Lưới vét có thể tạo ra 1 tỉ tấn CO2 mỗi năm

GD&TĐ - Theo một nghiên cứu mới, hoạt động đánh bắt bằng lưới vét đáy biển tạo ra 1 tỉ tấn CO2 mỗi năm, tương đương với toàn bộ lượng CO2 thải ra trong ngành hàng không.

Đánh bắt bằng lưới vét có thể làm tăng đột biến lượng khí CO2.
Đánh bắt bằng lưới vét có thể làm tăng đột biến lượng khí CO2.

Đáy đại dương chứa gấp đôi lượng CO2 mà lòng đất trên hành tinh chúng ta có thể chứa được. Lượng CO2 này đang bị lục tung lên và thoát ra khỏi đại dương khi các tàu đánh cá sử dụng lưới vét đáy biển.

Các tác giả của nghiên cứu nói rằng, việc bảo vệ các khu vực đặc biệt, nơi hoạt động đánh bắt nói trên diễn ra nhiều, có thể giúp giảm khí thải và bảo vệ các vựa cá toàn cầu.

Đa dạng sinh học đại dương đang bị suy giảm nghiêm trọng do đánh bắt quá mức, ô nhiễm và biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, chỉ có 7% đại dương được bảo vệ dưới bất kỳ hình thức nào.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature đã phân tích các bản đồ về các “kho chứa” khí CO2 ở đáy biển, kết hợp với các dữ liệu từ vệ tinh về tình trạng đánh bắt bằng lưới vét để ước tính lượng CO2 bị thải ra hàng năm từ thói quen đánh bắt này.

Các nhà khoa học phát hiện rằng, lượng CO2 thoát ra tương đương với hơn 1 gigatonne (khoảng 1 tỉ tấn), nhiều hơn lượng khí thải của bất kỳ nước nào. Nhưng nếu chỉ cần bảo vệ 3,6% đại dương, có thể giúp ngăn chặn tới 90% lượng khí CO2 thoát ra từ hoạt động đánh bắt bằng lưới vét.

Đồng tác giả Trisha Atwood từ Đại học Bang Utah cho biết: “Đáy đại dương là kho chứa CO2 lớn nhất thế giới. Nếu muốn ngăn chặn được sự nóng lên của Trái đất, chúng ta phải bảo vệ kho chứa CO2 này. Nhưng hàng ngày, chúng ta đang đánh lưới vét đáy biển, phá hỏng đa dạng sinh thái ở đó và làm thoát ra lượng CO2 đã được cất giữ từ hàng thiên niên kỷ, và bằng cách đó, chúng ta đang làm trầm trọng thêm sự biến đổi khí hậu”.

Nghiên cứu cho biết, nếu các quốc gia hợp tác cùng nhau để bảo vệ 45% đại dương, thì sẽ mang lại 71% lợi ích về mặt bảo tồn đa dạng sinh học. Phần lớn đại dương có mức đa dạng sinh học cao nhất hiện nằm trong các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các quốc gia, các tác giả cho rằng cần có sự hợp tác quốc tế để bảo vệ sự sống của biển.

David Mouillot, đồng tác giả và là Giáo sư tại Đại học Montpellier, cho biết: “Có lẽ kết quả ấn tượng và đáng khích lệ nhất là lợi ích khổng lồ mà chúng ta có thể thu được từ việc bảo tồn đa dạng sinh học - nếu chúng ta cẩn thận trong việc lựa chọn vị trí cho các khu vực biển được bảo vệ nghiêm ngặt”.

Ngoài ra, nghiên cứu cho thấy rằng, việc cấm đánh bắt cá ở các khu vực cụ thể một cách chiến lược có thể làm tăng sản lượng cá toàn cầu lên tới 8 triệu tấn so với thông thường.

Ông Nova Scotia, đồng tác giả nghiên cứu Boris Worm, thuộc Đại học Dalhousie ở Halifax, cho biết nghiên cứu trên đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của đại dương trong việc giảm biến đổi khí hậu và bảo tồn thiên nhiên.

Đại dương bao phủ 70% diện tích Trái đất nhưng đến nay tầm quan trọng của nó trong việc giải quyết các thách thức của thời đại chúng ta vẫn bị bỏ qua. Nếu muốn giải quyết ba thách thức lớn nhất của thế kỷ này - gồm mất đa dạng sinh thái, biến đổi khí hậu và thiếu lương thực, chúng ta phải bảo vệ đại dương.

Theo AFP

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.