Ma túy 'núp bóng' thực phẩm và nước giải khát

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Trẻ nhỏ ngộ độc ma túy do ăn phải bánh kẹo chứa chất ma túy thường nghiêm trọng hơn nhóm trẻ lớn.

Nhiều trẻ từng bị ngộ độc sau khi ăn kẹo lạ mua trước cổng trường. Ảnh minh họa: ITN
Nhiều trẻ từng bị ngộ độc sau khi ăn kẹo lạ mua trước cổng trường. Ảnh minh họa: ITN

Triệu chứng đột ngột, có rối loạn ý thức như lơ mơ, hôn mê.

Nhiều trẻ phải nhập viện

Sau vụ việc tại Trường THCS Nguyễn Quý Đức (Nam Từ Liêm, Hà Nội), một trường học ở thị xã Sơn Tây cũng ghi nhận một số học sinh bị đau bụng sau khi sử dụng loại kẹo có vị hoa quả mua trên mạng xã hội; chưa phát hiện việc phát kẹo cho học sinh tại cổng trường.

Tiếp theo đó, mạng xã hội lan truyền hình ảnh, clip về các gói kẹo được bày bán trước cổng trường học trên địa bàn TP Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn) nghi chứa ma túy.

Tuy nhiên, Công an tỉnh Lạng Sơn cho biết, qua giám định, các mẫu kẹo không chứa chất ma túy. Đây là các sản phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ, có nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Cuối năm 2022, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đã cứu sống một học sinh 14 tuổi (Đồng Nai) sau khi ăn bánh kẹo, nước xoài... đặt mua trên mạng.

Qua những triệu chứng co giật, tím tái, mất tri giác, khó thở và có biểu hiện ngưng tim, các bác sĩ nghi ngờ em đã bị ngộ độc ma tuý nên vừa hồi sức tích cực, vừa điều trị nên đã giúp trẻ qua nguy kịch.

Trước đó, vào ngày 25/10/2021, 13 học sinh của Trường THPT Hoành Bồ (Quảng Ninh) đã bị ngộ độc sau khi ăn kẹo được mua từ một quán ở gần trường. Các bác sĩ đã rất bất ngờ khi kết quả xét nghiệm máu cho thấy, 13 học sinh đều dương tính với ma tuý.

Cuối năm 2022, Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai cho biết lần đầu tiếp nhận bệnh nhân ngộ độc cần sa sau khi ăn bỏng ngô. Trước đó, trung tâm đã tiếp nhận nhiều ca ngộ độc cần sa trong bánh ngọt, bánh quy, kẹo, thuốc lá điện tử, thuốc lào...

Hoặc trong năm nay, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận bé trai 5 tuổi vào viện vì ngộ độc ma túy thế hệ mới sau khi ăn loại bánh được hàng xóm cho. Thời điểm nhập viện, bé bị suy hô hấp, phụ thuộc máy thở, bóp bóng, hôn mê sâu, đồng tử giãn.

Ghi nhận một trẻ khỏe mạnh nhưng đột ngột có các triệu chứng về rối loạn tri giác, co giật, nôn, kèm theo 2 trường hợp khác cùng nhà có triệu chứng tương tự nhưng mức độ nhẹ hơn (chỉ có biểu hiện nôn) sau khi ăn cùng một loại bánh, các bác sĩ nghĩ tới khả năng ngộ độc thực phẩm có chứa chất gây nghiện.

Gia đình cho biết bánh của người đàn ông cùng xóm trọ mang về sau bữa liên hoan công ty. Trong quá trình điều trị và hồi sức cấp cứu cho bệnh nhân, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương đã gửi mẫu bánh đi xét nghiệm tìm độc chất. Kết quả cho thấy mẫu bánh chứa loại ma túy mới, còn được gọi là “sô-cô-la bay”.

Việc sử dụng thực phẩm chứa ma túy có thể dẫn tới tình trạng ngộ độc tức thời. Ảnh minh họa: INT

Việc sử dụng thực phẩm chứa ma túy có thể dẫn tới tình trạng ngộ độc tức thời. Ảnh minh họa: INT

Nguy cơ cao từ sản phẩm có ma túy

Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Tân Hùng - Phó Trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương, chất gây nghiện “núp bóng” thực phẩm như kẹo viên, kẹo sô-cô-la, kẹo xoài, kẹo mút tẩm cần sa, bánh quy... làm gia tăng nguy cơ trẻ tiếp xúc và ngộ độc với các loại ma túy.

Rình rập học sinh ngoài cổng trường không chỉ có hiểm họa đồ ăn vặt độc hại, mà còn có thuốc lá điện tử. Nguy hiểm hơn, đã xuất hiện trường hợp đối tượng xấu dụ dỗ học sinh hút thuốc lá hay cho tiền rủ các em “đi chơi”.

Thuốc lá điện tử hiện nay xuất hiện nhiều mẫu mã mới, ẩn danh sau những thứ đồ chơi ngộ nghĩnh. Một số phụ huynh cũng rất hoảng sợ khi phát hiện con mình có các món đồ trông giống hộp sữa, lego, thỏi son, nhưng thực chất là thuốc lá điện tử trá hình.

Tháng 3 vừa qua, UBND quận Ba Đình (Hà Nội) từng phát cảnh báo có nội dung: “Kẻ xấu tại Hà Nội dụ học sinh hút thuốc lá điện tử, rủ thêm người hút sẽ được tặng tiền”. Cảnh báo được đưa ra sau khi có 5 đối tượng nữ mang thuốc lá điện tử dụ học sinh tiểu học sử dụng ở công viên.

Nguy hiểm có lẽ vẫn luôn cận kề bên học sinh khi ngày 21 và 22/11, tại cổng Trường Tiểu học Kim Đồng (Lâm Đồng) xuất hiện một nhóm thiếu niên lạ mặt khoảng 13 - 14 cho tiền học sinh và dụ dỗ “đi chơi” cùng.

Có ít nhất 21 học sinh lớp 4 và lớp 5 được cho tổng số tiền gần 800 nghìn đồng. Ngay sau đó nhà trường và công an khu vực đã cảnh báo học sinh và phụ huynh về nguy cơ học sinh bị lừa đảo, bắt cóc, mua bán người, hiếp dâm…

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên – Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trước đây, đơn vị này từng tiếp nhận nhiều bệnh nhân ngộ độc do sử dụng ma túy dưới dạng thực phẩm như bánh, kẹo, nước giải khát. Việc sử dụng thực phẩm chứa ma túy có thể dẫn tới tình trạng ngộ độc tức thời như thần kinh bị lẫn lộn, hôn mê, co giật, rối loạn tâm thần; loạn nhịp tim, tăng huyết áp, tụt huyết áp, suy hô hấp...thậm chí dẫn đến tử vong.

Không những thế, ngộ độc cần sa qua đường hít hay ăn uống có thể dẫn tới tình trạng giảm khả năng phối hợp động tác, giảm khả năng phán xét, gây ức chế thần kinh trung ương, rối loạn ý thức. Đặc biệt, trẻ em có thể bị hôn mê tới 36 giờ nếu sử dụng các loại bánh, kẹo, nước ngọt có chứa chất này. Ma túy tổng hợp tinh chất có giá thành cao. Tuy nhiên, loại kẹo chứa ma túy thường được làm từ loại không tinh chất, giá thành rẻ.

“Mục đích của đối tượng xấu là lôi kéo học sinh sử dụng các loại bánh, kẹo, nước ngọt giá rẻ, sau đó dùng đến các sản phẩm đắt tiền hơn”, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên cho biết.

Theo thông tin từ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, thời gian qua, thú chơi những loại ma túy như: “Nước vui”, đông trùng, nước xoài, kẹo… đã rộ lên tại một số thành phố lớn. Bản chất của những sản phẩm mang tên gọi như một loại thực phẩm nói trên là ma túy tổng hợp. Các loại ma túy này được ngụy trang dưới những tên gọi khác nhau để tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng.

Ma túy “núp bóng” thường được đựng trong các gói trà, bột nước trái cây có in các dòng chữ dễ nhầm lẫn như: Crispy fruit, Crispy fruit grape, Mango hoặc “nước dâu”, “nước vui”, cà phê “White Coffe”, “Chali”...; được rao bán tại các shop online, các tụ điểm vui chơi giải trí, quán bar,… Các đối tượng cũng bán tại các cơ sở giáo dục, các trường học nhằm lôi kéo, dụ dỗ học sinh, sinh viên sử dụng chất ma túy.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ hội Sen Đồng Tháp với chủ đề “Rạng ngời sắc Sen” diễn ra từ nay đến hết ngày 19/5.

Đồng Tháp " Rạng ngời sắc Sen"

GD&TĐ - Lễ hội Sen Đồng Tháp với chủ đề “Rạng ngời sắc Sen” diễn ra từ ngày 16/5 đến ngày 19/5 với nhiều hoạt động sự kiện văn hóa, văn nghệ đặc sắc.