Lý do các trường học Châu Âu tiếp tục mở cửa dù dịch bệnh lây lan

GD&TĐ - Mặc dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, phần lớn quốc gia tại châu Âu quyết định không đóng cửa trường học. Bởi, các nhà lãnh đạo nhận định, trẻ em có quyền được tiếp cận với giáo dục.

Học sinh tại thành phố Bonn (Đức) trở lại trường.
Học sinh tại thành phố Bonn (Đức) trở lại trường.

Mới đây, Thủ tướng Đức Angela Merkel quyết định yêu cầu các quán bar, nhà hàng, nhà hát, phòng hòa nhạc, phòng tập thể dục đóng cửa do Covid-19. Tuy nhiên, các trường học và trung tâm chăm sóc trẻ không xuất hiện trong danh sách này.

Tại Pháp, Tổng thống Emmanuel Macron cho biết, các trường học sẽ được miễn hạn chế. Ireland cũng cho phép các trường học mở cửa, bất chấp lệnh phong tỏa toàn quốc có hiệu lực từ đầu tháng này.

Các nhà hoạch định chính sách đang thực hiện những biện pháp phòng ngừa để giảm rủi ro trong trường học. Giáo viên và học sinh được yêu cầu đeo khẩu trang, lớp học cần thông thoáng, sân trường được yêu cầu phân chia trong giờ giải lao.

Phần lớn nhà lãnh đạo các nước cho biết đang áp dụng những bài học kinh nghiệm, sau nhiều tháng chiến đấu với đại dịch. Họ sẵn sàng thay đổi hướng đi nếu mọi thứ trở nên tồi tệ hơn.

Micheal Martin - Thủ tướng Ireland nói rằng, mặc dù quốc gia này không thể tránh việc áp đặt hạn chế, nhưng điều quan trọng là các trường phải mở cửa.

“Chúng ta không thể và sẽ không cho phép tương lai của trẻ em trở thành nạn nhân khác của căn bệnh này. Họ cần được giáo dục”, Thủ tướng Martin nói.

Đầu tháng này, trong hội nghị các Bộ trưởng văn hóa của Đức, các nhà lãnh đạo đã nhấn mạnh quyền được hưởng nền giáo dục của trẻ em. Trong thông báo mới đây, Thủ tướng Merkel đã chỉ ra “hậu quả xã hội nghiêm trọng” nếu các trường học và trung tâm chăm sóc trẻ đóng cửa.

Các chuyên gia y tế chỉ ra nhiều lợi thế, như: Với các biện pháp phòng ngừa thích hợp, tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 trong trường học là tương đối thấp, đặc biệt là ở học sinh nhỏ tuổi. Trẻ em nhiễm Covid-19 thường có triệu chứng nhẹ. Trong khi đó, các biện pháp như đeo khẩu trang, giãn cách và lưu thông không khí hiệu quả hơn dự đoán.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là việc mở cửa trường học không mang lại rủi ro. Học sinh và nhân viên vẫn có nguy cơ nhiễm virus, thậm chí là lây cho các thành viên trong gia đình. 

Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu phát hiện rằng, trẻ em chiếm ít hơn 5% tổng số trường hợp nhiễm Covid-19 được báo cáo ở 27 quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu và Anh. Cơ quan này nhận thấy, việc đóng cửa trường học sẽ “không có khả năng bảo vệ đáng kể cho sức khỏe của trẻ em”.

Mới đây, Pháp yêu cầu tất cả trẻ em từ 6 tuổi đeo khẩu trang khi đi học. Quy định trước đây chỉ yêu cầu trẻ em từ 11 tuổi trở lên phải đeo khẩu trang.

Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại, việc chỉ đeo khẩu trang sẽ là không đủ nếu trẻ em tiếp tục tụ tập ở căng tin trong giờ ăn trưa. Khi đó, trẻ sẽ tháo khẩu trang và có nguy cơ cao nhiễm bệnh.

Tiến sĩ Helene Rossinot - bác sĩ người Pháp về sức khỏe cộng đồng, cho biết: “Sẽ là vấn đề lớn khi trẻ ăn trưa cùng nhau trong nhà, với cửa sổ đóng kín. Chúng tôi đã đề xuất phục vụ bữa ăn cho trẻ trong lớp học, để các em không ăn cùng nhau”.

Theo các chuyên gia, thường xuyên mở cửa sổ để không khí tràn vào lớp học sẽ giúp làm chậm sự lây lan của virus. Tuy nhiên, điều đó sẽ khó khăn hơn khi thời tiết lạnh và ẩm ướt.

Cơ quan y tế công cộng Đức khuyến cáo, các trường học yêu cầu mọi người đeo khẩu trang khi di chuyển qua hành lang. Học sinh lớn tuổi phải đeo khẩu trang khi ngồi trong lớp. Các lớp học cũng cần tuân thủ giảm sĩ số. Nhờ đó, trẻ có thể ngồi xa nhau hơn.

Trong khi nhiều phụ huynh cảm thấy an tâm khi cho con đi học, những người khác lại lo lắng con họ phải đối mặt với những rủi ro không đáng có. Các giáo viên ở Pháp lo ngại, việc yêu cầu học sinh tiểu học đeo khẩu trang là không đủ để bảo đảm tất cả đều khỏe mạnh.

Trong khi đó, nhiều giáo viên ở Đức lo rằng, mặc dù các biện pháp phòng ngừa đã được đưa ra, nhưng không phải tất cả các trường đều tuân theo.

Theo NY Times

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.