Lưu ý ôn tập, làm bài thi tốt nghiệp THPT môn Công nghệ - Công nghiệp

GD&TĐ - Năm 2025, lần đầu môn Công nghệ được đưa vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Cách ôn tập, làm bài thi môn này hiệu quả là điều nhiều thí sinh quan tâm.

Thầy Trang Minh Thiên và học sinh Trường THPT Nguyễn Việt Dũng trong giờ Công nghệ - Công nghiệp.
Thầy Trang Minh Thiên và học sinh Trường THPT Nguyễn Việt Dũng trong giờ Công nghệ - Công nghiệp.

Dưới đây là lời khuyên thầy Trang Minh Thiên - Tổ trưởng chuyên môn tổ Công nghệ - Tin học, Trường THPT Nguyễn Việt Dũng (TP.Cần Thơ) giúp thí sinh ôn tập, làm tốt bài thi tốt nghiệp THPT môn Công nghệ - Công nghiệp.

Cần hiểu rõ cấu trúc, định dạng và phạm vi kiến thức của đề thi

Để chuẩn bị tốt nhất cho môn học này trước Kỳ thi, thầy Trang Minh Thiên cho rằng, trước hết thí sinh cần hiểu rõ cấu trúc, định dạng và phạm vi kiến thức của đề thi.

Cụ thể, cấu trúc, định dạng đề thi môn Công nghệ gồm 2 phần. Phần I: Câu trắc nghiệm nhiều phương án lựa chọn với 24 câu - 24 lệnh hỏi, mỗi câu có 4 phương án trả lời). Phần II: Câu trắc nghiệm đúng sai với 4 câu - 16 lệnh hỏi, mỗi câu gồm 4 lệnh hỏi, mỗi lệnh hỏi thí sinh chọn đúng hoặc sai.

Nội dung kiến thức trong đề thi môn Công nghệ - công nghiệp được trải dài và xuyên suốt từ lớp 10 đến lớp 12. Trong đó, lớp 10 có 4 câu được chia phân bố ở cả 3 phần của chương trình: Đại cương - khái quát về công nghệ, Vẽ kỹ thuật và thiết kế kỹ thuật.

Lớp 11 có 4 câu được phân bố ở 2 nội dung về Cơ khí chế tạo và Cơ khí động lực đều tập trung vào phần I của đề thi.

Lớp 12 có 16 câu ở phần I và 4 câu ở phần II được chia đều cho 2 mạch nội dung chính là Công nghệ điện và Công nghệ điện tử.

Lộ trình ôn tập chắc chắn và khoa học

Đối với nội dung đề thi khá nhiều và trải dài từ lớp 10 đến lớp 12, thầy Trang Minh Thiên lưu ý thí sinh cần phải có lộ trình ôn tập thật khoa học và chắc chắn.

Đối với lớp 10, ngoài các nội dung về lý thuyết từ sách giáo khoa, thí sinh cần phải biết vận dụng kiến thức vào thực tiễn của các công nghệ mới như công nghệ Internet vạn vật (IoT), công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ in 3D,…

Riêng đối với nội dung Vẽ kỹ thuật thí sinh đảm bảo chắc các kỹ năng theo yêu cầu cần đạt: Vẽ được hình chiếu vuông góc; hình cắt, mặt cắt; hình chiếu trục đo của vật thể đơn giản.

Đối với lớp 11, thí sinh phải nắm rõ các loại vật liệu, tính chất cơ bản của vật liệu cơ khí và bản chất của các phương pháp gia công cơ khí như: Gia công đúc, rèn, hàn, tiện, phay, khoan,… và ứng dụng của các phương pháp này trong gia công các sản phẩm trong thực tiễn.

Trong phần cơ khí động lực, thí sinh cần nắm được khái quát chung về hệ thống cơ khí động lực và giải thích được nguyên lý làm việc và các cơ cấu, hệ thống của động cơ đốt trong,…

Đặc biệt, chương trình lớp 12 chiếm khoảng 80% nội dung và điểm số của đề thi, đòi hỏi thí sinh phải học tập và ôn tập thật chắc kiến thức, cụ thể:

Công nghệ điện gồm các nội dung: Khái quát về kỹ thuật điện, hệ thống điện quốc gia, hệ thống điện trong gia đình và an toàn tiết kiệm điện năng.

Công nghệ điện tử: Khái quát về kỹ thuật điện tử, linh kiện điện tử, điện tử tương tự, điện tử số, vi điều khiển.

Ngoài lượng kiến thức được cung cấp trong các bộ sách giáo khoa, thí sinh cần phải có những liên hệ thực tiễn nhất định trong cuộc sống để khám phá kiến thức và tự tin trong xử lý tình huống thực tiễn có trong đề thi: Các thiết bị điện trong gia đình (aptomat, cầu dao điện, cầu chì, công tơ điện,…), các loại bóng đèn điện (LED, huỳnh quang, sợi đốt,…), các loại đồ dùng điện (nồi cơm điện, bình đun siêu tốc, máy lạnh, máy giặt,…các loại dây dẫn điện thông dụng,…

Riêng phần Công nghệ điện tử, đòi hỏi thí sinh phải ôn luyện thường xuyên và tư duy logic để có thể nhận dạng các mạch điện tử, giải thích các chức năng của các mạch điện tử, vi điều khiển và tính toán các phép toán logic,…

Song, quan trọng hơn hết là thí sinh không nên học tủ, bỏ bài và nên đọc hết nội dung của 2 bộ sách giáo khoa để tập trung ôn những nội dung thống nhất giữa 2 bộ sách đảm bảo theo yêu cầu cần đạt của chương trình.

Cụ thể về lộ trình ôn tập, thầy Trang Minh Thiên nhắc đến đầu tiên việc cần đọc và phân tích đề tham khảo do Bộ GD&ĐT công bố; từ đó xác định rõ những chủ đề trọng tâm cần ôn, chia nhỏ thời gian cho từng phần một cách hợp lý.

Thứ hai, thí sinh phải tham gia đầy đủ các giờ ôn tập được nhà trường bố trí và thực hiện đúng với lộ trình học tập được giáo viên hướng dẫn.

Thứ ba, dành thời gian tự học, tự luyện đề ôn tập để giúp bản thân phát hiện được những lổ hổng kiến thức và kịp thời bổ sung để nắm vững.

Thứ tư, thí sinh nên đọc lại các bộ sách của môn học để chắt lọc lại kiến thức trọng tâm được thống nhất trong các bộ sách và bám vào yêu cầu cần đạt để ôn tập.

Thứ năm, cần giữ gìn sức khoẻ, tâm lý thoải mái và tự tin với định hướng mình đã chọn. Đó chính là chìa khóa giúp học sinh vững bước trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.

Kỹ năng làm bài thi

Kỹ năng làm bài tại phòng thi cũng là điều hết sức quan trọng. Theo thầy Trang Minh Thiên, thí sinh phải thật bình tĩnh, tự tin. Đầu tiên, thí sinh đọc nhanh toàn bộ đề một lượt, xác định, tích chọn các câu dễ, biết làm trước. Sau đó, đọc lại các câu khó hơn, tư duy hơn và cẩn thận xác định từ khóa trong câu hỏi, loại trừ các phương án sai trước; làm từ dễ đến khó, không sa lầy vào một câu.

Đối với câu hỏi dạng trắc nghiệm đúng sai, thí sinh cần có kỹ năng phân tích tình huống/bối cảnh thực tiễn trong câu hỏi. Trước tiên phải đọc được hình ảnh (nếu có trong câu hỏi) và đọc đáp án để xem xét nhận định, sau đó đọc kỹ và phân tích bối cảnh chặt chẽ rồi mới đưa đến lựa chọn cuối cùng cho mỗi nhận định trong câu hỏi. Cuối cùng, các thí sinh cần kiểm tra kỹ bài làm trước khi nộp.

Trong suốt quá trình ôn tập, làm bài thi, thí sinh cần giữ được tâm lý thoải mái, không bị căng thẳng. Đừng quên duy trì chế độ nghỉ ngơi hợp lý, đảm bảo sức khỏe để làm bài thi hiệu quả.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Kỳ họp lịch sử

GD&TĐ - Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV với nhiều nội dung quan trọng, là kỳ họp lịch sử quyết định những vấn đề lịch sử trong giai đoạn mới...