Luôn giữ ngọn lửa đam mê dạy học

GD&TĐ - Từng đoạt giải Nhất cấp thành phố Hội thi Giáo viên dạy giỏi môn Giáo dục công dân do Sở GD&ĐT Hà Nội và được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt việc tốt” nhưng thầy Nguyễn Hồng Sơn – giáo viên Trường THPT Mê Linh (Hà Nội) chưa bao giờ hài lòng với những thành tích mà mình đã đạt được. 

Luôn giữ ngọn lửa đam mê dạy học

Không bao giờ thầy cho phép mình “ngủ quên” trên chiến thắng bởi phía trước vẫn còn rất nhiều việc phải làm, mà trên hết là dạy học thật tốt để có những học trò tốt và công dân tốt.

Dạy học bằng phương pháp chứng minh ngược

Sinh năm 1977, hiện thầy Nguyễn Hồng Sơn là chi ủy viên, Tổ trưởng tổ chuyên môn và là giáo viên môn Giáo dục công dân gần 20 năm. Nhiều người nói, thầy Sơn có duyên với các giải thưởng. Năm 2012, thầy đạt giải Nhì cấp thành phố Hội thi tích hợp “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong môn Giáo dục công dân cấp THPT; sau đó 2 năm (năm 2014) thầy đạt giải Ba cấp THTP thi soạn giáo án tích hợp Phòng chống tham nhũng trong môn Giáo dục công dân. Và đặc biệt, năm 2017, thầy đã vinh dự được đứng trên bục cao nhất – giải Nhất Hội thi Giáo viên giỏi cấp thành phố môn Giáo dục công dân năm học 2016 - 2017. Cũng trong năm này, thầy được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt việc tốt”.

“Thành tích, danh hiệu đã mang đến niềm vinh dự, niềm hạnh phúc lớn lao cho tôi nhưng nó cũng nhắc nhở tôi phải không ngừng phấn đấu, nỗ lực hơn nữa để xứng với phần thưởng cao quý này” - thầy Nguyễn Hồng Sơn tâm sự.

Qua trao đổi được biết, để có được kết quả cao trong Hội thi Giáo viên dạy giỏi môn Giáo dục công dân cấp cụm và cấp thành phố, thầy Nguyễn Hồng Sơn đã phải trăn trở, băn khoăn và bỏ ra rất nhiều công sức nghiên cứu bài dạy, phương pháp dạy phù hợp. Theo đó, thầy đã tìm ra phương pháp dạy học phù hợp để dạy các bài về chính sách trong môn Giáo dục công dân lớp 11 theo hướng tiếp cận năng lực. Đây là phương pháp dạy học rất mới và sáng tạo bởi từ trước đến nay cách dạy này vẫn là một khó khăn thường gặp của tất cả các giáo viên nhưng chưa có cách giải quyết hữu hiệu.

Ngoài ra, thầy còn sử dụng tốt kĩ thuật mảnh ghép và phương pháp thảo luận nhóm trong dạy học. Nhờ sử dụng tốt kĩ thuật mảnh ghép nên thầy đã khắc phục được nhược điểm của phương pháp thảo luận nhóm. “Khi dạy các bài về chính sách, phương pháp mà các đồng nghiệp hay làm đó là đi vào giảng giải phương hướng, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước và yêu cầu học sinh ghi nhớ thì tôi đã chọn cho mình cách làm mới đó là: Sử dụng phương pháp chứng minh ngược để dạy” - thầy Nguyễn Hồng Sơn cho biết, đồng thời dẫn giải: Chẳng hạn như trong Toán học: Giáo viên đưa ra kết quả và yêu cầu học sinh chứng minh kết quả đó là đúng. Theo đó thầy cũng áp dụng phương pháp này vào bài dạy các bài về chính sách của mình. Cụ thể, đầu tiên thầy đưa ra các hình ảnh thực tiễn rồi yêu cầu học sinh tìm hiểu xem thực tiễn đó nằm ở nội dung bài học như thế nào.

Thầy Nguyễn Hồng Sơn cho biết: Khi áp dụng phương pháp này, đã giúp bài học có tính thực tiễn cao. Qua đó, học sinh hào hứng tự tìm hiểu và phát huy tư duy phản biện của mình, các em không phải ghi nhớ kiến thức một cách máy móc mà thông qua những vấn đề cụ thể, dễ nhớ xảy ra trong thực tiễn cuộc sống để khắc sâu kiến thức. “Từ thực tiễn giảng dạy của mình và qua việc phổ biến kinh nghiệm với đồng nghiệp, tôi thấy cách dạy trên thực sự hiệu quả cao và tạo hiệu ứng tích cực, nhất là đối với học sinh. Qua đó đã đáp ứng yêu cầu đổi mới của Bộ GD&ĐT” - thầy Nguyễn Hồng Sơn chia sẻ.

Sẵn sàng thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới

Theo quan niệm của thầy Nguyễn Hồng Sơn, hạnh phúc lớn nhất của người thầy là được đứng trên bục giảng, đem tri thức, tình cảm và khơi gợi sự sáng tạo của mình đến với học trò. Vì thế, không bao giờ thầy cho mình đánh mất ngọn lửa đam mê, sự nhiệt tình trong giảng dạy. Chẳng thế mà thầy luôn năng nổ, gương mẫu đi đầu trong đổi mới sáng tạo dạy - học nhằm đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT, mà trước hết là chuẩn bị tốt tâm thế cho việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới trong thời gian tới đây. Thầy đã truyền cảm hứng yêu thương và tôn trọng học sinh tới các đồng nghiệp; luôn là tấm gương sáng về đạo đức nhân cách, lối sống cho các em học sinh noi theo.

Song điều mà thầy cảm thấy băn khoăn, trăn trở nhất đó là hiện nay ở đâu đó vẫn còn tình trạng nặng về “dạy chữ” hơn “dạy người”. Điều đó thể hiện ở việc nhiều người vẫn xem nhẹ môn Giáo dục công dân và ít nhiều đã, đang và sẽ phải trả giá cho việc này. Gần 20 năm đứng trên bục giảng với môn Giáo dục công dân, trước thực trạng trên khiến thầy không khỏi chạnh lòng.

Nhắn nhủ với các đồng nghiệp đã, đang và sẽ lựa chọn giảng dạy môn Giáo dục công dân, thầy Nguyễn Hồng Sơn chia sẻ, sẽ không thể trong một sớm một chiều để thay đổi ngay suy nghĩ xem nhẹ môn Giáo dục công dân của ai đó. Điều quan trọng là mỗi thầy, cô giáo cần nhiệt tình hơn nữa, trách nhiệm hơn nữa với từng bài dạy của mình. Từ đó môn Giáo dục công dân sẽ sớm nhận được sự trân trọng từ phía đồng nghiệp, học sinh và xã hội.

Trước mắt, Kỳ thi THPT quốc gia 2018 đang đến gần, thầy Nguyễn Hồng Sơn khuyến nghị: Để đạt kết quả cao môn Giáo dục công dân, hơn lúc nào hết các em cần chú ý nghe thầy, cô giáo giảng bài để nắm thật vững kiến thức cơ bản của từng bài học. Sau mỗi buổi học cần hệ thống hóa kiến thức dưới dạng sơ đồ tư duy hoặc cây thư mục. Đồng thời, chủ động ôn tập, nắm chắc kiến thức bằng cách: Làm các câu hỏi trắc nghiệm khách quan đối với từng bài, từng phần kiến thức. Đặc biệt, khi làm bài thi cần lưu ý là: Đọc kĩ các tình huống, dữ liệu mà đề ra và bám sát yêu cầu của câu hỏi để giải quyết các vấn đề thật đúng và trúng.

    “Tôi và các đồng nghiệp rất mừng vì trong những năm gần đây, môn học Giáo dục công dân đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Bộ GD&ĐT và của toàn xã hội. Điều đó thể hiện rõ nhất thông qua việc đưa môn học này trở thành một trong 3 môn thi thuộc tổ hợp Khoa học xã hội kể từ Kỳ thi THPT quốc gia 2017 với số lượng thí sinh đăng ký lựa chọn không ngừng tăng lên...” .

 Thầy Nguyễn Hồng Sơn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ông Trần Huy Tuấn, Bí thư tỉnh Yên Bái chủ trì phiên họp. (Ảnh: CTTĐT Yên Bái)

21 Đảng viên ở Yên Bái bị khởi tố

GD&TĐ - Cơ quan điều tra công an các cấp tại Yên Bái khởi tố 13 vụ/29 bị can liên quan đến kinh tế, tham nhũng, trong đó có 21 bị can là đảng viên.