Lưu ý học sinh ôn tập thi tốt nghiệp THPT giai đoạn nước rút

GD&TĐ - Chưa đầy 3 tuần nữa, thí sinh sẽ bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Trong giai đoạn nước rút này giải pháp ôn tập phù hợp là rất quan trọng.

Ảnh minh họa/ITN.
Ảnh minh họa/ITN.

Nắm chắc kiến thức nền, không học tủ

Lưu ý ôn tập với môn Hóa học, cô Trần Thị Vân Trang, giáo viên Trường THPT Phenikaa (Hà Nội) cho rằng: Nội dung thi tốt nghiệp THPT bao hàm trong chương trình học cả 3 lớp 10, 11, 12, nên học sinh cần hệ thống lý thuyết Hóa học một cách logic, như: dựa vào đặc điểm cấu tạo để suy ra các tính chất cơ bản, từ hóa tính của chất tiêu biểu, suy nghĩ để khái quát lên tính chất chung cho loại hợp chất đó.

“Cần học kĩ lí thuyết, hiểu rõ bản chất của các phản ứng hóa học chứ không chỉ đơn thuần học thuộc lòng một cách máy móc các công thức giải nhanh”. Cô Trang dặn dò và lưu ý, sau mỗi một dạng bài, học sinh nên xem lại một lượt bài mình vừa giải, rồi dựa trên cách làm đã đưa ra tìm xem phương pháp nào thích hợp, tiết kiệm thời gian nhất. Bên cạnh đó, nên ghi chú lại từng dạng vào bên cạnh bài của mình vừa giải để tiện hơn cho việc ôn luyện.

Học sinh có thể tham khảo, luyện tập từ đề thi mẫu, đề thi thử của một số trường THPT và đại học nổi tiếng. Nhưng nếu không ôn tập kĩ kiến thức nền tảng trước khi luyện đề thì việc luyện đề sẽ bị giảm hiệu quả. Học sinh có thể không cần học từng bài, thay vào đó nên học theo từng chương hoặc chuyên đề sẽ hiệu quả hơn.

Trong quá trình luyện đề, thay vì chỉ quan tâm mình đạt được bao nhiêu điểm, cô Trần Thị Vân Trang khuyên học sinh nên tập trung xem kĩ lại các câu đã làm sai, tìm ra các lỗi sai để chỉnh sửa và rút ra các lưu ý liên quan tới vùng kiến thức của câu đó. Cần xác định mục tiêu rõ ràng, phù hợp với năng lực của bản thân. Từ đó, tập trung thời gian vào các câu hỏi ở mức độ tương ứng, tránh việc mất thời gian cho những câu (phần kiến thức) quá khó. Ngoài ra, xây dựng một kế hoạch học tập phù hợp, đảm bảo sức khỏe là rất quan trọng, vì nếu sức khỏe không tốt sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới việc ôn tập, thi cử.

Với môn Sinh học, thầy Lê Trung Hiếu, Trường THPT Trần Đại Nghĩa (Cần Thơ) lưu ý học sinh trong quá trình ôn tập chú ý các dạng câu hỏi trắc nghiệm theo từ chủ đề; hệ thống kiến thức theo sơ đồ.

Khi giáo viên ôn tập học sinh nên nghiêm túc và chú ý các dạng bài tập điển hình để tránh nhầm lẫn trong quá trình làm bài thi. Ưu tiên làm những câu hỏi ở mức độ biết và hiểu trước để đạt điểm tuyệt đối ở những câu này. Về nhà, học sinh cần làm thêm các câu trắc nghiệm tương tự và xem lại những nội dung lí thuyết được thầy cô ôn tập trên lớp để nắm vững nội dung đã học.

Môn Vật lí, cô Trần Quỳnh Hương, Trường THPT Phenikaa (Hà Nội) nhắc nhở học sinh tránh học lệch, học tủ. Phần kiến thức trong đề thi sẽ có các nội dung Vật lí ở cả khối 10, 11 và 12, học sinh cần đọc kĩ đề, gạch chân các dữ liệu trong đề bài vì câu hỏi chỉ cần thay đổi một vài dữ liệu thì đáp án trả lời đã hoàn toàn khác.

Để ôn tập tốt, học sinh cần phân bổ thời gian biểu khoa học, học và ôn tập theo quá trình lâu dài, tránh sát giai đoạn thi mới học dồn, chỉ nhớ công thức, sẽ khó làm được các câu hỏi ở mức độ vận dụng và vận dụng cao.

Cô Nguyễn Ngọc Châu, Trường THPT Nguyễn Huệ (Châu Thành, Bến Tre) cũng nhấn mạnh học sinh cần vững kiến thức nền; nắm chắc kiến thức về các hiện tượng, bản chất, tính chất của các đại lượng, các trường hợp đặc biệt hay xảy ra. Cùng với đó, học sinh lưu ý cách suy luận từ công thức cơ bản ra các trường hợp liên quan; quan tâm hơn các bài tập định tính, bài toán có đáp án là các biểu thức.

Ảnh minh họa/ITN.

Ảnh minh họa/ITN.

Lập bảng kiến thức, sử dụng sơ đồ tư duy

Chia sẻ kinh nghiệm ôn tập môn Lịch sử, thầy Nguyễn Hữu Minh, Trường THPT Nguyễn Huệ (Châu Thành, Bến Tre) cho rằng, dựa trên cơ sở đề tham khảo, giáo viên phân tích cấu trúc ma trận, nội dung đề để định hướng nội dung ôn tập. Soạn hệ thống câu hỏi, hệ thống bài tập theo từng chủ đề và theo bộ đề, các mức độ tối thiểu cần đạt được trong mỗi phần, giúp học sinh dễ hiểu, dễ tiếp thu nhất trong quá trình ôn tập.

Giáo viên hướng dẫn học sinh ôn tập bằng các phương pháp cơ bản như lập bảng kiến thức, sử dụng sơ đồ tư duy,.. Giao bài tập trắc nghiệm trực tuyến với số câu hỏi ít ở mức độ thông hiểu, nhận biết cho học sinh thực hiện… Kết hợp hướng dẫn học sinh tự học, tự ôn tập theo nhóm.

Đối với học sinh yếu, xây dựng kế hoạch hỗ trợ, giúp học sinh hệ thống hoá kiến thức nhằm giúp các em nắm được nội dung cốt lõi nhất của bài học. Cho học sinh giải đề tham khảo để làm quen với cấu trúc đề thi, nhằm đánh giá mức độ kiến thức tính tới thời điểm hiện tại, đưa ra dự đoán khả năng của bản thân. Qua đó, giúp học sinh điều chỉnh phương pháp học, cách thức học phù hợp để đạt được kết quả tốt.

Với môn Địa lí, cô Nguyễn Thị Hồng Trang, Trường THPT Nguyễn Huệ (Châu Thành, Bến Tre) lưu ý học sinh tận dụng tốt lợi thế từ Atlat. Cụ thể, trong đề tham khảo có đến 15 câu Atlat, nên tập trung ôn kỹ năng này, nhất là các học sinh yếu.

Với phần thực hành kỹ năng Địa lí, điểm mới là những câu hỏi sử dụng Atlat năm nay đề bài không ghi rõ số trang, chỉ ghi tên trang Atlat học sinh cần sử dụng. Để khai thác tốt và nhanh tài liệu này, yêu cầu học sinh cần nắm chắc nội dung thể hiện của mỗi trang Atlat.

Ở phần biểu đồ và bảng số liệu không có dạng bài mới, theo cô Nguyễn Thị Hồng Trang, học sinh vẫn phải có kĩ năng tính toán cơ bản để nhận xét biểu đồ và bảng số liệu. Ngoài ra, học sinh cần nắm vững đặc trưng của các dạng biểu đồ để nhận dạng và gọi tên chính xác biểu đồ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.