Bắt nhịp chương trình, SGK lớp 6 mới: Đồng hành cùng học sinh chuyển cấp

GD&TĐ - Để việc học diễn ra suôn sẻ, cần sự đồng hành nhịp nhàng giữa nhà trường, phụ huynh và học sinh.

Cô Thu Trang hướng dẫn học sinh ôn tập trước khi dịch bùng phát. Ảnh: NVCC
Cô Thu Trang hướng dẫn học sinh ôn tập trước khi dịch bùng phát. Ảnh: NVCC

“Chống sốc” cho học sinh lớp 6

Cô Phạm Thanh Yên, Hiệu trưởng Trường THCS Chất lượng cao Dương Phúc Tư (Hưng Yên) đánh giá: Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong hai năm liên tiếp nên gây xáo trộn tâm lý và học tập của học sinh. Việc giúp các em bắt nhịp vào cấp học mới càng được nhà trường chú trọng.

“Phương án tốt nhất là học sinh lớp 6 học tập trung tại trường để thầy cô trực tiếp rà soát kiến thức, tổ chức làm quen giữa học sinh, giáo viên và các bạn trong khối. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, chúng tôi đã tính đến phương án dạy trực tuyến”, cô Yên chia sẻ.

Trước thềm năm học 2021 - 2022, nhà trường sẽ họp trực tuyến với phụ huynh để triển khai quy định học trực tuyến, kết hợp phổ biến về Chương trình GDPT 2018. Bên cạnh đó, nhà trường sẽ thường xuyên cử giáo viên dự giờ các lớp học trực tuyến của khối 6 để xây dựng và điều chỉnh kế hoạch học tập phù hợp.

Ngoài ra, nhà trường cũng tổ chức phổ biến quy chế kiểm tra trực tuyến cho phụ huynh, học sinh ngay từ đầu năm học. Kế hoạch này hướng đến mục tiêu: Giúp học sinh, phụ huynh nắm được cách thức nhà trường tổ chức kiểm tra trong tình hình dịch bệnh Covid-19. Ngoài ra, triển khai từ đầu năm nên phụ huynh sẽ có thời gian chuẩn bị trang thiết bị cho con. Đối với những gia đình khó khăn, nhà trường sẽ tìm kiếm nguồn xã hội hoá, tài trợ để học sinh nhanh chóng bám sát yêu cầu chương trình mới.

Theo cô Yên, một vấn đề khác cũng được nhà trường quan tâm là năng lực môn Tiếng Anh của học sinh đầu cấp. Một bộ phận học sinh lớp 6 chưa được học đủ số tiết tiếng Anh tại trường tiểu học, dẫn đến chất lượng còn hạn chế.

“Chúng tôi dự kiến tổ chức đánh giá năng lực tiếng Anh trực tuyến cho học sinh khối 6 khi bắt đầu năm học mới để giáo viên có kế hoạch hỗ trợ sớm. Đồng thời, yêu cầu giáo viên chủ nhiệm khối 6 phối hợp với giáo viên tiếng Anh quan tâm tới học sinh”, cô Yên bày tỏ.

Công tác phòng, chống dịch   Covid-19 cũng được Trường THCS Tân Châu, tỉnh Hưng Yên đặt lên hàng đầu khi chuẩn bị đón năm học mới. Thầy Hiệu trưởng Lê Văn Bảy cho biết: Nhà trường sẽ tổ chức dọn vệ sinh, bổ sung máy đo thân nhiệt, khẩu trang, xà phòng, dung dịch rửa tay khô cho các lớp học và trong khuôn viên trường. Sửa chữa, bổ sung hệ thống vòi nước rửa tay và bố trí khu vực đón học sinh. Tiếp tục xây dựng phương án học trực tuyến trong tình huống dịch bệnh.

Giáo viên Nguyễn Thu Trang. Ảnh: NVCC
Giáo viên Nguyễn Thu Trang. Ảnh: NVCC

Vững tâm theo chương trình mới

Cô Nguyễn Thu Trang, giáo viên môn Ngữ văn tại Trường Phổ thông Song ngữ liên cấp Wellspring (Hà Nội) bày tỏ: Chương trình Ngữ văn 6 nhằm mục tiêu phát triển 4 kĩ năng đọc, viết, nói và nghe trên cơ sở lấy khung chương trình của Bộ GD&ĐT làm nền tảng. Năm nay, học sinh lớp 6 sẽ học theo SGK mới, các em cần chủ động và tự giác hơn trong việc học, chuẩn bị bài mới cũng như ghi chép bài.

Một trong những khó khăn của học sinh lớp 6 là chưa quen với việc ghi chép bài. Học sinh nên chuẩn bị ít nhất 2 quyển vở cho môn Ngữ văn. Một quyển vở trên lớp để ghi chép nội dung có hệ thống, một quyển vở bài tập để làm bài tập về nhà, soạn bài. Đồng thời, các em cần có phương pháp tự học và khai thác tư liệu, sách giáo khoa để nắm bắt nhanh nội dung chủ đề ở tên bài, các kiến thức cơ bản trong phần Tri thức ngữ văn ở mỗi   bài học.

Để việc học trực tuyến hiệu quả, cô Trang gợi ý: Trước buổi học, học sinh cần nắm thời khóa biểu học trực tuyến, chuẩn bị đồ dùng cho tiết học, vào lớp trước ít nhất 10 phút, kiểm tra lại hệ thống kết nối và đường truyền để không bị gián đoạn việc học. Trong giờ học, các em cần tích cực tương tác, đặt câu hỏi và trả lời câu hỏi của thầy cô, chủ động ghi chép bài, đóng khung kiến thức trọng tâm.

Khi làm bài kiểm tra trực tuyến, học sinh cũng cần thực hiện nghiêm túc, cẩn thận lưu lại bài làm và nộp bài đúng cách. Sau giờ học, các em nên sắp xếp thời gian biểu hợp lý để làm bài tập về nhà và nộp bài đúng hạn. Đồng thời, trước bài học tiếp theo, học sinh nên đọc trước bài và ghi chú lại nội dung chưa hiểu để trong tiết học bài mới có thể hỏi thầy cô.

Cô Trang lưu ý: Học sinh nên thoải mái, sẵn sàng đón nhận và điều quan trọng cần xác định sự chủ động trong việc học, mạnh dạn chia sẻ khi gặp khó khăn vướng mắc. Các em hãy an tâm vì luôn có thầy cô, cha mẹ ở bên cạnh đồng hành, quan tâm để không học sinh nào “bị bỏ lại phía sau”.

Cũng theo cô Trang, phụ huynh hãy lắng nghe, chia sẻ những khó khăn cùng con. Đừng nóng vội can thiệp hoặc quá lo lắng nếu con ghi bài chậm, chưa chủ động vì con cần thời gian làm quen từng bộ môn và làm chủ sự thay đổi. Đồng thời, cha mẹ nên phối hợp chặt chẽ với thầy cô để kịp thời điều chỉnh, đôn đốc, động viên con.

Tình hình dịch bệnh hiện nay, học sinh có thể phải kéo dài thời gian học trực tuyến. Các em đã làm quen với hình thức này gần 2 năm nhưng không phải tất cả đều học hiệu quả. Việc triển khai học qua các phần mềm như Zoom, Teams, Google Meet… dù hiện đại và được hỗ trợ đến đâu thì quan trọng, hiệu quả nhất vẫn đến từ thầy cô và học sinh. - Cô Nguyễn Thu Trang

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ