Israel: Giáo viên bỏ nghề vì lương không đủ sống

GD&TĐ -Mức lương thấp nhưng khối lượng công việc lớn khiến giáo viên, trong đó có nhiều người trẻ tại Israel, bỏ nghề, dẫn đến thiếu hụt số lượng lớn giáo viên trên cả nước.

Israel thiếu gần 6 nghìn giáo viên trước thềm năm học mới.
Israel thiếu gần 6 nghìn giáo viên trước thềm năm học mới.

Điều này đặt ra bài toán bổ sung gấp nguồn nhân lực cho các trường phổ thông trước thềm năm học mới.

Thiếu hàng nghìn giáo viên

Đối với chị Chen Peleng, sống tại Israel, trở thành giáo viên là ước mơ từ nhỏ, khi vẫn là cô bé đang tò mò tìm hiểu thế giới xung quanh.

“Giáo viên Israel phải luôn ý thức về mục tiêu công việc của mình. Họ là những người giáo dục, trao truyền kiến thức, kỹ năng cho trẻ em – thế hệ tương lai của đất nước. Không chỉ giảng dạy, mỗi thầy cô giáo cần đem lại sự khác biệt và dẫn dắt mỗi đứa trẻ đến với thành công”, chị Peleng bày tỏ.

Đến khi trở thành giáo viên Tiếng Anh, chị Peleng vẫn say sưa với nghề, với trò. Nhưng áp lực từ chính sách đãi ngộ, mức lương cùng khối lượng công việc khổng lồ đè nặng trong nhiều năm công tác khiến Peleng quyết định nghỉ việc.

Câu chuyện của Peleng là tiếng nói chung của nhiều giáo viên trẻ ở Israel, những người bắt đầu sự nghiệp giáo dục với mong ước giúp học sinh thành công nhưng cuối cùng rơi vào chán nản, thất vọng đến mức phải nghỉ việc.

Ẩn sau quyết định này là lớp lớp sóng ngầm, vốn đã xuất hiện trong ngành Giáo dục Israel nhiều năm qua, nhưng hiện nay dẫn đến vấn đề nghiêm trọng hơn. Đó là tình trạng thiếu giáo viên trên toàn quốc.

Ngày 24/7, chỉ 6 tuần trước khi khai giảng năm học mới, Bộ Giáo dục Israel cho biết cả nước thiếu gần 6 nghìn giáo viên, chủ yếu trong các cơ sở giáo dục nằm tại trung tâm đất nước. Khi chia theo cấp học, số lượng thiếu hụt nhiều nhất ở các trường tiểu học với khoảng 2.351 giáo viên.

Theo thống kê, cả nước thiếu 871 giáo viên Tiếng Anh, 352 giáo viên Toán, 329 giáo viên tiếng Do Thái... cùng nhiều chuyên gia giáo dục, giáo viên ở các bộ môn. Khu vực Tel Aviv đối mặt với sự thiếu hụt lớn nhất với khoảng 1.847 giáo viên.

Ông Yaffa Ben David, Tổng Thư ký Liên đoàn Giáo viên Israel nhận định: “Hệ thống giáo dục Israel đang rơi vào tình trạng sụp đổ. Nếu ngành giáo dục không sớm giải quyết vấn đề thiếu giáo viên, năm học mới sẽ không thể bắt đầu vào tháng 9 như dự kiến. Cuối cùng người chịu thiệt thòi sẽ là phụ huynh, học sinh”.

Vào tháng 6, các trường học tại Israel phải đóng cửa khi giáo viên Israel đình công nhằm phản đối tình trạng lương thấp – sự kiện được đánh dấu là đỉnh điểm tranh cãi giữa Liên đoàn Giáo viên và chính phủ về vấn đề trả lương cho người lao động.

Theo số liệu của Bộ Tài chính Israel, mức lương trung bình của giáo viên mới là 5.287 NIS/tháng (khoảng 35,7 triệu đồng). Giáo viên nhiều thâm niên làm việc có thể nhận mức lương là 20 nghìn NIS/tháng (khoảng 135 triệu đồng). Tuy nhiên, một giáo viên có thể mất nhiều thập kỷ để đạt được mức lương này.

Đơn cử, mức lương của chị Peleng là 7.000 NIS (khoảng 46 triệu đồng) nhưng số tiền này không đủ chi trả sinh hoạt phí của gia đình, đặc biệt khi giá cả tăng vọt trong nửa đầu năm 2022.

Nữ giáo viên nhận định mức lương thấp khiến nhiều giáo viên rời bỏ nghề và chuyển sang các công việc yêu cầu trình độ học vấn tương tự nhưng mức lương cao hơn. Cũng vì lý do này, việc chiêu mộ tài năng trẻ cho ngành sư phạm là rất khó khăn.

Giáo viên Israel áp lực vì khối lượng công việc nặng nề.

Giáo viên Israel áp lực vì khối lượng công việc nặng nề.

Giải quyết bài toán còn bỏ ngỏ

Đồng cảm với tình cảnh của Peleg, ông Ruti, hiệu trưởng một trường phổ thông danh tiếng tại Jerusalem, nhận định nghề sư phạm không được tôn trọng ở Israel. “Mức lương thấp của giáo viên Israel liên quan trực tiếp đến sự thiếu coi trọng nghề nghiệp này”, ông Ruti khẳng định.

Tuy nhiên, vấn đề lương thấp không phải mối quan tâm duy nhất của nhiều giáo viên. Đối với Peleg, công việc đòi hỏi yêu cầu cao nhưng thiếu đánh giá công tâm với công sức của các nhà giáo cũng là yếu tố khiến nữ giáo viên quyết định nghỉ việc.

Sau một ngày tại trường và dọn dẹp nhà cửa, đến tối muộn, Peleg tiếp tục ngồi vào bàn làm việc để soạn giáo án, chấm điểm cho học sinh và làm bài tập cho các khóa bồi dưỡng nâng cao chuyên môn.

Khối lượng công việc lớn vốn đã gây ảnh hưởng đến sức khoẻ tâm thần của Peleg, nhưng nữ giáo viên còn phải đối mặt với áp lực từ phụ huynh và ban giám hiệu. Khi kết quả học tập của học sinh kém hoặc các em gặp khúc mắc ở trường, Peleg sẽ là người đầu tiên bị đổ lỗi.

Nhiều áp lực dồn nén khiến giáo viên buộc phải đi đến lựa chọn xấu nhất – nghỉ việc. Điều đáng lo ngại đằng sau tình trạng thiếu giáo viên là thành tích học tập của học sinh giảm sút.

Trong các bài kiểm tra quốc tế tiêu chuẩn, kết quả của học sinh Israel luôn ở mức thấp so với các quốc gia thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Trước tình cảnh trên, các công đoàn giáo viên đã yêu cầu tăng 44% lương cho giáo viên mới và 20% cho các nhà giáo có thâm niên. Tuy nhiên, Bộ Tài chính đã từ chối bình luận về kiến nghị trên.

Theo lý giải, Bộ Tài chính cho biết phải kiềm chế việc tăng lương cho giáo viên có thâm niên vì việc này ảnh hưởng đến ngân sách quốc gia; đồng thời, Bộ Tài chính yêu cầu việc tăng lương cần song song với cải cách sâu rộng hệ thống giáo dục.

Nếu chỉ tăng lương, vấn đề chất lượng của ngành Giáo dục chưa thể đảm bảo tuyệt đối. Các công đoàn giáo viên cho đến nay đã bác bỏ những đề xuất này, yêu cầu nâng mức lương trước khi giải quyết các vấn đề liên quan.

Ngoài ra, các trường phổ thông đã sáng tạo bằng cách chiêu mộ giáo viên là nhân viên các tổ chức tôn giáo, tình nguyện viên người Israel trên khắp thế giới. Dù không phải nhân viên chính thức, họ sẽ kịp thời hỗ trợ các trường đứng lớp khi có giáo viên bỏ tiết hoặc đình công thông qua mô hình dạy trực tuyến. Tuy nhiên, về lâu dài, các trường vẫn cần quan tâm nâng cao số lượng lẫn chất lượng giáo viên chính thức.

“Chúng tôi đã cảnh báo gần 2 năm qua rằng số lượng giáo viên rời bỏ hệ thống giáo dục ngày càng cao. Điều này xảy ra do giáo viên quá mệt mỏi với khối lượng công việc khổng lồ nhưng mức lương thấp. Chúng tôi đang đối mặt với đỉnh điểm thiếu hụt nguồn nhân lực sư phạm. Vấn đề này đã bắt đầu trong vài năm và đang gây nguy hiểm nghiêm trọng cho tương lai của hệ thống giáo dục Israel”, Tổng thư ký Liên đoàn Giáo viên Israel Yaffa Ben David cho biết.

Theo JT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.