Bệnh nhân có nguy cơ suy buồng trứng:

Lý do phụ nữ sau 30 tuổi cân nhắc việc trữ đông trứng

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Với bệnh nhân suy buồng trứng, không có cách nào phục hồi hoạt động bình thường của buồng trứng.

Ngoài việc gây vô sinh, suy buồng trứng sớm còn ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Ảnh minh họa
Ngoài việc gây vô sinh, suy buồng trứng sớm còn ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Ảnh minh họa

Do đó, phụ nữ sau 30 có thể cân nhắc trữ đông trứng để tránh suy buồng trứng sau này.

Mất khả năng làm mẹ ở tuổi đôi mươi

Chị N.T.D (30 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) đến khám bác sĩ sản khoa vì chậm kinh. Chị chia sẻ, kết hôn năm 25 tuổi nhưng hoãn chuyện sinh con để tập trung phát triển sự nghiệp.

Sau 5 năm, hiện, vợ chồng chị quyết định lên kế hoạch sinh con. Sau vài tháng, chị phát hiện bị chậm kinh và nghĩ đã mang thai. Tuy nhiên, khi đi khám, bác sĩ kết luận, chị D không mang thai, mà đó là dấu hiệu suy buồng trứng.

Bác sĩ Phan Chí Thành - Chánh văn phòng Trung tâm đào tạo - Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, trường hợp chị D mất kinh không phải do đậu thai, mà là suy buồng trứng.

“Bệnh nhân bị suy giảm buồng trứng sớm ở tuổi đôi mươi, gần như không còn khả năng làm mẹ. Kết quả xét nghiệm nồng độ AMH và siêu âm đến số nang noãn thứ cấp trên hai buồng trứng gần như không còn”, bác sĩ Thành cho biết.

Theo chuyên gia này, đây không phải trường hợp đầu tiên bị suy buồng trứng khi còn rất trẻ. Thông thường, bệnh này hay xuất hiện ở phụ nữ 35 - 50 tuổi. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều người dù mới trên 20 tuổi đã bị suy buồng trứng chưa rõ nguyên nhân.

Trước đó, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM cũng cho biết, trung bình mỗi ngày, cứ 10 trường hợp đến điều trị hỗ trợ sinh sản thì có 4 bệnh nhân độ tuổi 20 - 23.

Theo thống kê năm 2022 tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản bệnh viện, khoảng 47% bệnh nhân đến thăm khám có AMH dưới 1,2, tức có dự trữ buồng trứng thấp. Đây là một thử thách vì tế bào trứng là tế bào quyết định khả năng thành công và tạo phôi cho cả chu kỳ điều trị.

Bác sĩ Phan Chí Thành phân tích, trên thế giới, trong số các trường hợp cần hỗ trợ sinh sản, có khoảng 9 - 24% phụ nữ bị suy buồng trứng. Ở Việt Nam, hiện không có thống kê tỷ lệ người bị suy buồng trứng. Tuy nhiên, gần đây, bệnh viện tiếp nhận nhiều bệnh nhân suy giảm buồng trứng hơn so với những năm trước.

“Phụ nữ suy buồng trứng thường vô kinh hoặc ra máu không đều, rối loạn kỳ kinh, thường xuyên mệt mỏi, chóng mặt, buồn nôn, mất ngủ, dễ kích động, khó tập trung tư tưởng, đau khi quan hệ tình dục, âm đạo khô. Nhiều trường hợp người bệnh bị giảm ham muốn tình dục, luôn né tránh chuyện giường chiếu, mất khả năng sinh sản, rối loạn tiết niệu...”, bác sĩ Thành cho biết.

Theo chuyên gia này, nguyên nhân suy giảm buồng trứng có thể do gen, tốc độ thóai hóa các nang trứng diễn ra nhanh, bệnh phụ khoa, đặc biệt là ung thư phụ khoa phải điều trị hóa chất, xạ trị.

Tuổi của phụ nữ càng cao thì dự trữ buồng trứng càng thấp. Lối sống không lành mạnh, uống nhiều rượu bia, hút thuốc lá, sử dụng các chất kích thích, thường xuyên thức khuya, gặp nhiều căng thẳng, stress, giảm cân quá mức cũng là yếu tố nguy cơ của bệnh.

Không thể phục hồi hoạt động buồng trứng

“Không có cách nào phục hồi hoạt động bình thường của buồng trứng. Để có con, rất nhiều phụ nữ đã phải đi xin trứng. Do đó, phụ nữ sau 30 có thể cân nhắc trữ đông trứng để tránh suy buồng trứng sau này”, bác sĩ Thành chia sẻ.

Bác sĩ Thành khuyến cáo, các cặp đôi đã lấy nhau nếu trì hoãn việc sinh con vì lý do nào cũng nên đi khám sức khoẻ sinh sản trước quyết định quan trọng. Bác sĩ hỗ trợ sinh sản sẽ tư vấn quyết định mang thai hay trì hoãn sinh sản. Đối với các trường hợp có nguy cơ suy buồng trứng sớm, các bác sĩ sẽ tư vấn bệnh nhân mang thai hoặc trữ đông trứng sớm nhất có thể.

Theo ThS.BS Trịnh Văn Du - Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Bưu điện (Hà Nội), ngoài việc gây vô sinh, suy buồng trứng sớm ảnh hưởng xấu về sức khỏe, bao gồm các triệu chứng như khó chịu, giảm mật độ xương và tăng nguy cơ gãy xương, tiến triển sớm của bệnh tim mạch.

Bệnh cũng có tác động tâm lý, có thể bao gồm trầm cảm, lo lắng và giảm khả năng hỗ trợ tâm lý xã hội, suy giảm nhận thức sớm và hội chứng khô mắt. Ngày nay, liệu pháp điều trị thay thế hormone thích hợp đang được áp dụng.

Từ đó, thay thế mức steroid sinh dục buồng trứng tiền mãn kinh, để tăng chất lượng cuộc sống cho phụ nữ mắc suy buồng trứng sớm và cải thiện rủi ro sức khỏe liên quan.

Theo bác sĩ Du, thường xuyên căng thẳng sẽ làm ức chế miễn dịch gây ra trầm cảm và lo âu. Từ đó, ảnh hưởng tới buồng trứng, khả năng vận hành của buồng trứng... góp phần gây nên tình trạng suy buồng sớm.

Trong khi đó, thói quen hút thuốc lá và uống rượu bia gây kích thích cơ quan nội tiết sản sinh nhiều hơn nội tiết tố nam và dần dần ức chế sản xuất nội tiết tố nữ. Thói quen này cũng tạo ra các gốc oxy hóa tồn dư gây suy buồng trứng sớm.

Để điều trị, IUI hoặc IVF được lựa chọn để cứu vãn khả năng sinh sản. Trữ trứng sớm nếu chưa có gia đình cũng là một tư vấn thường quy nếu bệnh nhân quá trẻ mà đã suy buồng trứng.

Ngoài ra, điều trị nội tiết là bắt buộc dù bệnh nhân có nhu cầu sinh sản hay không. Nếu có nguyện vọng tự nhiên, bệnh nhân nên trao đổi với bác sĩ để xem quãng thời gian còn lại có thể chờ đợi là bao nhiêu lâu trước khi can thiệp hỗ trợ sinh sản.

“Xét nghiệm đơn giản để chẩn đoán suy buồng trứng sớm là AMH và siêu âm đếm AFC. Để phòng ngừa, cần hạn chế căng thẳng, mệt mỏi liên tục trong thời gian dài và nên giữ tinh thần lạc quan vui vẻ.

Có chế độ ăn uống hợp lý, hạn chế thức ăn nhanh, nhiều dầu mỡ và thường xuyên tập thể dục để tăng cường sức khỏe. Bổ sung đầy đủ canxi, vitamin D để ngăn ngừa loãng xương”, bác sĩ Du khuyến cáo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ