Lùi thời hạn cho thỏa thuận Brexit?

GD&TĐ - Sau nhiều cuộc họp căng thẳng, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC), ông Donald Tusk, cuối cùng cũng đã tuyên bố rằng 27 nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí đáp lại yêu cầu của Thủ tướng Anh trong việc trì hoãn Brexit và tránh sự chia rẽ hỗn loạn vào ngày 29/3 như đã ấn định.

Bà May đang đứng trước 2 lựa chọn về hạn lùi Brexit
Bà May đang đứng trước 2 lựa chọn về hạn lùi Brexit

Hai lựa chọn cho bà May

Trước sự ngạc nhiên của nhiều người, các lãnh đạo EU đã đưa ra hai việc lựa chọn.

Lựa chọn đầu tiên là một hạn lùi ngắn đến ngày 22/5 để Vương quốc Anh giải quyết các vấn đề của mình trước khi rời EU. Nhưng lựa chọn đó chỉ khả dụng nếu các nhà lập pháp tại Hạ viện chấp thuận thỏa thuận của bà May vào tuần tới.

Lựa chọn thứ hai thành sự thực nếu một lần nữa bà May mất đi phiếu bầu quan trọng trong thỏa thuận của bà. Điều đó sẽ cho phép Vương quốc Anh ở lại EU cho đến ngày 12/4. Tại thời điểm đó, họ sẽ phải đưa ra lựa chọn: Tham gia cuộc bầu cử quốc hội châu Âu vào tháng 5 và tìm đến sự trì hoãn lâu hơn đối với Brexit, hoặc không còn Brexit nữa. Nếu lựa chọn thứ hai diễn ra, những tác động của quyết định này sẽ là vụ phá sản Brexit lớn tiếp theo.

Để có được những lựa chọn cho bà May nghe có vẻ đơn giản, nhưng thực tế, phiên làm việc tại Brussel vô cùng căng thẳng, thời gian họp báo được thông báo lùi lại và điều rõ ràng nhất là không có gì rõ ràng cả.

Trước đó một ngày, Chủ tịch EC, ông Donald Tusk đã đưa ra một kế hoạch cho một phần mở rộng ngắn cho quá trình Brexit - cho đến ngày 22/5, tùy thuộc vào việc Hạ viện phê chuẩn thỏa thuận rút lui của bà May.

Tâm trạng chung ở Brussels thật ảm đạm. Không ai ở bên ngoài nhóm thân cận của bà Theresa May tin tưởng vào một triển vọng tốt đẹp hơn của thỏa thuận rút khỏi EU. Bên lề hội nghị, các quan chức EU đã thảo luận cởi mở về những gì sẽ xảy ra nếu thỏa thuận của May có thể thất bại một lần nữa.

Một số người đề nghị mời các nhà lập pháp Anh đối nghịch tới Brussels để tìm kiếm một con đường có tính chất đa đảng phái tiến về phía trước. Thậm chí còn có thảo luận về việc đưa ra một thời hạn chậm trễ lâu hơn nữa, nếu Vương quốc Anh tổ chức một cuộc tổng tuyển cử hoặc khả năng tệ hơn là một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai. Không ai có thể biết kịch bản nào sẽ diễn ra.

Nỗ lực tránh Brexit không thỏa thuận

Tất cả lựa chọn này đều nhằm một mục đích ngăn chặn việc rút khỏi EU không có thỏa thuận nào vào ngày 29/3 – mốc thời gian đã được ấn định từ 2 năm trước. Thông báo gây bất ngờ của các lãnh đạo EU về thời gian biểu mới sẽ giúp giảm bớt mối quan tâm này. Nếu không có gì khác, nó đã nhắc lại cam kết của các quốc gia thành viên EU trong việc tránh một Brexit không có thỏa thuận. Trong nhiều tháng qua, EU luôn nhấn mạnh rằng họ không có ý định trở thành người bị đổ lỗi vì một cuộc Brexit như vậy.

Tuy nhiên, EU cũng còn có cam kết khác, cũng mạnh mẽ như vậy: Không can thiệp vào chính trị của một quốc gia có chủ quyền, nhất là của một quốc gia vừa rời khỏi Liên minh.

Đó là cũng là lý do mà EU đưa ra những lựa chọn cho Anh. Tuần tới, các nhà lập pháp Anh tiếp tục thảo luận về thỏa thuận của bà May, đó cũng là mong muốn của EU, để từ đó, các bên có thể bắt đầu với giai đoạn tiếp theo: Đàm phán về mối quan hệ trong tương lai. Một kịch bản nữa là thành viên của Quốc hội Anh có thể bỏ phiếu thỏa thuận. Anh sẽ buộc phải thực hiện một số giải pháp để phải quyết định trước ngày 12/ 4 rằng họ có tham gia cuộc bầu cử quốc hội châu Âu bắt đầu vào ngày 23/5 tới hay không.

Nếu họ quyết định không tham gia cuộc bầu cử đó, một điều đơn giản là Anh không thể ở lại EU nữa. Nếu không có sự chấp thuận cho một thỏa thuận rút khỏi EU, ngày 22/5 sẽ trở thành một dấu mốc mới, một bờ vực đầy nguy cơ mà Anh phải tự đương đầu.

Nhưng nếu Vương quốc Anh quyết định tham gia các cuộc bầu cử ngày 23/5 và tìm cách trì hoãn Brexit lâu hơn, thì việc Anh ở lại EU sẽ trở nên có khả năng hơn đáng kể và nền chính trị bị chia rẽ của Anh sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ