Căn thời gian, không quên lập dàn ý
Ngữ văn là một trong những môn thi bắt buộc tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023. Vì vậy, để tránh mất điểm một cách đáng tiếc ở môn thi này, học sinh cần đặc biệt lưu ý, cẩn thận trong quá trình làm bài thi.
Với kinh nghiệm nhiều năm chấm thi tốt nghiệp THPT, cô Hà Thị Khuyên, giáo viên môn Văn, Trường THPT Quan Sơn (Quan Sơn, Thanh Hóa) cho rằng: Điều đầu tiên thí sinh cần lưu ý đó là trình bày cẩn thận, câu chữ gọn gàng, dễ đọc, tránh trình bày lan man, không đúng trọng tâm vấn đề.
Một trong những lỗi sai sơ đẳng nhất nhưng học sinh thường hay mắc phải đó là trích dẫn sai ngữ liệu hoặc nhớ nhầm các chi tiết trong tác phẩm. “Không chỉ vậy, nhiều em còn chủ quan không vạch dàn ý dẫn đến thừa, thiếu hoặc lặp ý. Bên cạnh đó, việc phân phối thời gian làm bài không hợp lý, phần ít điểm trình bày khá nhiều trong khi phần nhiều điểm lại không còn thời gian để triển khai”, cô Khuyên nói.
Để khắc phục những sai lầm này, nữ giáo viên khuyên học sinh nên dành thời gian khoảng 5-7 phút để lập dàn ý trước khi làm bài, dù bất cứ ở phần nào. Tiếp theo là căn thời gian làm bài hợp lý giữa các phần.
“Một lưu ý quan trọng nữa là cần xác định đúng từ khóa của đề bài. Bởi, việc xác định sai từ khóa có thể dẫn đến hậu quả là lạc đề. Chẳng hạn, đề bài yêu cầu phân tích tâm trạng của Mị trong đêm tình mùa Xuân.
Tuy nhiên, học sinh không đọc kỹ đề và xác định sai từ khóa dẫn đến, cũng là phần tích diễn biến tâm trạng của Mị nhưng lại là đêm Đông cứu A Phủ,...”, cô Khuyên lưu ý.
Với câu nghị luận xã hội, học sinh cần xem kỹ các bước lập ý, cấu trúc của đoạn văn cần triển khai những gì hay đề bài đưa ra nằm trong hệ thống chủ đề nào,... Từ đó, huy động nguồn dẫn chứng để trình bày cho chuẩn xác, sinh động.
Với câu nghị luận văn học để đạt điểm số cao, học sinh cần viết đúng, đủ, viết sâu và viết hay. Nghĩa là cần trình bày bài thi đúng kiến thức, yêu cầu của đề bài và không sai chính tả.
Quá trình triển khai bài cần đủ ý, đồng thời kiến giải hợp lý, sâu sắc có liên hệ mở rộng, so sánh giữa tác giả này với tác giả khác, tác phẩm này với tác phẩm kia hay giữa các tác phẩm của cùng 1 tác giả.
“Viết hay nghĩa là bài viết phải giàu hình ảnh, cảm xúc giống như đang tạo lập một văn bản nghệ thuật để người đọc có nguồn cảm hứng,...”, cô Khuyên chia sẻ.
Thầy Hà Văn Nghiệp trong giờ giảng dạy môn Ngữ văn, Trường THCS&THPT Quan Sơn (Thanh Hóa). |
Khai triển ý bám sát từ khóa của đề
Thầy Hà Văn Nghiệp - giáo viên Văn, Trường THCS&THPT Quan Sơn (Quan Sơn, Thanh Hóa) cho biết: Ngoài đọc kỹ đề, xác định từ khóa và lập dàn ý, học sinh cần khai triển ý bám sát với từ khóa của đề, tránh xa đề.
Thông thường, cấu trúc đề thi sẽ gồm 2 phần: Đọc hiểu và Làm văn. Ở phần Đọc hiểu sẽ bao gồm 4 câu hỏi theo mức độ: Nhận biết, Thông hiểu, Vận dụng và Vận dụng cao. Với câu hỏi Nhận biết, thông thường sẽ là xác định phương thức biểu đạt, thao tác lập luận hay phong cách ngôn ngữ.
Trong khi đó, câu 3 thường sẽ là câu Thông hiểu hỏi về biện pháp tu từ và tác dụng của nó. Vì vậy, học sinh cần phải hiểu và nắm được cách làm, xác định và nêu được tác dụng của biện pháp tu từ.
Ở câu cuối cùng của phần Đọc hiểu, thông thường sẽ là từ nội dung của đoạn văn hoặc thơ để nêu ra thông điệp hoặc ý nghĩa của đoạn trích đó.
Nếu là đoạn văn thường sẽ liên quan đến tư tưởng, đạo đức còn nếu là đoạn thơ sẽ xoay quanh tình yêu quê hương, đất nước. Do đó, học sinh cần phải nêu được tầm quan trọng của tư tưởng, đạo đức đó hay trách nhiệm của mỗi người trong việc bảo vệ và xây dựng đất nước. Khi triển khai, nên trả lời ngắn gọn, đúng trọng tâm mà đề bài yêu cầu.
Theo thầy Nghiệp, phần Làm văn sẽ gồm câu nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Với câu nghị luận xã hội, học sinh nên lưu ý làm theo cấu trúc để đạt được mức điểm tối đa. Đặc biệt, ngoài giải thích, phân tích, bình luận về vấn đề nào đó, học sinh cần có liên hệ mở rộng với thực tế cuộc sống.
Thầy Hà Văn Nghiệp (ngồi, đeo kính) chụp ảnh kỷ yếu cùng học trò Trường THCS&THPT Quan Sơn. |
“Phần nghị luận văn học bắt buộc phải lập dàn ý, các em nên dành từ 5-7 phút để lập dàn ý. Khi mở bài, học sinh chí ít phải nêu được đề bài trong đó. Trong khi với phần thân bài cần tóm tắt khái quát được nội dung của đoạn trích và khai triển các ý sau khi đã lập dàn ý, không quên liên hệ tác phẩm đó với thực tiễn cuộc sống”, thầy Nghiệp chia sẻ.
Trong giai đoạn ôn thi nước rút, cô Khuyên lưu ý học sinh nên giữ gìn sức khỏe. Bởi, mùa ôn thi diễn ra trong những ngày nắng nóng. Vì vậy, học sinh nên chủ động sắp xếp thời gian ôn thi và nghỉ ngơi hợp lý, tránh thức quá khuya ảnh hưởng đến sức khỏe kéo theo hiệu quả ôn thi cũng giảm sút.
“Học sinh cũng nên có không gian yên tĩnh để không bị phân tán tư tưởng, sự tập trung. Đôi khi cha mẹ phụ huynh cũng nên tạo điều kiện để các em ôn thi vì không phải gia đình nào cũng có phòng học riêng đủ yên tĩnh cho sĩ tử”, cô Khuyên chia sẻ thêm.