Khi thị trường đầu thu DVB-T2 rơi vào cảnh chợ chiều, với lượng hàng tồn kho ở các doanh nghiệp lên tới vài trăm nghìn bộ, các nhà cung cấp đầu thu truyền hình phải chuyển hướng sang kinh doanh sản phẩm Android TV Box. Có thể nói, chưa bao giờ thị trường Android TV Box lại sôi động như thời điểm từ đầu năm 2017 tới nay.
Do lượng hàng tồn kho quá nhiều nên các doanh nghiệp cung cấp đầu thu DVB-T2 cũng như các đại lý phải giảm giá để bán xả hàng, với giá bán lẻ trên thị trường chỉ tương đương với giá bán buôn, giá đầu thu truyền hình hiện thấp hơn hồi tháng 7/2016 từ 150.000 – 250.000 đồng/chiếc.
Mặc dù giá giảm mạnh nhưng lượng hàng bán ra rất nhỏ giọt, ít hơn rất nhiều lần so với thời điểm giữa năm 2016. Theo ông Vũ Trung Kiên, Giám đốc Công ty Trường Lâm, một nhà phân phối thiết bị truyền hình, hồi giữa năm 2016 trung bình mỗi tháng, công ty xuất ra thị trường tầm 8.000 -10.000 đầu thu DVB T2.
Nhưng từ đầu năm 2017 tới nay, mỗi tháng chỉ trung bình 1.000 đầu thu được xuất cho các đại lý, có tháng ế ẩm chỉ xuất được 200 – 300 đầu thu. Theo ông Kiên, hiện nay các nhà phân phối đầu thu truyền hình đã đồng loạt lao sang mặt hàng mới là đầu Android TV Box.
Tìm kiếm trên trang thương mại điện tử Lazada có ít nhất 50 mẫu Android TV Box được các nhà bán hàng rao bán. Và trong số các nhà bán hàng có khá nhiều gương mặt quen thuộc trước đây đã tham gia khá mạnh trên thị trường đầu thu DVB-T2.
Theo quan sát của ICTnews, hiện thị trường Android TV Box được chia làm 3 phân khúc. Phân khúc cao cấp là các sản phẩm có giá trên 1,7 triệu đồng do các nhà phân phối như VNPT Technology, FPT, VEGA, Viettel, Hanel, VTC.
Đặc điểm của các loại đầu thu này là được đầu tư về hình thức đẹp, các nhà cung cấp cũng phát triển khá tốt kho nội dung để phục vụ cho người dùng, được tổ chức truyền thông và làm thương hiệu bài bản cho sản phẩm.
Trên thực tế thì các sản phẩm VTC và Viettel tuy ra mắt thị trường sớm nhất nhưng hai nhà cung cấp này dường như đã thất bại và không còn đẩy mạnh quảng bá sản phẩm nữa.
Hanel mặc dù phát triển sản phẩm có chất lượng khá ổn định nhưng cũng không có tên tuổi trên thị trường. Phân khúc cao cấp chỉ do FPT, VNPT Technology và VEGA chiếm lĩnh.
Ở phân khúc hàng trung cấp là những sản phẩm do các công ty Việt Nam đặt hàng sản xuất theo kiểu OEM từ Trung Quốc, nhưng chất lượng khá tốt và được các đơn vị này đầu tư làm thương hiệu bài bản như: Karabox K1, KIWI, VinaBox.
Giá của các mặt hàng tầm trung vào khoảng 800.000 – 900.000 đồng. Các nhà cung cấp sản phẩm loại này cũng đầu tư nghiên cứu phần mềm riêng và đã bước đầu có hợp tác khai thác nội dung với các nhà cung cấp nội dung để phát triển thuê bao.
Ví dụ, loại đầu KARABOX K1 thì toàn bộ hệ thống phần mềm do Công ty CP Trường Lâm nghiên cứu và phát triển. Trường Lâm cũng hợp tác với VEGA CORP để cung cấp danh mục truyền hình sử dụng Clip TV – là ứng dụng xem truyền hình OTT tốt nhất hiện nay cho người dùng sản phẩm này.
Nhiều nhất trên thị trường vẫn là đầu thu Android TV Box được nhập khẩu trực tiếp từ Trung Quốc, những loại Android TV Box này có mức giá rẻ chỉ từ 600.000 – 700.000 đồng.
Các nhà phân phối sản phẩm chỉ nhập hàng về bán, không có kho nội dung riêng, nếu như nhà nước siết chặt quản lý nội dung trên Google thì những loại đầu thu này sẽ chỉ xem được rất ít nội dung miễn phí.
Theo nhận định của giới kinh doanh thiết bị truyền hình, năm 2017 sẽ bùng nổ thị trường thị trường thiết bị giải trí đa phương tiện Android TV Box thay thế cho sản phẩm đầu thu DVB-T2, mà nhiều nhất vẫn là những sản phẩm có giá bán tầm trung.
Hiện nay một số nhà cung cấp thiết bị Android TV Box mong muốn có sự hợp tác giữa các nhà cung cấp thiết bị Android TV Box với các nhà phát triển nội dung, hoặc nhà nước hoặc một đơn vị làm nội dung được nhà nước chỉ định xây dựng một kho nội dung riêng cho Android TV Box, có server riêng để các nhà cung cấp thiết bị chính hãng có thể truy cập vào với mức phí truy cập rẻ người dùng có thể chấp nhận được.
Như vậy nhà nước dễ dàng kiểm soát nội dung trên Internet và người dùng cũng có lợi. Về nội dung, trên kho ứng dụng Gooplay Store có hàng triệu ứng dụng, nhưng chỉ có các kho ứng dụng do các nhà mạng phát triển, có server riêng, nội dung có bản quyền thì chất lượng xem tốt hơn hẳn. Do đó, nhà nước cần có chính sách để thúc đẩy các đơn vị phát triển nội dung cho các thiết bị Android TV Box.
Nhà nước phải có biện pháp quản lý chặt mặt hàng Android TV Box về cả tiêu chuẩn kỹ thuật thiết bị, cũng như quản lý nội dung và quản lý sản phẩm tiêu thụ ngoài thị trường.
Theo quy định hiện nay, Android TV Box không bị áp thuế nhập khẩu nên được nhập về khá tràn lan. Nhiều sản phẩm chưa thực hiện công bố hợp quy cũng không có cơ quan nào quản lý nê số lượng hàng trôi nổi, chất lượng kém có mặt ngoài thị trường khá nhiều.