Mắc kẹt ở cửa ngõ

GD&TĐ - Hàng nghìn người di cư từ các nước Trung Đông đang mắc kẹt tại biên giới Ba Lan – Belarus trong suốt nhiều tháng khi đi tìm miền đất hứa, tạo ra một cuộc khủng hoảng nhập cư ngày càng căng thẳng ở châu Âu.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Khi mùa đông lạnh giá ập đến, thảm cảnh của người di cư đang sống tạm bợ tại cửa ngõ biên giới phía Tây Belarus giáp Ba Lan đã gây chú ý đặc biệt trên truyền thông. Chính nhờ đó hoàn cảnh của họ mới được công chúng châu Âu quan tâm nhiều hơn, trong bối cảnh khu vực này vẫn đang phải vật lộn với sự quay lại của dịch Covid-19.

Cuộc khủng hoảng bắt đầu từ vài tháng trước khi Belarus bí mật mở cửa một lối qua biên giới để hàng nghìn người di cư từ các quốc gia Trung Đông, Afghanistan và châu Phi nuôi hy vọng tìm được cuộc sống mới ở châu Âu. Tuy nhiên, hành trình của họ đã bị chặn đứng tại khu vực biên giới Grodno trên đất Belarus bởi hàng rào dây thép gai và hơn 15.000 binh sĩ và cảnh sát của Ba Lan.

Quyết định của Ba Lan khiến hàng nghìn người rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan và phải sống chen chúc nhờ hàng cứu trợ. Vài tháng trước, cuộc sống tạm bợ của họ còn dễ thở hơn, nhưng khi mùa đông đến và nhiệt độ xuống dưới 0 độ thì tính mạng của hàng nghìn người gồm nhiều phụ nữ và trẻ em bị đe dọa. Nhiều người đã kiệt sức vì đói, khát và lạnh khiến các tình nguyện viên Belarus phải đưa đi cấp cứu.

Cuộc khủng hoảng di cư này đang đẩy căng thẳng chính trị và quân sự leo thang giữa một bên là Belarus và Nga với một bên là Ba Lan và EU cùng các nước phương Tây khác. Trong khi Ba Lan tăng cường hàng chục nghìn binh sĩ tới biên giới Belarus để chặn dòng người di cư, thì Belarus và Nga cũng liên tục tập trận nhảy dù tại khu vực này từ hôm 12/11.

Do đó, từ sự mắc kẹt của dòng người di cư, khu vực biên giới Ba Lan và Belarus bỗng chốc trở thành khu vực có sự hiện diện dày đặc của quân đội. Hàng nghìn người di cư đang sống vạ vật trong các lán trại như trở thành “con tin” kẹt giữa hai làn đạn.

Từ đây, căng thẳng chính trị được đẩy cao khi EU và NATO cáo buộc Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cố tình dàn dựng ra cuộc khủng hoảng di cư này nhằm gây sức ép với phương Tây.

Quốc gia liên quan trực tiếp là Ba Lan cũng cáo buộc giới lãnh đạo Belarus tạo điều kiện cho người di cư tập trung ở biên giới và kích động họ tràn sang Ba Lan để gây ra một cuộc khủng hoảng mới nhằm trả đũa các lệnh trừng phạt mà Belarus phải hứng chịu vì đàn áp người biểu tình.

Tất nhiên, chính quyền Tổng thống Lukashenko phủ nhận những cáo buộc này và chỉ trích phương Tây, trong đó có Ba Lan, đối xử tồi tệ với người di cư.

Belarus đang nhận sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ Nga trong cuộc khủng hoảng di cư hiện nay và Moscow cùng chung quan điểm chỉ trích EU vì chính sách đóng cửa biên giới “phi nhân đạo”. Những lời lẽ qua lại giữa hai bên khiến cuộc khủng hoảng di cư ở biên giới Ba Lan và Belarus hiện nay mang màu sắc một cuộc khủng hoảng địa chính trị trên quy mô toàn cầu.

Căng thẳng giữa hai bên không phải mới xuất hiện mà đã âm ỉ từ lâu và có thể sẽ lại được tháo ngòi trong tương lai gần. Tuy nhiên, thực tế là hàng nghìn người di cư mới là đối tượng đang phải hứng chịu hậu quả trực tiếp khi bị kẹt giữa hai làn đạn trong một mùa đông khắc nghiệt.

Họ vừa không thể vượt biên giới sang Ba Lan nhưng cũng bị biên phòng Belarus chặn không cho quay lại thành phố Minsk có điều kiện tốt hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ