Lưu học sinh nước ngoài được Việt Nam quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất

GD&TĐ - Ngày 19/8, tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết công tác tiếp nhận, đào tạo, quản lý lưu học sinh nước ngoài giai đoạn 2016 - 2021 và phương hướng thực hiện giai đoạn 2022 - 2030.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc phát biểu khai mạc hội nghị.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc phát biểu khai mạc hội nghị.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc dự và chỉ đạo hội nghị. Cùng dự có Ngài Chay Navuth - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Campuchia tại Việt Nam; Ngài Khamphan Khamone - Tham tán Văn hoá, Giáo dục nước CHDCND Lào tại Việt Nam; đại diện các cơ sở giáo dục đại học; đại diện lãnh đạo các vụ cục thuộc Bộ GD&ĐT…

Tăng cường hội nhập quốc tế trong giáo dục

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc khẳng định hội nhập quốc tế của giáo dục Việt Nam đang diễn ra ngày càng sâu rộng và đã đem lại những thành tựu đáng kể trong việc hiện đại hoá, quốc tế hoá hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, trong đó công tác đào tạo quốc tế được xem là một trong những nội dung chiến lược.

Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến sự phát triển hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo nói chung và công tác đào tạo quốc tế nói riêng, các điều ước quốc tế, hiệp định, thỏa thuận hợp tác về giáo dục và đào tạo đều có nội dung cụ thể về khuyến khích việc trao đổi, thu hút học sinh, sinh viên nước ngoài sang học tập tại Việt Nam.

Thứ trưởng cho biết, Bộ GD&ĐT đã tham mưu, xây dựng các cơ chế chính sách về phát triển giáo dục quốc tế, triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ quảng bá giáo dục Việt Nam với thế giới, qua đó thúc đẩy việc thu hút sinh viên quốc tế đến Việt Nam học tập.

Bên cạnh đó, những năm gần đây tự chủ đại học được thúc đẩy mạnh mẽ, các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) đã tích cực thay đổi nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy tiên tiến, tiếp cận với chuẩn đào tạo và chương trình đào tạo quốc tế. Đây là những yếu tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và thu hút lưu học sinh (LHS) nước ngoài.

Toàn cảnh hội nghị.

Toàn cảnh hội nghị.

Theo Thứ trưởng, LHS nước ngoài được các cơ sở GDĐH Việt Nam quan tâm, tạo mọi điều kiện tốt nhất về vật chất và tinh thần nhằm đảm bảo thuận lợi về nơi ăn, ở, học tập và sinh hoạt, giúp LHS nhanh chóng hòa nhập.

Đặc biệt, trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, các cơ sở giáo dục đại học đã có nhiều hỗ trợ thiết thực về vật chất, tinh thần và chuyên môn giúp LHS vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành chương trình đào tạo, đảm bảo cả về chất lượng và tiến độ. Qua đó tạo được ấn tượng sâu sắc, tình cảm tốt đẹp của sinh viên nước ngoài đối với đất nước, con người và giáo dục đại học Việt Nam.

Thay mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đánh giá cao và biểu dương những kết quả tích cực của các cơ sở GDĐH trong công tác đào tạo, tiếp nhận và quản lý LHS nước ngoài. Thứ trưởng đồng thời gửi lời cảm ơn sự quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ và hợp tác của các bộ, ban ngành trung ương và địa phương đối với công tác hội nhập quốc tế trong giáo dục nói chung, với công tác đào tạo LHS nước ngoài nói riêng.

Trong giai đoạn 2022 - 2030, về phía Bộ GD&ĐT và các cơ quan liên quan, Thứ trưởng đề nghị cần rà soát và hoàn thiện các cơ chế chính sách liên quan đến thu hút, đào tạo, quản lý người nước ngoài học tập tại Việt Nam, trong đó có các chính sách về visa, bảo hiểm y tế, học bổng cho LHS nước ngoài.

Tăng cường ký kết các văn bản thỏa thuận, điều ước quốc tế liên quan đến việc trao đổi học sinh, sinh viên tạo khung pháp lý thúc đẩy việc thu hút LHS nước ngoài đến học tập tại Việt Nam.

Các cơ sở GDĐH cần nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo, phát triển thêm nhiều chương trình chất lượng cao phù hợp với nhu cầu người học, đa dạng ngôn ngữ giảng dạy, trong đó chú trọng các chương trình giảng dạy tiếng Việt hoặc giảng dạy bằng tiếng Anh. Tăng cường quảng bá hình ảnh GDĐH Việt Nam, các cơ sở GDĐH và các chương trình đào tạo của Việt Nam ra thế giới.

Ngài Chay Navuth, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Campuchia tại Việt Nam.

Ngài Chay Navuth, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Campuchia tại Việt Nam.

Quá trình quốc tế hóa giáo dục

Theo ông Nguyễn Hải Thanh, Phó cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế (Bộ GD&ĐT), LHS nước ngoài sang học tập tại Việt Nam được chia thành 2 diện: Hiệp định và ngoài Hiệp định. Các hình thức đào tạo LHS nước ngoài gồm đào tạo dài hạn (trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ); liên kết đào tạo giữa các cơ sở GDĐH Việt Nam và nước ngoài; đào tạo ngắn hạn.

Hiện nay, đa phần LHS nước ngoài học tập tại Việt Nam bằng tiếng Việt (đặc biệt là các chương trình dài hạn), một phần học bằng tiếng Anh và một số lượng nhỏ học bằng các ngôn ngữ khác như tiếng Pháp, Trung Quốc.

Trong giai đoạn 2016 - 2021, có 18 thỏa thuận và điều ước quốc tế có hiệu lực làm căn cứ cho việc tiếp nhận LHS nước ngoài diện Hiệp định. Theo đó, bình quân mỗi năm phía Việt Nam tiếp nhận khoảng 2 nghìn LHS nước ngoài diện Hiệp định tùy thuộc vào kế hoạch cụ thể từng năm và số lượng thực tế phía đối tác gửi sang.

155 cơ sở giáo dục tiếp nhận, đào tạo 45 nghìn LHS nước ngoài đến từ 102 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó khoảng 12 nghìn LHS Hiệp định (chiếm 26,6% tổng số LHS nước ngoài học tập tại Việt Nam), 33 nghìn LHS ngoài Hiệp định (chiếm 73,4%). Trung bình hàng năm có từ 4.000 đến trên 6.000 LHS được tiếp nhận mới vào Việt Nam (năm 2019 đông nhất với trên 6.300).

Riêng 2 năm 2020, 2021 chỉ có khoảng 3 nghìn LHS được tiếp nhận mới trong mỗi năm. Như vậy trong thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, số lượng LHS nước ngoài học tập tại Việt Nam đã giảm nhiều.

Giai đoạn 2016-2021, LHS nước ngoài học tập tại khoảng 150 cơ sở GDĐH, nhiều cơ sở GDĐH hàng đầu của Việt Nam, từ đó tạo lập môi trường học tập đa văn hóa, góp phần thúc đẩy quốc tế hóa GDĐH. Các cơ sở giáo dục thu hút được nhiều LHS (trên 1.000) và đa dạng quốc tịch như: ĐH Quốc gia Hà Nội (74 quốc tịch); ĐH Quốc gia Tp.HCM (47), Trường ĐH Hà Nội (44), ĐH Huế (38), ĐH Thái Nguyên (29), ĐH Đà Nẵng (13).

Lưu học sinh Lào theo đuổi ngành Y học tại Việt Nam. Ảnh: Đặng Tài.

Lưu học sinh Lào theo đuổi ngành Y học tại Việt Nam. Ảnh: Đặng Tài.

Việc tổ chức đào tạo chuyên môn trình độ đại học cho LHS nước ngoài được thực hiện nghiêm túc theo đúng quy chế của Bộ GD&ĐT. LHS nước ngoài được tổ chức đào tạo bình thường như đối với sinh viên trong nước. Trong quá trình học chuyên ngành, nhiều cơ sở GDĐH tiếp tục tổ chức bồi dưỡng tiếng Việt nâng cao cho các LHS, tìm nguồn hỗ trợ học phí, học bổng cho LHS.

Theo khu vực địa lý, LHS Lào chiếm tỷ lệ lớn nhất 66,71%, tiếp đến là LHS từ Châu Á (không bao gồm Lào, Campuchia): 17,29%, Campuchia: 11,6%, Châu Âu: 2,6%, Châu Phi: 0,83%, Châu Đại Dương: 0,36%, Châu Mỹ 0,26%.

Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo đối với LHS nước ngoài đang học chính thức, một số cơ sở GDĐH có chủ trương hỗ trợ, bổ sung và bồi dưỡng thêm kiến thức chuyên ngành cho LHS thông qua các hình thức phụ đạo, học chuyên đề bổ sung, chuyên đề tự chọn.

Nhận thấy tiếng Việt là rào cản đối với học chuyên ngành, một số cơ sở đào tạo đã tổ chức dạy tiếng Việt nâng cao thay thế môn ngoại ngữ. Một số cơ sở giáo dục đã thay thế môn Triết học bằng môn Văn hóa Việt Nam, các môn như Chính trị, giáo dục quốc phòng được thay thế bằng môn Tiếng Việt;

Nhìn chung, trong giai đoạn 2016 - 2021, công tác tiếp nhận, đào tạo và quản lý LHS nước ngoài trong các cơ sở GDĐH đã có nhiều đóng góp: Góp phần thúc đẩy việc nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở GDĐH, là động lực để các trường tích cực đổi mới chương trình đào tạo. Tạo lập môi trường học tập đa văn hóa, thúc đẩy quá trình quốc tế hoá GDĐH, đưa giáo dục Việt Nam ra thế giới và đưa thế giới đến Việt Nam. Góp phần tạo thêm nguồn thu cho các cơ sở GDĐH.

Tuy nhiên, công tác tiếp nhận, đào tạo, quản lý LHS nước ngoài còn một số hạn chế. LHS nước ngoài đến Việt Nam học tập chưa phải là những đối tượng tinh hoa; LHS nước ngoài theo học các chương trình bằng ngoại ngữ khác như tiếng Anh còn khiêm tốn, tập trung nhiều ở các chương trình đào tạo ngắn hạn. Việc thu hút và đào tạo LHS nước ngoài trong nhiều cơ sở GDĐH còn chưa được chú trọng…

Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ GD&ĐT xác định hai mục tiêu cụ thể trong phạm vi công tác tiếp nhận, đào tạo, quản lý LHS nước ngoài.

Thứ nhất, góp phần nâng cao chất lượng và quốc tế hóa giáo dục đại học Việt Nam, tăng cường giao lưu văn hóa và học thuật quốc tế.

Thứ hai, đẩy mạnh công tác thu hút sinh viên quốc tế, nâng cao số lượng và chất lượng chương trình đào tạo quốc tế. Phấn đấu đạt chỉ số sinh viên quốc tế là 1,2 vào năm 2025 và 1,7 vào năm 2030.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.