháng 8/2020 số lượng công dân đăng ký về nước là 3.700, gấp nhiều lần khả năng chuyên chở của mỗi chuyến bay (khoảng 300 người/chuyến). Các cơ quan đại diện đã lựa chọn công dân về nước dựa theo tiêu chí cũng như từng hoàn cảnh khó khăn đặc biệt của công dân. Trên cơ sở danh sách đã được trong nước phê duyệt, 3 cơ quan đại diện tại Úc đã gửi thư điện tử thông báo và hướng dẫn cụ thể đến từng công dân sẽ về nước trên từng chuyến bay giải cứu công dân.

Được biết, diện ưu tiên được xem xét đưa về nước trên các chuyến bay giải cứu công dân bao gồm: Học sinh dưới 18 tuổi, sinh viên đã hoàn thành khóa học, sinh viên đã bảo lưu khóa học, khó khăn về chỗ ở và các hoàn cảnh khó khăn khác…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: INT.

Tản văn: Trâu và Tre

GD&TĐ - Đồng lúa tựa như một tấm thảm xanh, ngả dần về màu vàng xuộm, óng ánh dưới nắng mặt trời.