Khi bên nhau, người phụ nữ thường có những kỳ vọng mãnh liệt vào sự chân thành, yêu thương và quan tâm từ người đàn ông của mình. Nhưng có vẻ như càng hy vọng bao nhiêu họ càng dễ thất vọng bấy nhiêu.
Có khi mối quan hệ đang phát triển tốt đẹp bỗng tan rã bởi chàng làm nàng mất lòng tin chỉ vì một điều nói dối vu vơ, không làm hại ai.
Dưới đây là những lý do tại sao đàn ông lại chọn nói dối thay vì nói thành thật với phụ nữ.
1. Cảm thấy chưa được tôn trọng
Đàn ông luôn có lòng tự trọng cao và họ rất mong muốn nhận được sự thấu hiểu, tin tưởng từ người bạn đời của mình để cảm thấy thoải mái, tự tin hơn. Nhưng đôi khi vô tình hoặc cố ý, bạn lại không thể hiện sự coi trọng của mình với anh ấy.
Điều đó khiến anh ấy cảm thấy mình không được ghi nhận, nên thay vì chia sẻ thẳng thắn, anh ấy nói dối để tránh phải nhận những cảm xúc không mấy tích cực từ bạn.
2. Mất niềm tin ở bạn
Bạn có biết đối với phụ nữ, họ rất cần người đàn ông của mình có mặt bên cạnh, còn đối với đàn ông, họ chỉ cần người phụ nữ thực sự thấu hiểu mình.
Qua nhiều lần xung đột, mâu thuẫn hay chỉ đơn cử những lần tương tác qua lại giữa hai người, anh ấy sẽ dễ nhận thấy hai người không có tiếng nói chung, và đi đến kết luận rằng bạn không hiểu anh ấy. Từ đó, niềm tin của anh ấy ở bạn sẽ mất dần, khiến anh nghĩ dù có nói thật bạn cũng chẳng thể hiểu được đâu, chi bằng nói dối để tránh lại phải tranh cãi với bạn.
3. Muốn trốn tránh trách nhiệm
Có những người có thói quen dùng lời nói dối để khỏa lấp đi những nỗi sợ khi phải đối mặt với áp lực, vấn đề mà họ gặp phải. Họ càng mong muốn trốn tránh nó, họ càng dễ tạo ra những lời nói dối với chính bản thân mình và với những người xung quanh. Đó là khi họ chưa thực sự biết cách nhận trách nhiệm và còn giữ trong mình những nỗi sợ, đồng thời là những tổn thương bên trong mà họ không hề biết.
Hơn nữa, vì đàn ông thường khó diễn đạt bằng lời hơn phụ nữ, có những chuyện không biết phải nói như thế nào nên họ chọn cách lảng tránh bằng lời nói dối. Nên bạn có thể lắng nghe và bày tỏ sự thấu hiểu nhiều hơn thay vì trách móc, chỉ trích lỗi lầm và quy chụp đó là bản tính của anh ấy.
Càng nói càng dở, bạn càng than phiền nhiều anh ấy càng thấy phiền và tránh bạn nhiều hơn.
4. Từ góc nhìn của anh ấy, đó không phải chuyện quan trọng
Đôi khi anh ấy chỉ muốn bỏ qua vấn đề bởi đối với anh ấy chuyện đó không phải chuyện gì to tát cho lắm, anh ấy không thực sự đặt tâm vào đó, không coi đó là quá quan trọng.
Ở góc nhìn của anh ấy, lời nói dối đó không phải xấu, nếu bạn có phản ứng, cũng chỉ là vì bạn quá nhạy cảm và đang làm quá lên mà thôi.
5. Do anh ấy muốn bảo vệ bạn
Có những chuyện anh ấy biết rất rõ rằng nói ra sẽ khiến bạn bị tổn thương. Anh ấy biết bạn sẽ đau lòng vì điều đó và rất sợ phải trở thành người làm tổn thương bạn.
Trong suy nghĩ của anh ấy, đó là cách để anh có thể bảo vệ gia đình khỏi nỗi đau và sự suy sụp khỏi những sai lầm mà anh ấy chưa thể dứt ra. Thấu hiểu điều này rồi, bạn hãy cảm thông với bạn đời của mình hơn, không phải anh ấy cố tình phá hỏng tất cả, chính anh ấy cũng cố gắng, chỉ là cách làm không phù hợp mà thôi.