Lý thuyết nuôi dạy trẻ: Sểnh một li đi một dặm

GD&TĐ - Chuyên gia đánh giá, cha mẹ áp dụng những lý thuyết chưa phù hợp vào nuôi dạy con có thể dẫn đến nhiều hệ lụy với trẻ. Đặc biệt, nhiều người đang nhầm lẫn giữa “nuôi thả” với tôn trọng.

Bạo lực với trẻ cần phải lên án nhưng không đánh đồng “nuôi thả” với tôn trọng. Ảnh: UNICEF Việt Nam.
Bạo lực với trẻ cần phải lên án nhưng không đánh đồng “nuôi thả” với tôn trọng. Ảnh: UNICEF Việt Nam.

Hạnh phúc không phải là muốn làm gì thì làm

Trong cuộc sống, có những lý thuyết nuôi dạy con cái chưa đúng đắn nhưng đôi khi lại được coi là chân lý. Nếu chúng được áp dụng vào giáo dục gia đình một cách mù quáng có thể hủy hoại cuộc đời của trẻ.

Nhiều năm gần đây, cha mẹ có xu hướng tích cực trong việc dạy con bằng yêu thương. Phụ huynh cho rằng, dạy con bằng đòn roi không giải quyết được vấn đề mà chỉ khiến con tổn thương. Dù không đánh, thì việc mắng chửi cũng là một dạng bạo hành cần chấm dứt. Theo đó, cha mẹ thường để con phát triển theo “cách mà con muốn”.

Họ cho rằng, giống như người lớn, nếu cứ phải làm những việc mà mình không thích thì sẽ chẳng đem lại lợi ích gì. Ngay cả việc học, nếu cứ kèm cặp, thúc ép thì không thể hiệu quả.

Có phụ huynh còn cho rằng nên hỏi ý kiến con về việc học thêm hay các lớp năng khiếu. Khi trẻ trả lời “không thích”, cha mẹ ngay lập tức đồng ý dù họ hiểu con mình đang rất thiếu và yếu.

Cha mẹ cho rằng, trẻ được làm theo ý mình là bản chất của hạnh phúc. Bản chất của trẻ cần được giải tỏa. Đừng tạo áp lực quá lớn cho trẻ. Trẻ phải có một tuổi thơ không căng thẳng. Chỉ cần trẻ không thích và không vui, chúng ta không thể ép trẻ được. Như vậy mới là tôn trọng và để con lớn lên trong một môi trường không bạo lực và thoải mái nhất. Và giả sử nếu có phạm sai lầm thì con phải có trách nhiệm gánh lấy hậu quả mà mình gây ra.

Theo chuyên gia, “hạnh phúc” trong “giáo dục hạnh phúc” không có nghĩa là để trẻ em chỉ vui chơi suốt ngày. Mà có nghĩa là để trẻ em cảm nhận được niềm vui học tập, niềm vui tiếp thu kiến thức và niềm vui của sự thành công.

Muốn vậy, người lớn cần hướng dẫn, chỉ bảo để trẻ hiểu và đi đúng đường. Có thể vì còn nhỏ nên con có những sở thích, mong muốn hoặc hành động không đúng đắn. Nếu cha mẹ cho rằng, tùy trẻ miễn là con cảm thấy vui thì thật nguy hiểm. Nhiều trẻ lớn lên nhìn lại tiếc nuối: “Giá như ngày đó có ai chỉ bảo, ngăn cản”.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Minh Hằng – Chủ nhiệm bộ môn tâm lý (Trung tâm Trí tuệ Việt) cho rằng, đừng nhầm lẫn giữa “nuôi thả” với tôn trọng. Người lớn hiểu rằng cần tôn trọng con, buông tay để con có thể tự lập, không trói buộc. Điều này theo nghĩa đúng là cha mẹ cho con được có quyền nói lên ý kiến, tôn trọng ước mơ và cho con phải tự đương đầu với những vấn đề của bản thân.

Nhưng đừng hiểu sai về cách giáo dục này để biến thành “nuôi thả” rồi hoàn toàn mặc con muốn làm gì thì làm. Thậm chí người lớn còn luôn bao biện cho hành động sai của trẻ, chiều chuộng mọi ý muốn của con. Từ đó, đứa trẻ lớn lên một cách tự do, tự tại mà không có sự răn đe khi cần thiết.

“Tôn trọng là không gò bó con, nhưng phải đặt ra những quy tắc cho trẻ, để trẻ biết sống có lễ phép. Điều đó để con hiểu rằng tự do của con cũng phải phù hợp theo đạo lý, phép tắc chung gia đình, xã hội, chứ không phải muốn làm gì thì làm. Cần cho con hiểu rằng tự do, dân chủ nhưng không quá trớn” - ThS Hằng nhấn mạnh.

Căn cốt của giáo dục để con hạnh phúc

Cô Nguyễn Thùy Dương – giáo viên Trường THPT Ứng Hòa (Hà Nội) chia sẻ: Trong việc học, cha mẹ không ép con học quá nhiều để con vui không có nghĩa là nên bớt quan tâm tới việc học tập của trẻ. Ép học đôi khi là cần thiết. Nhất là khi trẻ có dấu hiệu chểnh mảng nghiêm trọng hay khi đứng trước kì thi đặc biệt quan trọng.

Tuy nhiên, cần có phương pháp khoa học, đảm bảo độ hợp lý và phù hợp với từng trẻ. Căn cứ vào độ tuổi, tính cách, tâm lý của con, cha mẹ có thể khuyến khích trẻ học những môn thuộc thế mạnh của mình. Đồng thời tìm cách để phát triển lâu dài môn học năng khiếu đó.

Tuy nhiên, có cha mẹ vẫn băn khoăn: Nếu con làm sai, không đúng quy định thì cứ mặc kệ, không được trách phạt hay có thái độ tức giận hay sao?

Chuyên gia Nguyễn Thị Minh Hằng cho rằng, sự trừng phạt bằng vũ lực không những không mang lại được hiệu quả. Nó ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của trẻ. Nguy hiểm hơn trẻ sẽ bị ám ảnh tâm lý bởi những trận đòn đau, sự sợ hãi. Đánh đập không phải là dạy dỗ mà là sự bất lực của người lớn.

Cha mẹ cũng không nên phạt trẻ bằng hình thức giữ im lặng. Có rất nhiều cha mẹ áp dụng phương pháp tẩy chay khi trẻ mắc lỗi. Khi con vi phạm lỗi bố mẹ không quan tâm đến sự tồn tại của trẻ. Nếu như cha mẹ kéo dài phương pháp này rồi vô hình trung sẽ tạo cho trẻ những suy nghĩ tiêu cực. Trẻ sẽ cho rằng cha mẹ không quan tâm và yêu thương đến mình nữa. Cần thể hiện thái độ rõ ràng để con hiểu rằng con làm thế khiến người lớn buồn, thất vọng và không đồng tình.

Bà Hằng cũng cho rằng, người lớn đừng áp đặt suy nghĩ cứ nói đến hình phạt nghĩa là đánh mắng. Tùy từng độ tuổi mà có hình phạt nhất định. Có thể cho bé đứng góc nhà và suy nghĩ về lỗi sai của mình. Phương pháp này có thể áp dụng nhưng tối thiểu là 15 phút. Để cho bé nhận thấy đây là hình phạt dành cho bé khi bé mắc lỗi và không phải đứng đây để chơi. Khi phạt trẻ đứng góc bắt buộc cha mẹ phải đưa ra tuyên bố con sẽ phải đứng phạt. Cha mẹ cũng nên giao nhiệm vụ cho bé đứng suy nghĩ về hành vi của mình sau đó báo cáo. Khi con chưa nhận ra đúng lỗi lầm, người lớn hãy bình tĩnh giảng giải và khuyên nhủ.

Ngoài ra, cha mẹ cũng có thể áp dụng cách tước đi một vài quyền lợi khi con lệch chuẩn với quy tắc, không hoàn thành đúng giao hẹn.

“Bố mẹ sẽ có sự chọn lọc và kết hợp nhiều phong cách nuôi dạy con khác nhau dựa trên các tình huống, hoàn cảnh gia đình và nhiều yếu tố khác. Cho nên, đừng bối rối nếu đôi lúc cha mẹ trông có vẻ quyền lực, nhưng đôi khi lại dễ dãi với con cái. Tất cả đều mang tính tương đối. Trong mỗi gia đình, nếu trẻ được chỉ bảo đúng mực sẽ giảm hành vi xấu, phạm pháp ngoài xã hội. Đó mới là căn cốt của giáo dục để con hạnh phúc và trưởng thành” – bà Hằng nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.