Tuy nhiên, hiện tại có rất ít dữ liệu đánh giá tính an toàn của vắc-xin phòng Covid-19 trong thời kỳ mang thai.
Cân nhắc khi nguy cơ phơi nhiễm cao
Theo WHO, một số trường hợp phụ nữ mang thai có nguy cơ cao phơi nhiễm với virus SARS-CoV-2 như cán bộ y tế, hoặc tăng nguy cơ mắc bệnh nặng (đang mắc bệnh nền) nên tư vấn với bác sĩ để cân nhắc về việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19.
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Hoàng Quốc Tưởng - Giảng viên Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, nhiều bằng chứng cho thấy, phụ nữ mang thai mắc Covid-19 vào 6 tháng cuối thai kỳ có nguy cơ bị nặng hơn so với phụ nữ không mang thai trong độ tuổi sinh đẻ.
Covid-19 trong thai kỳ cũng có liên quan đến việc tăng nguy cơ sinh non và tăng nguy cơ trẻ sơ sinh cần được chăm sóc đặc biệt. Phụ nữ mang thai từ 35 tuổi trở lên hoặc thừa cân béo phì, tiểu đường, tăng huyết áp... nhiều nguy cơ dẫn đến những diễn biến đặc biệt nghiêm trọng do Covid-19.
“Dựa trên kinh nghiệm trước đây về việc sử dụng các vắc-xin khác cùng bản chất trong thai kỳ, hiệu quả của vắc-xin Moderna ở phụ nữ mang thai được kỳ vọng mang lại hiệu quả tương đương với phụ nữ không mang thai cùng độ tuổi.
Dữ liệu từ những nghiên cứu nhỏ khác cũng cho thấy, vắc-xin Covid-19 mRNA (Pfizer và Moderna) có khả năng sinh miễn dịch ở phụ nữ mang thai và có thể truyền kháng thể qua thai nhi và qua sữa mẹ, cho thấy khả năng cho cả mẹ và bé”, bác sĩ Tưởng dẫn chứng.
Tuy nhiên, cần có thêm những dữ liệu thử nghiệm lâm sàng về tính an toàn và tính sinh miễn dịch trong thai kỳ. Do đó, WHO khuyến cáo tiêm chủng vắc-xin này cho phụ nữ mang thai khi lợi ích của việc tiêm vắc-xin vượt trội hơn những nguy cơ tiềm ẩn cho mẹ và bé.
Không dừng cho con bú khi tiêm chủng
Trong khi đó, với người đang cho con bú, bác sĩ Tưởng cho biết, hiện vẫn chưa có nhiều dữ liệu về lợi ích cũng như nguy cơ trên nhóm này. Tuy nhiên, bản chất của vắc-xin này không phải là virus sống, mà là các vật liệu di truyền mRNA. Do đó, chuyên gia cho rằng, các vật liệu này không gây tác động vào ADN của người và cũng bị phân hủy nhanh chóng.
“Do đó về mặt sinh học, vắc-xin này không có khả năng gây nguy hại cho trẻ đang bú mẹ. Hiệu quả của vắc-xin được kỳ vọng là tương tự như ở những phụ nữ khác không cho con bú. Các báo cáo gần đây đã chỉ ra rằng, phụ nữ đang cho con bú đã được tiêm vắc-xin Covid-19 mRNA có kháng thể trong sữa mẹ, đựợc kỳ vọng là có thể giúp bảo vệ cho trẻ. Cần có thêm dữ liệu để xác định khả năng bảo vệ mà các kháng thể này có thể cung cấp cho em bé”, bác sĩ Tưởng cho biết.
WHO và CDC khuyến cáo, có thể tiêm ngừa vắc-xin cho phụ nữ đang cho con bú giống như những người trưởng thành khác. WHO khuyến cáo không dừng cho con bú sữa mẹ vì lý do tiêm chủng vắc-xin. Trong khi đó, Bộ Y tế nhấn mạnh, tiêm vắc-xin phòng Covid-19 an toàn cho cả mẹ và bé.
“Tóm lại, nếu như phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú, không phải trong tâm dịch, không có yếu tố nguy cơ nhiễm bệnh cao, nên trì hoãn tiêm chủng. Đối với những người đang ở trong tâm dịch, làm những ngành nghề mà yếu tố lây nhiễm cao, nên cân nhắc để tiêm ngừa vắc-xin Covid-19”, bác sĩ Hoàng Quốc Tưởng nhận định.