Trường vùng khó vận động học sinh ở nội trú để ôn thi tốt nghiệp

GD&TĐ - Để học sinh ổn định tâm lý, tập trung ôn thi tốt nghiệp, nhiều trường THPT ở vùng khó Điện Biên đã vận động các em vào ở nội trú.

Một giờ ôn tập của cô và trò Trường THCS - THPT Quyết Tiến (huyện Tủa Chùa).
Một giờ ôn tập của cô và trò Trường THCS - THPT Quyết Tiến (huyện Tủa Chùa).

Đêm xuống, trường sáng đèn

Đều đặn mỗi tối, vào 19 giờ 30 phút là em Lò Chuyên Nữ, lớp 12A, Trường PTDTNT THPT huyện Điện Biên lại có mặt trên lớp tự học. Em không quên tự nhắc nhở mình phải đạt từ 8 điểm mỗi môn trở lên để có được cơ hội đỗ vào Học viện Hành chính Quốc gia.

Nữ chia sẻ: “Ban ngày chúng em học trên lớp, buổi tối sẽ tự hệ thống lại kiến thức đã học và nhờ thầy cô hỗ trợ, giải đáp những thắc mắc mà mình chưa hiểu. Những giờ học buổi tối là quỹ thời gian quý báu nên chúng em đều tự giác và cố gắng tận dụng hiệu quả”.

Theo cô Nguyễn Thị Quý, Trường PTDTNT THPT huyện Điện Biên cho biết: Do đặc thù là trường nội trú, đa phần các em đều ở tại chỗ nên việc tự học chiếm thời gian khá lớn. Thời điểm này, việc ôn thi đã bước vào giai đoạn nước rút. Bởi vậy, lên lớp vào buổi tối đã trở thành nề nếp đối với mỗi học sinh.

Giáo viên Trường THCS & THPT Tả Sìn Thàng hỗ trợ học sinh ôn luyện.
Giáo viên Trường THCS & THPT Tả Sìn Thàng hỗ trợ học sinh ôn luyện.

Để hỗ trợ ôn luyện hiệu quả, vào các buổi tối ngoài giờ giáo viên chủ nhiệm và bộ môn đều lên lớp. Mục đích nhằm định hướng, củng cố thêm nội dung kiến thức và giải đáp các thắc mắc, bài tập khó cho học sinh. Đây là nhiệm vụ hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện, xuất phát từ tình yêu thương và trách nhiệm với học trò.

“Mỗi lần ôn tập chúng tôi đều cố gắng tìm ra những điểm mới, điều thú vị để học sinh không nhàm chán. Ngoài ra, do lịch thi điều chỉnh lên sớm hơn so với mọi năm nên một số em lo lắng, ôn luyện khuya hoặc quá muộn. Lúc này, chúng tôi phải nắm bắt để động viên, tư vấn giúp các em phân bổ thời gian hợp lý, giữ gìn sức khỏe”, cô Quý tâm sự.

Năm học 2022 - 2023, Trường PTDT nội trú THPT huyện Điện Biên có 4 lớp 12, với 136 học sinh. Thầy Ngô Xuân Chính, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Thời gian này, nhà trường luôn sáng đèn vào các buổi tối. Không chỉ học sinh mà các thầy cô giáo giảng dạy lớp 12 đều có mặt, tập trung cho công tác ôn luyện.

“Chúng tôi bố trí giáo viên giảng dạy ở khối lớp 12 ôn thi các bộ môn sẽ lên hỗ trợ học sinh buổi tối. Đồng thời, phân công 30 thầy cô quản lý thay nhau trực để đốc thúc việc tự học cũng như giúp các em cân đối thời gian hợp lý, tránh làm ảnh hưởng sức khỏe. Đối với từng lớp, sẽ có sự phân công theo nhóm. Mỗi nhóm đều bố trí học sinh nhận thức tốt để hỗ trợ các bạn yếu hơn”, thầy Chính cho hay.

Giờ ôn luyện buổi tối của thầy và trò Trường THPT Trần Can.

Giờ ôn luyện buổi tối của thầy và trò Trường THPT Trần Can.

Không phải trường nội trú, song không khí ôn luyện vào buổi tối cũng diễn ra sôi nổi tại Trường THCS & THPT Tả Sìn Thàng (huyện Tủa Chùa). Mỗi tối, từ 19 giờ 30 phút đến 22 giờ 30 phút, học sinh khối 12 có mặt trên lớp, cùng nhau tự học.

Thầy giáo Trần Huy Hoàng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Năm học này, trường có 65 học sinh lớp 12 sẽ tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT. Vào giai đoạn “nước rút”, đội ngũ giáo viên các bộ môn thi sẽ tăng cường cho học sinh luyện đề. Trong đó, học sinh sẽ được phân theo từng nhóm để có hình thức ôn luyện, bổ sung kiến thức phù hợp.

“Các nhóm ôn luyện sẽ tập trung theo từng khu vực. Đối với nhóm học sinh có nguy cơ trượt tốt nghiệp, giáo viên bố trí thời gian ngoài giờ kèm cặp riêng để bù lấp lỗ hổng kiến thức. Việc học buổi tối đều trên tinh thần tự nguyện nên các em rất ý thức duy trì nền nếp, không cần giáo viên phải nhắc nhở”, thầy Hoàng cho hay.

Ngược xuôi lo chế độ

Ông Nguyễn Văn Đoạt, Giám đốc Sở GD&ĐT Điện Biên cho biết: Để giúp học sinh vững tin bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, Sở đã chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch ôn thi, tổ chức dạy học hiệu quả. Học đến đâu ôn tập củng cố kiến thức đến đó; chú trọng hướng dẫn học sinh tự học, tự nghiên cứu.

Đặc biệt, đối với những em học lực yếu, Sở yêu cầu các trường có cơ sở bán trú tổ chức ở tập trung để giáo viên bộ môn, chủ nhiệm kèm cặp, dạy phụ đạo. Hàng tuần các trường báo cáo kết quả học tập của các em về Sở GDĐT để tiếp tục có biện pháp ôn tập phù hợp.

Giáo viên, phụ huynh Trường THPT Phan Đình Giót chung tay nấu ăn cho học sinh.

Giáo viên, phụ huynh Trường THPT Phan Đình Giót chung tay nấu ăn cho học sinh.

Bám sát tinh thần chỉ đạo của ngành, ngay từ cuối tháng 5, nhiều trường THPT trên địa bàn đã vận động học sinh vào ở nội trú tập trung. Với Trường THPT Trần Can (huyện Điện Biên Đông), năm học này có 234 học sinh lớp 12. Thời điểm này, ngoại trừ số học sinh có gia đình gần trường, số còn lại đều ở nội trú.

Theo chia sẻ của thầy Hiệu trưởng Nguyễn Hữu Đà, do đóng chân tại huyện vùng cao nên trường có nhiều học sinh hoàn cảnh khó khăn, gia đình thiếu điều kiện chăm lo cho con em học tập, ôn luyện. Bởi vậy, đơn vị đã chủ động giao giáo viên chủ nhiệm khối 12 rà soát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của từng học sinh. Trên cơ sở đó có bố trí, sắp xếp phù hợp.

Hiện nay, toàn bộ học sinh có học lực yếu của trường đều được bố trí ăn, nghỉ tập trung tại chỗ để tăng cường ôn luyện. Đồng thời, giáo viên thường xuyên động viên, khích lệ các em ưu tiên học tập không chỉ trong thời gian chính khoá mà cả các buổi tối.

Bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng của học sinh lớp 12 Trường THPT Phan Đình Giót.

Bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng của học sinh lớp 12 Trường THPT Phan Đình Giót.

“Để thực hiện chủ trương này, nhà trường đã họp phụ huynh, trên tinh thần tự nguyện kêu gọi đóng góp kinh phí, thực phẩm, nguyên vật liệu… hỗ trợ. Mỗi thầy cô giáo phát huy tinh thần tự nguyện, đóng góp công sức tham gia ôn luyện miễn phí, đi chợ, vào bếp nấu ăn, phục vụ học trò của mình”, thầy Đà chia sẻ.

Tương tự, hiện nay hơn 80 học sinh lớp 12 tại Trường THCS & THPT Quyết Tiến (huyện Tủa Chùa) đều được bố trí ăn, nghỉ tại chỗ. Theo thầy Lê Hải Ninh, Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Theo quy định, đến hết ngày 31/5 là các em hết chế độ. Để lo bữa ăn, giấc ngủ cho các em, trường phải ngược xuôi lo bằng nhiều cách.

“Để có kinh phí bố trí ăn, nghỉ cho các em, chúng tôi đã tính toán, cân đối từ nguồn chế độ của học sinh dôi dư trong năm ra. Trên cơ sở này họp xin ý kiến phụ huynh để được sử dụng trong thời gian các em ôn thi tại trường. Trên thực tế thì vẫn còn thiếu khoảng 20 triệu đồng nữa. Ngoài việc phụ huynh đồng thuận đóng góp thêm, hiện nay trường cũng đang kêu gọi, tiếp nhận hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân từ thiện để các em được đảm bảo điều kiện tốt nhất”, thầy Ninh chia sẻ.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, tỉnh Điện Biên có 6.685 thí sinh tham gia dự thi. Trong đó, có 1.222 thí sinh thi để xét tuyển sinh cao đẳng, đại học; 4.834 thí sinh dự thi vừa để xét tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển cao đẳng, đại học và 629 em chỉ xét tốt nghiệp THPT.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.