Bộ sách công cụ “Từ điển bách khoa Việt Nam” gồm 4 tập, được quảng bá rằng “chuẩn” và “quy mô”, song lại chứa những tri thức thiếu chính xác mà mấy dòng ghi nhận về lý / lí trong tập 2 (bản in năm 2002, trang 685) là một trong nhiều ví dụ:
“Một loại dân ca Nam Bộ, có thể hát trong nhà, trên đường hay ngoài đồng ruộng sông rạch khi lao động hay lúc vui chơi. Lý thường sử dụng các thể thơ lục bát, song thất lục bát. So với các loại dân ca Nam Bộ khác, như hò chèo ghe, hò cấy, hát ru, thì lý có số lượng làn điệu phong phú hơn nhiều. Có 3 cách đặt tên cho một bài:
1) Căn cứ vào nội dung, hình tượng trong bài: Lý chuốc rượu, Lý con sáo, Lý con cum cúm, v.v.
2) Lấy những chữ đầu của bài: Lý ông hương, Lý kéo chỉ, v.v.
3) Lấy tiếng đưa hơi, đệm lót: Lý í a, Lý lù là, Lý ớ, v.v...
Theo nhạc sĩ Lưu Nhất Vũ, lý Nam Bộ có 5 giọng, tên gọi chủ yếu dựa trên đệm lót đưa hơi: Giọng í a, giọng ớ, giọng ư, giọng huây, giọng bóng.
Về nội dung, lý đề cập nhiều sự việc, sự vật, nhiều khía cạnh khác nhau của tình cảm con người”. (hết trích).
Đoạn vừa dẫn sử dụng vân vân (v.v.) và dấu chấm lửng / dấu lửng / dấu ba chấm (…) thiếu chuẩn xác, lại tồn tại một trong những nhầm lẫn là họ nhạc sĩ: Lư Nhất Vũ chứ không phải Lưu Nhất Vũ.
Phạm vi diễn xướng lý: Cả nước
Đây là lời mở đầu sách “Lý trong dân ca người Việt” do Lư Nhất Vũ, Lê Giang, Lê Anh Trung sưu soạn (NXB Trẻ, 2006): “Lý là một trong những thể loại âm nhạc dân gian vốn thịnh hành trong sinh hoạt đời sống tinh thần của nhân dân lao động từ Bắc chí Nam. Tuy nhiên, lý được sinh sôi, nảy nở nhiều nhất vẫn trên địa bàn từ Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, vô Nam Trung Bộ rồi đến khu vực Nam Bộ”.
Kỳ thực, phạm vi diễn xướng lý trải dài cả nước. Tham khảo sách “Dân ca Việt Nam” (NXB Văn Hóa, 1976) cũng đủ thấy ngoài các bài lý của Nam Bộ, còn có Lý cây đa là quan họ Bắc Ninh; Lý hoài nam, Lý ta lý, Lý tử vi là dân ca Bình Trị Thiên; Lý thương nhau, Lý Thiên Thai là dân ca Quảng Nam.

Lý con sáo rất phổ biến, theo sách “Lý trong dân ca người Việt” đã nêu, có nhiều làn điệu: Hát ghẹo Phú Thọ, quan họ Bắc Ninh, rồi Hải Phòng, Thanh Hóa, Thừa Thiên – Huế, Nam Trung Bộ và Nam Bộ gồm Bình Dương, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Trà Vinh, Sóc Trăng.
Sách “Lý trong dân ca người Việt” nhận xét: “Từ những câu ca dao muốn tạo nên những điệu lý, ông bà ta phải vận dụng nhiều thủ pháp như cách dùng những tiếng đệm lót, đệm phụ nghĩa, tiếng láy đưa hơi và những điệp từ”.
Quả vậy. Lý con sáo gồm hàng chục làn điệu khác nhau nhưng chủ yếu phổ nhạc cặp ca dao gốc:
Ai đem con sáo sang sông?
Để cho con sáo sổ lồng bay xa!
Tương tự Lý con sáo là Lý ngựa ô biến chuyển nhiều làn điệu hấp dẫn thú vị từ Huế ở Trung Trung Bộ vào Nam Trung Bộ và Nam Bộ.
Ca dao phần nhiều lục bát, ngoài ra còn song thất lục bát, tứ ngôn, ngũ ngôn, lục ngôn, thất ngôn, bát ngôn, hỗn hợp, v.v.. Đôi dòng ca dao đủ tạo nên bài lý ngắn gọn, nhưng cũng có bài dài những 49 câu như Lý đi cấy ở Long An.
Lý khởi phát ở Huế, lan tỏa ra Bắc và vào Nam
Lý mang nghĩa gốc là gì? Lý khởi phát nơi đâu?
Từ nguyên chữ Hán 俚哥/ lý ca, có nghĩa khúc hát quê mùa. Đó là cách nói nhún, viết nhường, chứ lý hình thành từ kinh đô. Công trình nghiên cứu nhạc học Lý Huế do Dương Bích Hà thực hiện (NXB Âm Nhạc, 1997 – Giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam cùng năm) chứng minh rằng lý khởi phát ở Huế.
Sách “Lý trong dân ca người Việt” nhận xét: “Còn những điệu lý Huế thì được mang những cái tên rất đặc trưng: Lý hoài xuân, Lý đoản xuân, Lý hoài nam, Lý giang nam, Lý nam xang, Lý hành vân, Lý tử vi, Lý quỳnh tương, Lý dạ khúc, v.v.”.

Chẳng những tên gọi, mà âm giai lý Huế cũng man mác chất cung đình. Thử so sánh Lý ngựa ô Huế với Lý ngựa ô Quảng Nam, Lý ngựa ô Bình Định và các làn điệu Lý ngựa ô Nam Bộ, ắt rõ.
Từ Huế, lý tạo ảnh hưởng ra Bắc với Trèo lên quán dốc, Cây trúc xinh, Hoa thơm bướm lượn, Xe chỉ luồn kim, Con nhện giăng mùng, Qua cầu gió bay, v.v.. Cũng từ Huế, trong quá trình Nam tiến, lý phù hợp với Nam Trung Bộ, và phát triển mạnh ở Nam Bộ. Sách “Lý trong dân ca người Việt” sưu tập được 469 làn điệu lý được phân bố: Miền Bắc: 23 làn điệu, Trung: 73 làn điệu, Nam: 373 làn điệu.
Cũng cần thêm rằng lý dân gian tạo cảm hứng để nhiều nhạc sĩ sáng tác loạt bài hát, như:
+ Phan Ni Tấn soạn Lý con sáo Bạc Liêu;
+ Phố Thu soạn Lý con sáo
Trà Vinh;
+ Nguyễn Ngọc Thạch soạn Nhớ em lý chiều chiều, Ngựa ô lang thang;
+ Nhất Sinh soạn Điệu lý buồn, Con sáo sang sông;
+ Tôn Thất Lập soạn Hữu duyên thiên lý ngụa ô;
+ Trần Tiến soạn Tùy hứng lý qua cầu, Ngựa ô thương nhớ;
+ Trương Quang Tuấn soạn Thương em lý miệt vườn, Thương nhau lý tơ hồng, Tình đắng lý khổ qua, Ầu ơ lý ru con;
+ Vũ Đức Sao Biển soạn Đau xót lý chim quyên; v.v..