(GD&TĐ) - “Đây là việc rất khó khăn, không đơn thuần là đưa ra một hệ thống đánh số bình thường. Nếu chúng ta tiến hành đồng bộ và dùng chung cho tất cả các cơ quan quản lý Nhà nước, và cũng không chỉ riêng cơ quan Nhà nước mà cả các doanh nghiệp nữa, tiến tới khi bạn thanh toán hóa đơn tiền điện, tiền nước, ký các hợp đồng với các công ty... cũng dựa trên hệ thống này thì bạn sẽ thấy đây là việc rất lớn, và chúng ta phải rất kiên trì, tiến hành một cách khoa học” - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam.
Không có chồng chéo giữa Công an và Tư pháp
Theo Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu quốc gia liên quan đến quản lý dân cư (sẽ gọi là Đề án), đang được Bộ Tư pháp đưa ra lấy ý kiến rộng rãi, đến năm 2020 sẽ đảm bảo mọi công dân đều có mã số định danh cá nhân. Ghi nhận cho thấy đã có rất nhiều ý kiến ủng hộ đề xuất này bởi tiện ích to lớn sẽ mang lại trong đời sống xã hội của người dân cũng như trong công tác quản lý. Ở chiều hướng ngược lại, ý kiến hoài nghi cũng không phải ít, khi dấu hỏi về sự chồng chéo chức năng giữa Bộ Tư pháp và Bộ Công an, về năng lực quản lý điện tử của hệ thống hành chính nước nhà và nhất là về sự bất cập, lãng phí có thể xảy ra trong quá trình xây dựng Đề án này nếu thiếu tính khoa học…
Nếu xây dựng thành công mã số định danh, mỗi người sẽ gắn với một mã số duy nhất trong suốt đời mình. Ảnh: Như Nguyễn |
Tại hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Đề án do Bộ Tư pháp tổ chức vào cuối tháng 3 vừa qua, đại diện lãnh đạo Bộ này đã khẳng định rõ Đề án được thiết kế theo hướng tập trung ưu tiên cho số hóa, điện tử hóa thông tin, làm nền tảng cho việc thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu quốc gia liên quan đến quản lý dân cư; nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý và triển khai cấp số định danh cá nhân.
Bộ Tư pháp cũng nhấn mạnh sẽ không xây dựng mới bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về cư dân mà sẽ sử dụng dữ liệu từ kho của Bộ Công an, cụ thể là sẽ dùng chung số ID. Số chứng minh thư nhân dân mới gồm 12 chữ số mà Bộ Công an đang thí điểm cấp sẽ là số định danh cá nhân. Mã số này, theo Bộ Tư pháp, cần được cấp cho công dân từ khi sinh ra (đăng ký khai sinh) và theo công dân đến khi chết (đăng ký khai tử).
Trong trao đổi với báo chí vừa qua, đề cập tới vấn đề này Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng khẳng định: “Có thể có một số việc cụ thể hay do một số phát ngôn cụ thể đã dẫn tới sự hiểu nhầm là Bộ Công an làm một hệ thống riêng, Bộ Tư pháp làm một hệ thống riêng. Tôi khẳng định là Chính phủ không chỉ đạo như vậy, và hiện nay các Bộ cũng không làm như vậy”.
Cần thiết một mã số cho cả đời người
“Đây là số duy nhất để truy nguyên công dân trong tất cả các ngành, lĩnh vực. Công dân chỉ cần biết duy nhất mã này và đây là cơ sở để các ngành kết nối, khai thác, sử dụng thông tin về công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư”, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Hồng Sơn đã lý giải như vậy khi nói về mã số định danh mà Bộ này đang xây dựng.
Còn theo ông Vũ Đức Đam, quan điểm của Chính phủ là hướng tới xây dựng một hệ thống mã số định danh, không chỉ đơn thuần liên quan đến dân cư. Mã số này đúng ra không chỉ liên quan đến công dân, mà còn liên quan đến cả mã số điện thoại, mã biển số xe, chứng minh thư nhân dân, sau này có thẻ tín dụng, mỗi một cái là một mã số, mỗi ngành một mã số. “Một điều quan trọng là tiến tới chúng ta phải xây dựng được một hệ thống mã chung, để mỗi người sinh ra có một mã số của mình”, ông Đam nhấn mạnh.
Nhắc lại việc mã số định danh không chỉ liên quan đến người dân, ông Đam cho rằng nếu xử lý tốt cả hệ thống thì sẽ còn liên quan đến một loạt các hệ thống mã số khác tầm quốc gia, phục vụ tốt cho việc quản lý bằng điện tử. Riêng đối với hệ thống số liên quan đến công dân, cũng không đơn thuần chỉ là liên quan đến Bộ Công an và Bộ Tư pháp.
Khánh Sơn