Lưu ý quan trọng khi giáo viên dạy học, ôn tập Lịch sử thi trắc nghiệm

GD&TĐ - Thầy Nguyễn Thế Trung - giáo viên Trường THPT Trần Văn Bảy (Sóc Trăng) - chia sẻ những giải pháp trong dạy học, ôn tập Lịch sử, giúp giáo viên dạy học bộ môn đạt hiệu quả cao, đặc biệt khi môn này được thi theo hình thức trắc nghiệm.

Thầy Nguyễn Thế Trung và học sinh Trường THPT Trần Văn Bảy (Sóc Trăng) trong giờ học Lịch sử
Thầy Nguyễn Thế Trung và học sinh Trường THPT Trần Văn Bảy (Sóc Trăng) trong giờ học Lịch sử

Những vấn đề cần quan tâm khi giảng dạy

Để nâng cao hiệu quả dạy học Lịch sử, thầy Nguyễn Thế Trung cho rằng,giáo viên cần phối hợp để có biện pháp giáo dục phù hợp, giúp học sinh nâng cao ý thức học tập và thay đổi thái độ tích cực hơn đối với bộ môn Lịch sử.

Đồng thời, phải thường xuyên học hỏi, trao đổi kinh nghiệm và các tài liệu hay giữa các giáo viên cùng bộ môn trong và ngoài nhà trường.

Đầu tư chuẩn bị thật kĩ nội dung giảng dạy: giáo viên không chỉ dựa vào sách giáo khoa, sách giáo viên, chuẩn kiến thức mà cần nghiên cứu thêm nhiều tài liệu mở rộng và cập nhật các thông tin mới để bổ sung cho tiết dạy được “hấp dẫn” hơn đối với học sinh, nhất là những vấn đề có liên quan đến thực tế cuộc sống.

Thầy Nguyễn Thế Trung đồng thời nhấn mạnh việc soạn hệ thống câu hỏi trắc nghiệm theo từng bài, chương và cập nhật thêm câu hỏi từ các nguồn thông tin chính thống, giúp học sinh củng cố kiến thức một cách hiệu quả. Hệ thống câu hỏi này cần được phân chia theo các cấp độ (nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp và vận dụng cao) để có thể phân loại được học sinh từ đó giúp giáo viên lựa chọn phương pháp dạy phù hợp nhất với từng đối tượng học sinh.

Giáo viên hướng dẫn học sinh đọc thật kĩ sách giáo khoa vì phần lớn kiến thức trong bài thi đều lấy từ đây. Học sinh cần chủ động hơn trong việc khai thác và xử lý sách giáo khoa. Bởi đây là tài liệu căn bản, nền tảng tri thức của mọi đề thi và hình thức thi. Cùng với đó, phải hiểu bài và có khả năng tổng hợp, đánh giá, biết kết nối các vấn đề, suy luận để lựa chọn đáp án là có thể hoàn thiện bài thi.

Giáo viên cũng nên hướng dẫn học sinh nghiên cứu mở rộng và khai thác có chọn lọc các tài liệu từ nhiều nguồn thông tin trong quá trình học để các em chủ động tích lũy kiến thức.

Để thu hút sự chú ý của học sinh trong quá trình dạy học, theo thầy Nguyễn Thế Trung, giáo viên có thể thực hiện bằng nhiều cách khác nhau: sử dụng phương pháp dạy học phù hợp với nội dung bài và đối tượng học sinh để học sinh thích học; sử dụng tổng hợp nhiều phương pháp trong tiết dạy học; sử dụng hệ thống câu hỏi kích thích tư duy tăng dần của học sinh; ở mỗi tiết dạy chọn một nội dung thật hay để khai thác gây sự chú ý của học sinh; khai thác các tranh ảnh và bản đồ; sử dụng một số hiện vật lịch sử (trống đồng, tháp Chăm);…

Một điều không kém quan trọng là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình giảng dạy, nhất là việc dạy học Lịch sử bằng bài giảng điện tử giúp giáo viên hạn chế bớt phần thuyết giảng, có thời gian thảo luận và tăng cường kiểm soát đối với học sinh.

Bài giảng điện tử giúp đa dạng hoá việc cung cấp kiến thức cho học sinh thông qua các công cụ trình diễn, người giáo viên có thể cung cấp cho học sinh một khối lượng hình ảnh tư liệu, sơ đồ, lược đồ, đoạn phim minh hoạ tái hiện lại quá khứ giúp bài giảng thu hút được sự chú ý và tạo hứng thú cho học sinh và giờ học trở nên sôi nổi, sinh động hơn.

Giáo viên hướng dẫn để học sinh tự tổ chức học nhóm, trao đổi kinh nghiệm học tập, chia sẻ những tài liệu bộ môn mà các em sưu tầm được; soạn các đề mẫu để học sinh tham khảo hoặc các em có thể tự sưu tầm chuẩn bị cho các kì kiểm tra hoặc thi; tổ chức cho học sinh đi thực tế về các vấn đề có liên quan đến nội dung bài học sẽ tăng hứng thú tìm hiểu kiến thức lịch sử ở học sinh.

Lưu ý khi tổ chức và hướng dẫn học sinh ôn tập

Với nội dung này, thầy Nguyễn Thế Trung lưu ý cần ôn từng bài hoặc chương rồi đưa ra các câu hỏi trắc nghiệm để học sinh củng cố lại kiến thức ngay. Đây là bước đơn giản nhưng rất cần thiết và quan trọng vì những nội dung các em đã học trong một năm cần phải nhắc lại để nắm rõ hơn và sâu hơn các đơn vị kiến thức. Từ đó sẽ giúp học sinh làm bài đạt hiệu quả hơn.

Phân tích các dạng câu hỏi (các cách ra câu hỏi): theo như đề minh họa của Bộ GD&ĐT thì các câu hỏi trắc nghiệm Lịch sử có nhiều lựa chọn (A, B, C, D). Các câu hỏi này có thể được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau mà học sinh có thể sẽ dễ chọn nhầm đáp án, nên giáo viên cần hướng dẫn kĩ một số dạng câu cần lưu ý như sau:

Câu hỏi thuộc kiến thức cơ bản: đây là câu hỏi tương đối dễ, chỉ cần học sinh nắm kiến thức là có thể có ngay đáp án.

Ví dụ:Vào đầu năm 1945, Hội nghị Ianta được tổ chức ở nước nào?

A. Tại Liên Xô

B. Tại Mĩ.

C. Tại Anh.

D. Tại Pháp.

Câu hỏi về đặc điểm sự kiện: để trả lời được các câu hỏi này đòi hỏi học sinh phải nhớ đặc điểm hoặc bản chất của các sự kiện.

Ví dụ:Trong thời kì 1954 - 1975, phong trào nào là mốc đánh dấu bước phát triển của cách mạng ở miền Nam Việt Nam từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công?

A. “Đồng khởi”.                                                 

B. Phá “ấp chiến lược”.

C. “Thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công”.  

D. “Tìm Mỹ mà đánh, lùng ngụy mà diệt”.

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp 1946 – 1954, lần đầu tiên ta chủ động tấn công kẻ thù là chiến dịch nào sau đây?

A. Chiến dịch Việt Bắc thu – đông 1947.

B. Chiến dịch Biên giới thu – đông 1950.

C. Chiến dịch Hòa Bình đông – xuân 1951 – 1952.

D. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ 1954.

Câu hỏi đánh lừa suy nghĩa của học sinh: học sinh rất dễ bị mất điểm ở câu hỏi này nên cần đọc thật kĩ câu hỏi rồi tìm ra phương án trả lới phù hợp.

Ví dụ:Phong trào dân chủ 1936 - 1939 ở Việt Nam là một phong trào

A. có tính chất dân tộc.                              B. chỉ có tính dân chủ.

C. không mang tính cách mạng.                           D. không mang tính dân tộc.

Câu hỏi dễ nhầm lẫn: có một số nội dung kiến thức gần giống nhau nên nếu học sinh đọc quá nhanh sẽ hiểu sai ý của câu hỏi và dễ chọn đáp án không phù hợp.

Ví dụ:Ngay trong đêm 9/3/1945, khi Nhật đảo chính Pháp, Ban thường vụ Trung ương Đảng họp và nhận định tình hình như thế nào?

A. Cuộc đảo chính Nhật - Pháp gây ra một cuộc khủng hoảng chính trị đối với Nhật, làm cho tình thế cách mạng xuất hiện nhưng thời cơ chưa đến.

B. “Nhật- Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”

C.  Pháp sẽ ra sức chống lại Nhật.

D. Thời cơ cách mạng đã đến.

Điểm mới của Hội nghị tháng 5-1941 so với Hội nghị tháng 11-1939 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương là:

A. thành lập mặt trận thống nhất dân tộc rộng rãi để chống đế quốc.

B. đề cao nhiệm vụ giải phóng dân tộc, chống đế quốc và phong kiến.

C. giải quyết vấn đề dân tộc trong khuôn khổ từng nước ở Đông Dương.

D. tạm gác khẩu hiệu cách mạng ruộng đất, thực hiện giảm tô, giảm tức.

Câu hỏi có đáp án gần giống nhau: đây là những câu hỏi rất khó lựa chọn đáp án nếu học sinh không nắm chắc kiến thức.

Ví dụ:Bác Hồ đã ra đi tìm đường cứu nước vào ngày tháng năm nào và tại đâu?

A. Ngày 6 tháng 5 năm 1911 tại cảng Nhà Rồng – Sài Gòn.

B. Ngày 5 tháng 6 năm 1911 tại cảng Nhà Rồng – Sài Gòn.

C. Ngày 6 tháng 6 năm 1911 tại cảng Nhà Rồng – Sài Gòn.

D. Ngày 5 tháng 5 năm 1911 tại cảng Nhà Rồng – Sài Gòn.

Lí luận nào sau đây đã được cán bộ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên truyền bá vào Việt Nam?

A. Lí luận Mác - Lênin.                    

B. Lí luận đấu tranh giai cấp.

C. Lí luận cách mạng vô sản.           

D. Lí luận giải phóng dân tộc.

Câu hỏi chọn phương án trả lời đúng hoặc phương án trả lời sai: thường câu hỏi cho tìm phương án đúng, đôi khi có một số câu cho theo kiểu “nội dung nào sau đây không đúng trong …” sẽ khiến học sinh dễ chọn nhầm đáp án theo yêu cầu.

Ví dụ:Sự kiện nào sau đây không thuộc thời kì Cao trào kháng Nhật cứu nước?

A. Khởi nghĩa Ba Tơ.

B. Thành lập khu giải phóng Việt Bắc.

C. “Phá kho thóc Nhật giải quyết nạn đói”.

D. Phong trào phát triển mạnh ở Mĩ Tho và Hậu Giang.

Câu hỏi suy luận hoặc không có nội dung trong sách giáo khoa: có nhiều câu thuộc nội dung này nên đòi hỏi học sinh không chỉ có kiến thức sâu mà phải rộng mới có thể làm bài thi đạt điểm cao.

Ví dụ:Ba cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, Nam Kì, Binh biến Đô Lương đã để lại bài học kinh nghiệm lớn nhất nào?

A. Bài học kinh nghiệm về khởi nghĩa vù trang, về xây dựng lực lượng vũ trang và chiến tranh du kích.

B. Bài học về thời cơ trong khởi nghĩa giành chính quyền.

C. Bài học về xây dựng lực lượng vũ trang để chuẩn bị khởi nghĩa.

D. Bài học về sự phát triển chiến tranh du kích.

Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân do ai làm đội trưởng, lúc mới thành lập có bao nhiêu người?

A. Do đồng chí Võ Nguyên Giáp - Có 36 người.

B. Do đồng chí Trường Chinh - Có 34 người.

C. Do đồng chí Phạm Hùng - Có 35 người.

D. Do đồng chí Hoàng Sâm - Có 34 người.

Giáo viên cho học sinh làm một số đề mẫu sau khi đã hoàn thành chương trình ôn tập: học phải đi kèm với thực hành, giáo viên phải hướng dẫn học sinh tự mình làm nhiều đề thi thử, các bài tập mẫu để tích lũy kinh nghiệm làm bài, nâng cao kiến thức bản thân.

Qua kết quả làm các đề mẫu, học sinh có thể biết được khả năng của mình đạt mức nào để có hướng điều chỉnh và phấn đấu phù hợp.

Hình thức thi thay đổi bắt buộc cách dạy của giáo viên, cách học của học sinh và cách làm bài của các em phải thay đổi theo sao cho phù hợp nhất. Vì vậy phía giáo viên và học sinh cần có những định hướng mới, việc tổ chức và hướng dẫn học sinh ôn tập, làm bài thi trắc nghiệm cần thực hiện nghiêm túc và bài bản hơn - thầy Nguyễn Thế Trung.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ