Lý giải hiện tượng nhiều điểm thấp
Những ngày qua, phụ huynh khối 6 tại nhiều quận/huyện của Hà Nội đang lo lắng trước việc điểm kiểm tra của con mình bị thấp. Đang có con trai lớn học lớp 6 tại một trường THCS của quận Cầu Giấy, chị Nguyễn Thị Nhung (SN 1986) cảm thấy vô cùng bất ngờ khi nhận được thông báo điểm của con mình từ cô giáo chủ nhiệm thông qua nhóm Zalo lớp.
Theo đó, trái ngược với những gì mình mong đợi, điểm đánh giá thường xuyên các môn trên lớp của con rất thấp, Toán chỉ đạt 4 điểm, Ngữ văn 2 điểm, Tiếng Anh 3 điểm... Điều này không phải cá biệt bởi có tới hơn 70% học sinh trong lớp có chung tình cảnh như trên. Cô giáo chủ nhiệm sau đó đã cho phụ huynh xem lại bài làm của các con để đối chiếu với kết quả chuẩn.
"Tâm sự cùng các phụ huynh khác trong lớp, chúng tôi cùng chung thắc mắc rằng liệu các thầy cô giáo ra đề kiểm tra có bị khó quá so với khả năng của các con hay không. Trong khi ở bậc tiểu học, sức học của các con rất tốt, điểm kiểm tra thường xuyên hay cuối kỳ đều đạt từ 8 trở lên. Chúng tôi rất muốn tìm hiểu rõ xem nguyên nhân là do đâu, hay do chương trình mới có nhiều điểm mới các con chưa bắt kịp nên kết quả làm bài không được như ý muốn" - chị Nhung cho hay.
Theo cô Nguyễn Kim Dung - Hiệu trưởng Trường THCS Đông La (Hoài Đức, Hà Nội), đây là hiện tượng không khó để giải thích. Cô Dung cho rằng, đầu năm học 2022-2023, nhiều học sinh đầu cấp có điểm kiểm tra thường xuyên rất thấp là một thực tế. Phụ huynh nếu không theo sát con, vẫn quen với cách đánh giá ở bậc tiểu học sẽ không sát với năng lực của con.
“Hơn nữa, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 mà năm học trước, các em phải học trực tuyến quá dài, hổng nhiều kiến thức nên năm nay khi học sinh lên lớp 6 sẽ khó có thể bắt kịp ngay kiến thức mới. Việc cung cấp kết quả bài kiểm tra, đánh giá của giáo viên cho phụ huynh cũng để các bố mẹ nắm bắt được tình hình học tập của con. Từ đó phải sát sao và có phương án đồng hành với con hơn trong quá trình học tại nhà”, Cô Dung nhận định.
Ngay từ đầu năm học, học sinh lớp 6 Trường THCS Thái Thịnh đã được các thầy cô phổ biến quy chế cũng như phương pháp học tập với các môn học mới nằm trong Chương trình GDPT 2018. |
Trên tinh thần chia sẻ cùng sự lo lắng của nhiều bậc phụ huynh, cô Nguyễn Thị Vân Hồng - Hiệu trưởng Trường THCS Chương Dương (Hoàn Kiếm, Hà Nội) nhấn mạnh, để đạt được chất lượng giáo dục cho học sinh trong mỗi nhà trường thì sự phối hợp giữa giáo viên, phụ huynh là vô cùng quan trọng.
Cô Hồng còn cho biết, vào thời điểm đầu mỗi năm học, nhà trường cũng đều thông báo trước và hướng dẫn phụ huynh, học sinh về phương pháp học tập, nhất là từ khi triển khai chương trình sách giáo khoa mới với lớp 6, năm nay là lớp 7. Việc các em đầu cấp bị điểm đánh giá thường xuyên thấp có nhiều nguyên nhân.
Thứ nhất, các em mới từ tiểu học lên THCS nên còn bỡ ngỡ chưa quen với cách học mới. Từ 1 cô dạy các môn chuyển sang 11 thầy cô dạy 11 môn. Khi đó, dĩ nhiên học sinh phải làm quen với 11 cách dạy, 11 yêu cầu khác nhau nên kết quả có thể không thể cao ở tất cả các môn.
Thứ hai, ở bậc tiểu học thầy cô không giao cho học sinh bài tập về nhà. Còn ở bậc THCS lại thiên về tự nghiên cứu bài học. Các em học sinh chưa quen nên chưa hoàn thành bài tập dẫn tới kết quả không cao. Ngoài ra, do tình hình dịch bệnh khách quan mấy năm qua, các em chỉ học và thi online. Năm nay học trực tiếp, thi trực tiếp nên các em phải tự lực khi không còn sự hỗ trợ của người thân.
Bên cạnh đó, cô Vân Hồng khẳng định, cha mẹ cần đồng hành, hỗ trợ con vì năm nay là năm thứ 2 thực hiện Chương trình GDPT mới đối với lớp 6, trong đó có 8 môn chấm điểm, 4 môn và hoạt động giáo dục đánh giá bằng nhận xét với nhiều điểm mới, như có thêm môn tích hợp. Từ thực tế trên, giáo viên các bộ môn sẽ vất vả hơn trong việc dạy kiến thức mới song song với ôn tập, củng cố kiến thức cũ cho học trò.
Lưu ý về cách ra đề
Thầy Nguyễn Cao Cường - Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh. |
Là đơn vị đang triển khai khá tốt việc thực hiện Chương trình GDPT 2018 trên địa bàn quận Đống Đa, thầy Nguyễn Cao Cường - Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh thẳng thắn nhìn nhận, việc học sinh lớp 6 bị điểm thấp các môn khi đánh giá thường xuyên là hoàn toàn có thể lý giải được.
Theo thầy Cường, việc tiến hành khảo sát đầu năm đối với học sinh lớp 6 là do mỗi trường, trong quy định của Bộ GD&ĐT không bắt buộc các trường phải làm việc này. Với mỗi học sinh, trong năm học sẽ có bài kiểm tra thường xuyên và bài kiểm tra định kỳ. Nếu thầy cô muốn biết được khả năng, kiến thức, kỹ năng của học trò thì có thể thông qua hoạt động giảng dạy trên lớp cũng như cách thức đa dạng khác.
Ngoài việc kiểm tra thường xuyên trên lớp, thầy cô có thể thông qua các kênh khác nhau để nhận phản hồi từ học sinh. Với Chương trình GDPT mới, vai trò của các bộ môn là bình đẳng như nhau, không phân biệt môn chính - phụ như trước. Tuy nhiên, vẫn có một số trường lựa chọn kiểm tra Toán - Ngữ văn - Ngoại ngữ đã vô tình tự coi những môn này là quan trọng.
Vì thế, vị Hiệu trưởng cho rằng, để có thể nắm bắt được tốt nhất khả năng của học sinh thì nên đánh giá định kỳ tất cả các môn vào thời điểm giữa học kỳ 1. Thông qua 8 tuần học cũng là khoảng thời gian phù hợp để đánh giá sơ bộ mức độ học tập của học sinh ra sao.
Còn việc học sinh bị điểm thấp, chúng ta cần phân tích theo nhiều yếu tố. Trong đó, đề khảo sát của các trường đã đảm bảo chuẩn theo ma trận chưa? Thực tế có trường sau 2 tuần đầu tiên học đã cho khảo sát học sinh. Điều này liệu có đủ điều kiện để đánh giá năng lực học sinh hay chưa? Học sinh lớp 5 phải học online kéo dài, sau đó lại chuyển lên cấp THCS theo chương trình mới với nhiều môn học nên nhiều em sẽ bị ngợp.