Lý do vũ khí đáng sợ của Hezbollah chưa khai hỏa

GD&TĐ - Tờ Telegragh vừa nêu lý do lực lượng Hezbollah ở Lebanon chưa bắn tên lửa đáng sợ nhất dù bị Israel liên tiếp không kích trong vài ngày qua.

Tên lửa P-800 Yakhont là một trong những vũ khí đáng sợ nhất được cho là Hezbollah đang có.
Tên lửa P-800 Yakhont là một trong những vũ khí đáng sợ nhất được cho là Hezbollah đang có.

Tính toán của Hezbollah

Theo báo Anh, một trong những lực lượng chiến đấu phi nhà nước mạnh nhất thế giới hiện nay được biết đến chính là Hezbollah.

Hiện Hezbollah đang sở hữu kho vũ khí khổng lồ, trong đó có cả tên lửa dẫn đường có khả năng tấn công bất kỳ thành phố nào của Israel. Mặc dù vậy, phản ứng của lực lượng này với các cuộc không kích của Israel vẫn khá hạn chế.

Dưới đây là những lý do khiến Hezbollah chưa sử dụng vũ khí mạnh nhất của mình để đáp trả Israel, theo đánh giá của Telegragh.

Đầu tiên: Một trong những lý do quan trọng nhất là Iran, nhà bảo trợ lớn nhất của Hezbollah, được cho là đang kiềm chế lực lượng vũ trang này.

Hezbollah là nhóm thân Tehran trong khu vực và khả năng cung cấp những tên lửa như Fateh 110 với tầm bắn 300 km, phụ thuộc hoàn toàn vào Iran.

Trong trường hợp Hezbollah bắn quá nhiều tên lửa có thể làm suy yếu khả năng răn đe của Iran đối với Israel, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng về chương trình hạt nhân của Tehran.

Báo anh cho rằng, Iran coi Hezbollah như một "chính sách bảo hiểm" trong trường hợp Israel tấn công vào các cơ sở hạt nhân của mình. Chính vì vậy, Hezbollah phải đáp trả thận trọng, tránh làm tổn hại đến chiến lược tổng thể của Tehran.

Tiếp theo: Ngoài ảnh hưởng từ Iran, Hezbollah cũng phải tính đến dư luận tại Lebanon. Hiện Beirut hiện đang trải qua tình trạng chia rẽ sâu sắc, và Hezbollah không muốn đưa đất nước vào một cuộc xung đột mà không phải tất cả đều cũng ủng hộ.

Nhà bình luận có mối quan hệ với Hezbollah là Kassem Kassir, cho biết việc bắt đầu một cuộc chiến có thể làm mất lòng một bộ phận dân chúng, từ đó gây tổn hại đến vị thế của Hezbollah tại Lebanon.

Vấn đề tiếp theo là Hezbollah cũng lo ngại rằng Thủ tướng Israel Netanyahu có thể đang cố tình kéo họ vào một cuộc chiến tranh toàn diện.

Học giả Kassir cho rằng, lực lượng Hezbollah hiểu rằng nếu họ tham gia vào một cuộc chiến toàn diện, không chỉ với Israel mà còn với các quốc gia phương Tây hậu thuẫn Israel, điều đó có thể dẫn đến hậu quả khó lường.

Điều đó tạo nên áp lực không nhỏ lên Hezbollah, khiến họ phải tính toán trước khi hành động.

Chiến lược dài hạn: Dù Hezbollah đang được trang bị tốt hơn rất nhiều so với năm 2006, (thời điểm họ chiến đấu với Israel trong một cuộc xung đột kéo dài 34 ngày), nhưng chiến lược của lực lượng này đã thay đổi.

Không đáp trả ngay lập tức, Hezbollah có xu hướng lựa chọn cách tiếp cận chiến tranh cấp thấp kéo dài, với mục tiêu làm suy yếu quyết tâm của Israel theo thời gian.

Kassir cho rằng, điều này có thể tạo ra tổn thất cho Israel mà không dẫn đến một cuộc chiến tranh toàn diện như Israel tuyên bố.

Vấn đề cuối cùng: Dù Hezbollah sở hữu một kho vũ khí lớn gấp 10 lần so với năm 2006, họ vẫn cẩn trọng trong việc sử dụng các tên lửa tối tân hàng đầu của mình.

Bất chấp việc một số quan chức cấp cao của Hezzbollah thiệt mạng vì đòn không kích từ Israel, lực lượng này vẫn chọn phản ứng không tấn công vào các khu dân cư mà thay vào đó là các mục tiêu quân sự của Israel.

Cho đến nay Hezbollah vẫn chưa bắn tên lửa tiên tiến nhất vào Israel không chỉ vì sự kiềm chế từ Iran mà còn do những cân nhắc nội bộ và chiến lược quân sự dài hạn của mình.

Lực lượng này dường như đang ưu tiên việc duy trì ổn định trong nước và tránh sa vào cái bẫy mà đối thủ giăng ra, nhằm bảo vệ vị thế của mình.

Sức mạnh của Hezbollah

Sổ tay Dữ kiện Thế giới của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) ước tính Hezbollah đang sở hữu khoảng 150.000 tên lửa và rocket các loại, nhiều hơn hàng loạt quốc gia, trong đó phần lớn là đạn pháo phản lực phóng loạt với tầm bắn dưới 100 km.

Hezbollah có thể đã nhận tên lửa Scud tầm bắn 300-550 km từ Syria, cho phép uy hiếp phần lớn mục tiêu trên lãnh thổ Israel ngay cả khi phóng từ miền bắc Lebanon.

Ngoài ra, Hezbollah từng tuyên bố phóng tên lửa đạn đạo Burkan tầm bắn 1.000 km nhằm vào tiền đồn Israel. Giới chức Mỹ cho rằng đây là tên lửa Qiam 1 do Iran phát triển, mang được đầu đạn nặng 750 kg.

Ngoài ra, nhóm vũ trang tại Lebanon này đã chứng minh họ có loại vũ khí diệt hạm đáng sợ trong cuộc chiến năm 2006, khi phóng tên lửa diệt hạm C-701 hoặc C-802 trúng soái hạm INS Hanit của hải quân Israel.

Sự việc khiến 4 quân nhân Israel thiệt mạng, tàu Hanit cũng phải nằm cảng nhiều tháng để sửa chữa.

Giới quân sự phương Tây tin rằng Hezbollah đang sở hữu một số tên lửa chống hạm siêu thanh P-800 Yakhont do Nga sản xuất, song nhóm chưa bao giờ xác nhận thông tin này.

Tổ chức Bảo vệ Dân chủ có trụ sở tại Mỹ cho rằng, chính Yakhont sẽ là "quân bài giúp Hezbollah thay đổi cuộc chơi". Tên lửa mang đầu đạn nổ mạnh - bán xuyên giáp nặng 200 kg, có thể đạt tốc độ 3.200 km/h và tầm bắn 300 km.

Cùng với sức mạnh tấn công, khả năng phòng thủ của Hezbollah cũng rất mạnh. Phòng không Hezbollah chủ yếu gồm các khẩu đội pháo cao xạ, pháo phòng không tự hành ZSU-23-4 và nhiều loại tên lửa vác vai.

Một số nguồn tin cho rằng Hezbollah đã được chuyển giao các hệ thống phòng không tầm trung Buk-M1-2, Buk-M2 và Sayyad, cùng tổ hợp tên lửa - pháo phòng không Pantsir-S1 từ Syria.

Tuy nhiên, chưa có dấu hiệu nào cho thấy, chúng đã được Hezbollah khai hỏa nhằm vào tiêm kích và tên lửa Israel.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ