Hai ngày trước, các nhà khoa học NASA đã thừa nhận việc họ tìm thấy bằng chứng về sự tồn tại của nước ở dạng lỏng trên sao Hỏa . Tuy nhiên, để chắc chắn 100% rằng có một dòng nước thực sự chảy trên bề mặt sao Hỏa, chúng ta phải chụp ảnh, thu thập và phân tích mẫu nước đó.
Trong khi con người còn chưa đặt chân lên được sao Hỏa, câu hỏi đặt ra là tại sao NASA không để xe tự hành Curiosity thực hiện điều này?
Ngay tại thời điểm này, Curiosity chỉ cách địa điểm được cho rằng có sự tồn tại của nước dạng lỏng 50 km trên sao Hỏa. NASA hoàn toàn có khả năng lái xe tự hành của mình đến đó.
Tuy nhiên, vấn đề rắc rối nằm ở chỗ năm 1967, một hiệp ước quốc tế khiến Curiosity ngày nay không được phép tiếp cận phạm vi nghi ngờ này.
Lí do được đưa ra là để hạn chế sự ô nhiễm lây lan từ Trái Đất đến những nguồn nước này.
Thực vậy, nói về xe tự hành Curiosity, nó đã phải trải qua một quãng đường 225 triệu km để đến được sao Hỏa. Trên quãng đường đó, vô tình nó có thể chứa đựng những nguy cơ về việc tích tụ bụi bẩn và các vi sinh vật huyền bí có khả năng lây lan cho nguồn nước của sao Hỏa.
“Nước lỏng đã được xác nhận là tồn tại, chúng ta phải đặc biệt cẩn thận để tránh nhiễm bẩn chúng bởi các tác nhân từ Trái Đất. - Rich Zuker, nhà khoa học trong chương trình sao Hỏa của NASA cho biết - Xe tự hành Curiosity của chúng ta không được tiệt trùng đến mức độ an toàn để có thể tiếp cận những khu vực mà nước lỏng tồn tại”.
Cũng phải nói rằng không phải là NASA không có những công nghệ tiệt trùng cho cỗ máy của họ. Nhà sinh học Malcolm Walter nói rằng NASA hoàn toàn có thể sử dụng những thiết bị tạo nhiệt và bức xạ để quét sạch mọi tác nhân có thể gây ô nhiễm từ Trái Đất sau khi Curiosity đáp xuống sao Hỏa. Vấn đề là điều này sẽ khiến những thiết bị điện tử bên trong nó bị ảnh hưởng.
“Để đạt được sự vô trùng thực sự, NASA sẽ phải sử dụng bức xạ ion hóa mạnh với nhiệt độ cao, cả hai tác nhân này đều sẽ gây hỏng thiết bị điện tử bên trong Curiosity. - Walter nói - Vì vậy, họ không mạo hiểm để thực hiện điều này”.
Nhiều người nghĩ rằng vũ trụ là một môi trường khắc nghiệt và sao Hỏa cũng vậy. Tuy nhiên, khó có thể nói trước bất cứ điều gì đối với vi khuẩn, một sinh vật kiên cường của hành tinh chúng ta.
Vi khuẩn được tìm thấy ở mọi ngóc ngách trên Trái Đất, từ những nơi lạnh nhất đến nơi nóng và khô hạn nhất hành tinh. Thậm chí, chúng còn được tìm thấy trong trạng thái sống sót sau gần 2 năm mắc kẹt bên ngoài Trạm vũ trụ quốc tế ISS .
Như vậy, nếu Curiosity không được phép tiếp cận nguồn nước, chúng ta phải chờ đợi điều gì tiếp theo? Câu trả lời thỏa đáng lúc này có thể là sứ mệnh sao Hỏa mà NASA đang lên lịch vào năm 2030. Có thể một phi hành gia sẽ là người đầu tiên được tận mắt thấy nước chảy trên bề mặt sao Hỏa.
Một khả năng khác cũng có thể đến từ việc gửi một máy in 3D lên sao Hỏa, cỗ máy mà có thể sản xuất ra những robot khác. Điều này sẽ khiến chúng ta giảm thiểu sự tác động từ môi trường Trái Đất lên hành tinh đỏ.
Từ nay cho đến đó, có khi Curiosity sẽ chỉ được phép lái vòng vòng qua khu vực có nước lỏng hoặc là có gì đó khiến hiệp ước quốc tế Otuer bị hủy bỏ.