Lưu ý ôn tập, làm bài Ngữ văn thi THPT quốc gia

GD&TĐ - Cô Nguyễn Thị Mỹ Dung - Tổ trưởng, giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Nguyễn Văn Hai (Trà Vinh) - chia sẻ kinh nghiệm ôn tập môn Ngữ văn và một số lưu ý cho học sinh khi làm bài thi môn này trong Kỳ thi THPT quốc gia.

Lưu ý ôn tập, làm bài Ngữ văn thi THPT quốc gia

Bám sát kiến thức cơ bản, chú ý đến mọi đối tượng học sinh

Là một giáo viên giỏi, bí quyết của cô Nguyễn Thị Mỹ Dung là chú ý tới mọi đối tượng học sinh, mục đích là làm sao để từ học sinh yếu đến khá giỏi đều nắm chắc kiến thức, kỹ năng cơ bản. Trong quá trình ôn, giáo viên yêu cầu học sinh xem lại văn bản trước; cần thuộc văn bản (nếu là thơ), nắm cốt truyện (nếu là văn bản truyện). Chú ý đến kiến thức nền đã học, như tác giả, hoàn cảnh sáng tác, ý nghĩa nội dung - nghệ thuật của văn bản. Sau đó, giáo viên ra đề, hướng dẫn học sinh lập dàn ý; tập cho học sinh viết đoạn mở bài và kết bài; chỉnh sửa cho học sinh sau khi các em nộp bài hoàn chỉnh.

Giáo viên có thể tìm văn bản là đoạn văn, truyện ngắn, thơ hoặc bài báo về vấn đề thời sự để đặt câu hỏi: Xác định thể loại, tìm biện pháp tu từ và nêu tác dụng của biện pháp tu từ đó, tìm thông điệp của văn bản, bài học rút ra từ văn bản… Mỗi ngày, giáo viên phát cho học sinh vài ngữ liệu và câu hỏi kèm theo, yêu cầu học sinh về nghiên cứu để đến lớp thảo luận; sau đó giáo viên chữa bài.

Với học sinh yếu, các lỗi sai nên được chỉ ra trên từng bài làm cụ thể, không nói chung chung; động viên các em nắm vững kiến thức cơ bản để tự trình bày vấn đề tốt nhất trong khả năng của mình. Với học sinh khá giỏi, giáo viên hướng dẫn các em đọc thêm sách báo, tài liệu để bài viết phong phú, sáng tạo.

Ngoài ra, giáo viên có thể đọc và phân tích thêm những văn bản, bài thơ hay, phân tích giúp học sinh hiểu viết như thế nào là tốt. Đồng thời, khuyến khích học sinh mạnh dạn hỏi khi chưa rõ kiến thức ngay ở trên lớp.

Giáo viên cũng cần rèn thêm cho học sinh về chính tả và yêu cầu chữ viết rõ ràng. Việc trình bày bài mạch lạc, chữ viết sạch, dễ nhìn là điểm cộng cho bài thi. Với không ít học sinh, để làm được điều này cần kiên trì; do đó, giáo viên chú ý nhắc nhở nếu học sinh trình bày ẩu, chữ quá to hay quá nhỏ, chữ thiếu nét…;

“Mỗi giáo viên có những kinh nghiệm riêng trong ôn tập cho học sinh hiệu quả; tuy nhiên dù thế nào cũng cần bám sát vào mục đích, yêu cầu của môn học, nhất là những yêu cầu về kiến thức và kỹ năng, gắn với những kiểu dạng đề bài thường gặp trong kỳ thi. Đồng thời, chú ý đến mọi đối tượng học sinh. Bản thân tôi luôn làm tư tưởng cho các học sinh trước khi ôn tập và không ép các em học một lúc quá nhiều; mỗi ngày giáo viên khắc sâu một số kiến thức, các em sẽ nhớ rõ và nhớ lâu” – cô Nguyễn Thị Mỹ Dung cho hay.

Lưu ý khi làm bài thi

Cô giáo Nguyễn Thị Mỹ Dung đang hướng dẫn ôn tập bài cho HS. Ảnh: LP
 Cô giáo Nguyễn Thị Mỹ Dung đang hướng dẫn ôn tập bài cho HS. Ảnh: LP

Về nội dung phần làm văn, muốn làm bài tốt, theo cô Nguyễn Thị Mỹ Dung, học sinh phải đọc kỹ văn bản trong sách giáo khoa. Nếu là văn bản thơ, phải thuộc thơ và nắm vững nội dung, nghệ thuật của câu thơ cũng như toàn bài. Nếu là văn bản nghị luận, cần nắm được các luận điểm, ý chính... Quy định nội dung đề thi chủ yếu trong chương trình lớp 12 chứ không phải hoàn toàn trong chương trình lớp 12, nên không thể bỏ qua kiến thức lớp 10 và 11.

Bên cạnh đó, học sinh cần nắm vững tác giả và hoàn cảnh sáng tác để mở bài vì đáp án luôn yêu cầu giới thiệu vài nét hoặc điểm nổi bật về tác giả và tác phẩm. Ngoài ra, việc nắm ý nghĩa các văn bản hoặc ghi nhớ, giúp học sinh kết bài đúng trọng tâm văn bản.

Với phần nghị luận, thí sinh đừng viết quá dài hoặc quá ngắn (khoảng 15 đến 20 dòng là vừa vì đề yêu cầu đoạn văn khoảng 200 chữ). Trong phần phát triển đoạn văn, cần chỉ ra vấn đề bàn luận, có ưu điểm và hạn chế để rút ra bài học cho bản thân.

Về hình thức, chú ý xuống dòng sau khi hoàn thành các phần mở bài, thân bài và kết bài. Mỗi khi xuống dòng, nhớ viết lùi đầu dòng. Nên viết mở bài và kết bài, mỗi phần là 1 đoạn văn. Riêng thân bài có thể viết thành 3 đến 4 đoạn văn tùy đề bài. Tuyệt đối không xuống dòng giữa đoạn văn.

Đối với phần đọc hiểu, thông thường gồm 4 câu hỏi (tổng điểm là 3). Phần này, học sinh nên dành khoảng vài phút đọc kỹ văn bản; từ đó bám sát để trả lời 4 câu hỏi và trả lời thật ngắn gọn, đúng câu hỏi, không dài dòng.

Câu 3 và 4 trong phần này nếu hỏi về thông điệp hoặc bài học, học sinh tự trả lời theo suy nghĩ. Tuyệt đối không được bỏ câu vì nếu bỏ thì chắc chắn thí sinh sẽ mất điểm; nhưng nếu nói, dù chỉ được tương đối, giáo viên cũng có thể tùy mức độ để cho điểm.

Một lưu ý quan trọng khác: Thí sinh làm bài khoa học theo thứ tự câu hỏi; vì các câu hỏi trong đề thường theo thứ tự từ dễ đến khó; có khi câu 2 có gợi ý từ câu 1 hoặc ngược lại. Khi hỏi theo tác giả thì trả lời phải bám vào văn bản cho đúng với câu hỏi. Nói cách khác, tốt nhất thí sinh cần bám sát câu hỏi và ngữ liệu đề cho.

Việc trình bày bài mạch lạc, chữ viết sạch, dễ nhìn là điểm cộng cho bài thi. Với không ít học sinh, để làm được điều này cần kiên trì; do đó, giáo viên chú ý nhắc nhở nếu học sinh trình bày ẩu, chữ quá to hay quá nhỏ, chữ thiếu nét…;

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ