Ma túy 'thế hệ mới' tấn công học đường TPHCM, cách nào bảo vệ học sinh?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Thời gian qua ngành Giáo dục TPHCM đã triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa, đấu tranh nhằm ngăn chặn loại tệ nạn này xâm nhập học đường.

Ma túy “thế hệ mới” với hình thức bắt mắt. (Ảnh: Công an cung cấp)
Ma túy “thế hệ mới” với hình thức bắt mắt. (Ảnh: Công an cung cấp)

Bánh kẹo, nước trái cây... “trộn” ma túy

Thượng úy Nguyễn Khắc Anh, thuộc Đội PC04, Công an TPHCM cho biết, trên địa bàn TPHCM đã xuất hiện một số dạng ma túy mới, nhắm vào sinh viên, học sinh, gây chóng mặt, buồn nôn, ngất xỉu…

Ma túy “núp bóng” dưới hai dạng: Trộn trong bánh, kẹo, thực phẩm chức năng, dược phẩm... được sản xuất, đóng gói có phép của cơ quan chức năng và ma túy được pha trộn, tẩm ướp, đóng gói dưới dạng thực phẩm, đồ uống, thảo mộc, thuốc lá điện tử...

Một số trường hợp trẻ em bị dụ dỗ sử dụng đã dẫn đến rối loạn tâm thần, hoang tưởng, rối loạn nhịp tim, thậm chí tử vong.

Tội phạm ma túy thường sử dụng mạng Internet để trao đổi, mua bán và rút ngắn thời gian giao dịch, lập các nhóm kín trên telegram, viber…; giao dịch, vận chuyển bằng cách sử dụng các đơn vị vận chuyển trung gian như Brab, Bee, Gojek… gây rất nhiều khó khăn cho công tác phát hiện, điều tra.

Ma túy “núp bóng” thường được đựng trong các gói trà giảm cân, đông trùng hạ thảo, gói bột nước trái cây như: Crispy fruit, Crispy fruit grape, Mango, Yaoyao hoặc “nước dâu”, “nước vui”, cà phê “White Coffee”, “CHALI”... được vận chuyển lậu về Việt Nam.

Ma túy “ngụy trang” được rao bán tại các shop online, các tụ điểm vui chơi giải trí, quán bar, vũ trường, thậm chí trường học, để lôi kéo, dụ dỗ học sinh, sinh viên sử dụng.

“Với quy mô dân số đông hơn 10 triệu người, TPHCM trở thành thị trường “béo bở” cho việc mua bán và vận chuyển các chất gây nghiện, trong đó có ma túy. Qua ghi nhận thực tế, năm học 2023 - 2024, các trường phổ thông có nhu cầu phối hợp với Công an TPHCM tuyên truyền về phòng, chống ma tuý và thuốc lá điện tử tăng gấp 2 lần các năm trước.

Nguyên nhân là tội phạm ma túy ngày càng phức tạp, nhiều sản phẩm có tẩm ướp các chất gây nghiện như thuốc lá điện tử, shisa, bóng cười đang xâm nhập mạnh mẽ vào trường học”, Thượng úy Nguyễn Khắc Anh cho biết.

Thượng úy Nguyễn Khắc Anh tuyên truyền cho học sinh trên địa bàn Quận 1, Quận 3 về tác hại của ma túy cũng như các chất gây nghiện mới. (Ảnh: Hồ Phúc)

Thượng úy Nguyễn Khắc Anh tuyên truyền cho học sinh trên địa bàn Quận 1, Quận 3 về tác hại của ma túy cũng như các chất gây nghiện mới. (Ảnh: Hồ Phúc)

Đồng bộ các giải pháp

Ở góc độ quản lý, ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM nhận định, học sinh, sinh viên đang trở thành đối tượng bị các phần tử xấu dụ dỗ, lôi kéo sử dụng ma túy và các chất gây nghiện.

Do đó công tác bảo vệ các em trước sự tấn công của ma túy và các chất gây nghiện là nhiệm vụ rất quan trọng.

Thời gian qua, các trường học đã làm rất mạnh công tác phòng, chống ma tuý trong trường học, giúp người dạy và người học nhận thấy được những hệ lụy khôn lường khi người trẻ sử dụng ma túy, thuốc lá.

Để nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tệ nạn ma túy, hiện các nhà trường thường xuyên truyền thông giáo dục phòng, chống ma túy trong trường học với nhiều nội dung và hình thức phong phú.

Ông Nguyễn Tấn Tài, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Quang Khải (Quận 11) cho biết, nhà trường tuyên truyền giáo dục phòng chống ma túy trong các cuộc họp hội đồng giáo viên, sinh hoạt công đoàn, sinh hoạt Đoàn Thanh niên.

Cùng với việc treo băng rôn khẩu hiệu tuyên truyền, tranh, ảnh về phòng, chống ma túy học đường trong trường học, Ban Giám hiệu còn hướng dẫn giáo viên tổ chức các hoạt động lồng ghép với các tiết học để học sinh hiểu được tác hại của ma túy đối với con người.

Nhà trường vận động cán bộ, giáo viên, nhân viên thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của các cấp về phòng chống ma túy.

“Nhà trường luôn phối hợp với cơ quan chức năng liên quan trang bị kiến thức cho các thầy cô giáo về việc nhận diện sự thay đổi liên tục những hình thức ma túy trá hình, dấu hiệu nhận biết, cách xử lý khi nghi ngờ học sinh sử dụng ma túy.

Nhà trường cũng phối hợp, liên hệ chặt chẽ với phụ huynh để giám sát học sinh, vì thời gian ngoài phạm vi quản lý của nhà trường, các em rất dễ bị dụ dỗ, lôi kéo tiếp cận với những loại ma túy “trá hình”.

Trong công tác phòng, chống ma túy xâm nhập học đường, chúng tôi luôn chú trọng đến việc hướng dẫn chính học sinh là nhân tố nòng cốt trong việc tuyên truyền đối với bạn bè về việc phòng chống tác hại của ma túy, các chất gây nghiện…”, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Quang Khải (Quận 11) cho biết nói.

Tương tự, Trường THCS Lương Định Của (TP Thủ Đức) luôn dành sự quan tâm đặc biệt thông qua các hoạt động rèn kỹ năng sống, phổ biến cho học sinh, sinh viên về tác hại và biện pháp phòng ngừa thuốc lá điện tử, tệ nạn ma túy xâm nhập học đường.

Chia sẻ với phóng viên kinh nghiệm từ thực tiễn ngăn chặn chất gây nghiện tấn công học sinh, bà Vũ Thị Minh Hiếu, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho hay: “Bên cạnh giáo dục cho học sinh tập trung tại sân trường về cách nhận biết và phòng tránh tác hại của ma túy, giáo viên chủ nhiệm cũng thường xuyên tuyên truyền phòng chống ma túy trong các buổi sinh hoạt lớp. Xây dựng góc truyền thông, tăng cường đăng tải thông tin, cảnh báo thủ đoạn của tội phạm ma túy trên website, trang Facebook, Zalo của trường để học sinh, giáo viên biết, cảnh giác”.

Theo Thượng úy Nguyễn Khắc Anh, cơ sở giáo dục, cũng như các phụ huynh phải thường xuyên cập nhật, theo dõi các thông tin tuyên truyền về tác hại của ma túy (đặc biệt là các loại ma túy mới); phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm về ma túy để nhận biết, phòng ngừa.

Phụ huynh cần chú ý giáo dục, khuyến cáo con em mình không tham gia tàng trữ, sử dụng thuốc lá điện tử, các dạng thực phẩm chức năng, thuốc kích thích tinh thần không rõ nguồn gốc... cũng như quan tâm, sớm phát hiện những biểu hiện bất thường để kịp thời có biện pháp động viên, ngăn chặn.

Khi phát hiện dấu hiệu bất thường, báo ngay cho chính quyền, công an nơi gần nhất...

“Nhà trường, các thầy cô thường xuyên tuyên truyền về tác hại của ma túy, các dạng ma túy ẩn nấp dưới nhiều hình thức như: Kẹo, thuốc lá điện tử, bóng cười... mà bình thường sẽ rất khó nhận ra. Do đó, bản thân em sẽ tuyệt đối không tò mò, không thử ma túy dù chỉ một lần, luôn nâng cao cảnh giác để không bị rủ rê, lôi kéo vào con đường tàng trữ, vận chuyển, mua bán và sử dụng ma túy, chất kích thích. Em sẽ tuyên truyền cho bạn bè, các thành viên trong gia đình, người thân về tác hại của ma túy và thực hiện quy định của pháp luật về phòng, chống ma túy, xây dựng môi trường sống lành mạnh”, Nguyễn Minh Khải, học sinh Trường THPT Mariecure (Quận 3) cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Thế Lượng)

Hai 'bông hoa' ở trường vùng biên xứ Thanh

GD&TĐ - Hai nữ sinh Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) đã vượt khó, nỗ lực phấn đấu khi đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và Ngữ văn.