Má và chị trong “Những đứa con của gia đình”

GD&TĐ - Đọc “Những đứa con trong gia đình” của Nguyễn Thi, ta yêu mến, tự hào về người mẹ, người phụ nữ Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ non sông. Anh hùng, bất khuất, kiên cường, trung hậu.

Đọc “Những đứa con trong gia đình” của Nguyễn Thi, ta yêu mến, tự hào về người mẹ, người phụ nữ Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ non sông. Ảnh chỉ có tính minh họa: Nguồn IT
Đọc “Những đứa con trong gia đình” của Nguyễn Thi, ta yêu mến, tự hào về người mẹ, người phụ nữ Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ non sông. Ảnh chỉ có tính minh họa: Nguồn IT

Những phẩm chất ấy là sự kế thừa, tiếp nối vẻ đẹp ngàn đời của người phụ nữ Việt Nam.

1.

Trong sự phát triển của văn xuôi cách mạng thời chống Mĩ, Nguyễn Thi có một vị trí đặc biệt. Người con đất Bắc kết duyên cùng phương Nam để rồi trở thành nhà văn của người nông dân Nam Bộ trong cuộc kháng chiến chống Mĩ ác liệt. Với vị thế là một Nhà văn - chiến sĩ, tác phẩm của Nguyễn Thi mang hơi thở nóng hổi của chiến trường. Ẩn sau trang văn của ông là vẻ đẹp hồn nhiên, vui đời, bộc trực, căm thù ngùn ngụt với bè lũ cướp nước của người dân Nam Bộ gan góc, anh hùng.

Truyện ngắn “Những đứa con trong gia đình” được nhà văn viết năm 1966, giữa những tháng ngày ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mĩ. Câu chuyện kể về một gia đình nông dân Nam Bộ có truyền thống yêu nước và cách mạng, có mối thù sâu nặng với quân giặc. Thiên truyện được nhà văn sáng tạo trong một tình huống độc đáo: Việt một người lính trong trận chiến ác liệt tại một cánh rừng cao su, bị thương, lạc đồng đội, ngất đi tỉnh lại. Giữa những lần ngất đi tỉnh lại, dòng hồi ức đưa Việt trở về với những kỉ niệm gia đình. Qua tình huống ấy, bản thân nhân vật Việt cũng như các thành viên khác trong gia đình dần hiện lên sinh động và đậm nét. Ở đó, má của Việt, chị Chiến mang dáng dấp của người phụ nữ Việt Nam gan góc, kiên cường chẳng bao giờ run sợ trước kẻ thù.

2.

Dõi theo thiên truyện, tôi đặc biệt ấn tượng với mấy câu văn trong dòng hồi ức của Việt khi nhớ về mẹ: “Tao dạn là nhờ ba mày. Ba mày bị Tây nó chặt đầu, tao cứ đi theo cái thằng nó xách đầu mà đòi. Đi từ ấp trong tới ấp ngoài, nó qua sông tao cũng qua, nó về quận tao cũng tới. Một tay tao bồng em mày, một tay tao cắp rổ... Mỗi lần nó bắn đùng đùng trên đầu, chị em bay lại níu chân tao. Lòng dạ tao đâu còn rảnh để mà sợ, mà khóc...”.

Gan dạ, mạnh mẽ, vô cùng bản lĩnh. Một người phụ nữ không hề chùn bước, không hề biết sợ kiên trì bồng con, cắp rổ đi đòi đầu chồng. Dường như, tình thương, nỗi đau đã hóa thành căm thù. Căm thù tôi luyện thành sự cứng cỏi, dạn dày, kìm nén đau thương trước kẻ địch. “Chiều hôm đó, về tới nhà má mới khóc. Thím Năm vừa khóc vừa kể thôi là kể. Má chỉ khóc chứ không kể gì hết. Bao nhiêu năm sau đó cũng vậy, lúc nào nói lại chuyện trên má cũng không khóc. Mà lúc nào khóc thì má không nói gì hết”.

Không yếu đuối, chẳng bi lụy, ở người mẹ của Việt mang cốt cách con cháu Bà Trưng, Bà Triệu ngày nào. Yêu thương mà gan dạ, cứng cỏi vô cùng. Dường như, đó cũng chính là đức tính cao quý của người phụ nữ Việt Nam anh hùng, bất khuất. Má của Việt là hiện thân cho truyền thống gia đình, đồng thời cũng mang những dấu ấn riêng của phong cách Nguyễn Thi với những nhân vật khỏe khoắn, sinh ra là để chống chọi, đương đầu với nghịch cảnh.

3.

“Hổ mẫu sinh hổ tử” mẹ hiền sinh con thảo. Dòng sông truyền thống vẫn chảy mãi, má Việt mất đi, chị Chiến sẽ tiếp nối. Sau đêm tòng quân đi bộ đội, chính Việt cũng nhận ra chị “nói nghe in như má vậy”. Người con gái mười chín đôi mươi mang vóc dáng của mẹ mình: “Hai bắp tay tròn vo sạm đỏ màu cháy nắng, thân người to và chắc nịch”. Sau ngày má mất, chị Chiến gánh vác công chuyện gia đình, đảm đang, tháo vát, rất mực thương em.

Phẩm chất ấy của Chiến được tô đậm trong cái đêm trước ngày lên đường đánh giặc. Khác với cậu em vô tư, hồn nhiên, Chiến đã cắt đặt, thu xếp đâu vào đấy công việc gia đình. Em út gửi chú Năm, bàn thờ ba má gửi chú, nhà cửa giao cho cách mạng, ruộng vườn cho cô bác làm. Khôn ngoan, tháo vát chú Năm đã nói “việc nhà nó thu gom được thì việc nước nó mở được rộng”. Có thể nói, so với Việt, chị Chiến chín chắn, trưởng thành hơn. Ngay cả chuyện muốn giành em đi đánh giặc trả thù cho cha mẹ cũng khẳng định thêm ý thức tránh nhiệm của người chị, sẵn sàng vào sinh ra tử thay em.

Chắc hẳn, đọc câu chuyện, người ta sẽ mãi tâm đắc với lời thề trước ngày lên đường nhập ngũ của Chiến: “Tao đã thưa với chú Năm rồi. Đã làm thân con gái ra đi thì tao chỉ có một câu: Nếu giặc còn thì tao mất, vậy à!”. Câu nói chắc như đinh đóng cột, chân thực và nhắn nhủ bao điều. Sự ý thức trách nhiệm tiếp nối dòng sông truyền thống gia đình; khát khao, quyết tâm chiến đấu trả thù nhà, nợ nước; sự chọn lựa một lẽ sống đẹp, sẵn sàng hi sinh để tiêu diệt kẻ thù.

Hai chữ “giặc còn, tao mất” nghe thật nhẹ lòng, tự nguyện hi sinh, tự nguyện đương đầu với hiểm nguy. Lời thề sắc son ấy của Chiến gợi nhắc lí tưởng của chiến binh trong đoàn quân Tây Tiến thời đánh Pháp: “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh” trong thơ Quang Dũng và cũng giúp ta liên tưởng đến chân lí sống cao đẹp của anh hùng Lê Mã Lương thời chống Mĩ: “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù”. Có điều, không phải ước nguyện của đấng nam nhi với chí khí làm trai, lời thề của Chiến cô gái đôi mươi mới thật đáng quý.

Ở nhân vật Chiến, ta cảm nhận được bóng dáng của người con gái Việt Nam kiên trung, bất khuất, không bao giờ lùi bước trước họng súng kẻ thù. Lời thề sắc son, chí nguyện cao cả của người con giá Nam Bộ ấy sẽ soi bóng thời gian, chảy mãi trong huyết quản người dân yêu nước thương nhà.

Đọc “Những đứa con trong gia đình” của Nguyễn Thi, ta yêu mến, tự hào về người mẹ, người phụ nữ Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ non sông. Anh hùng, bất khuất, kiên cường, trung hậu. Những phẩm chất ấy là sự kế thừa, tiếp nối vẻ đẹp ngàn đời của người phụ nữ Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ