Lực lượng y tế học đường: Bức tường đầu tiên phòng dịch

GD&TĐ - Khi học sinh trở lại học trực tiếp trong điều kiện dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, nhiều trường đang phải đối mặt với khó khăn do thiếu nhân viên y tế.

Các cơ sở giáo dục trên địa bàn TPHCM luôn nỗ lực thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19 khi học sinh trở lại học trực tiếp.
Các cơ sở giáo dục trên địa bàn TPHCM luôn nỗ lực thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19 khi học sinh trở lại học trực tiếp.

Từ thực tế đó, ngành Giáo dục TPHCM đang nỗ lực đưa ra các đề xuất, giải pháp để tăng cường lực lượng này nhằm phục vụ công tác phòng, chống dịch và chăm sóc sức khỏe học sinh. 

Gần 50% cơ sở giáo dục thiếu nhân viên y tế

Trong tờ trình điều chỉnh Bộ tiêu chí đánh giá an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong ngành Giáo dục, Sở GD&ĐT TPHCM đề nghị bổ sung tiêu chí về bố trí nhân viên phụ trách y tế trường học. Theo đó, các cơ sở giáo dục phải có nhân viên phụ trách y tế trường học và được tập huấn mới đánh giá đạt.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay trên địa bàn TPHCM có gần 50% trường học thiếu nhân viên y tế. Cụ thể, năm học 2020 - 2021, toàn TPHCM có 2.339 cơ sở giáo dục nhưng chỉ có 1.319 đơn vị có nhân viên y tế. Đến đầu năm học 2021 - 2022, lực lượng này không được bổ sung mà còn bị giảm. Thực trạng này gây không ít khó khăn cho các trường trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Đặc biệt, từ khi học sinh trở lại trường học trực tiếp, cùng với dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, một số bệnh truyền nhiễm khác như sốt xuất huyết, tay chân miệng... cũng sắp vào mùa cao điểm. Vì vậy từ đầu năm 2022, để bổ sung lực lượng y tế, TP Thủ Đức và nhiều quận, huyện trên địa bàn TPHCM tích cực tuyển dụng vị trí việc làm này. Cụ thể, ngày 3/3, UBND TP Thủ Đức có thông báo tuyển dụng viên chức làm việc tại các đơn vị sự nghiệp GD-ĐT công lập. Ngoài tuyển dụng giáo viên và nhân viên cho các cơ sở giáo dục, địa phương này còn tuyển 88 nhân viên y tế học đường.

Trước đó, ngày 12/2, huyện Nhà Bè đã hoàn tất công tác tiếp nhận đăng ký hồ sơ dự tuyển viên chức ngành Giáo dục năm học 2021 - 2022. Địa phương này dự kiến tuyển dụng 408 viên chức, trong đó có 17 vị trí nhân viên y tế. Bà Lê Thị Oanh, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nhà Bè cho hay: Theo quy định hiện hành, các trường học chỉ có 3 thậm chí 2 biên chế cho 4 vị trí: Văn thư, kế toán, thủ quỹ, y tế. Hiện nay, trên địa bàn huyện Nhà Bè có 36 trường mầm non, tiểu học và THCS công lập trong đó có 28 trường có nhân viên y tế. Đối với cơ sở giáo dục thiếu lực lượng y tế, nhà trường giải quyết bằng cách phân công nhân viên kiêm nhiệm công tác y tế học đường.

“Vai trò của nhân viên y tế rất quan trọng, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 phức tạp như hiện nay. Các nhân viên y tế đã tham mưu cho nhà trường trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh, hướng dẫn phòng chống các bệnh học đường, theo dõi hồ sơ sức khỏe của học sinh. Đồng thời lực lượng này còn tham mưu công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm, xử lý các tình huống liên quan đến sức khỏe học sinh trong nhà trường…”, bà Oanh khẳng định.

Vai trò của nhân viên y tế rất quan trọng, nhất là trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 phức tạp.
Vai trò của nhân viên y tế rất quan trọng, nhất là trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 phức tạp.

Cần có chính sách thu hút

Hơn 1 tháng học sinh đi học trực tiếp trở lại, ngày nào cô Lê Thị Hường, nhân viên y tế tại Trường Tiểu học Lê Văn Việt (TP Thủ Đức) cũng “luôn chân, luôn tay”. Theo chia sẻ của cô Hường, toàn trường có 1.339 học sinh. Hàng ngày cùng với việc xét nghiệm để phát hiện các F0, rà soát cách ly F1, cô còn cập nhật thông tin ca bệnh để báo cáo trạm y tế địa phương… Ngoài ra, cô Hường còn thường xuyên tư vấn sức khỏe cho học sinh, giáo viên, tham gia tư vấn dinh dưỡng và sức khỏe cho học sinh, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn trường học.

Để bảo đảm công tác chăm sóc sức khỏe học đường, bà Lê Thị Oanh, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nhà Bè đề xuất các trường học cần ưu tiên tuyển vị trí nhân viên y tế. Ngoài ra, liên Bộ GD&ĐT - Nội vụ - Y tế cần điều chỉnh quy định vị trí việc làm cho phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay; Bố trí đủ số lượng người theo các vị trí việc làm có trong trường học; Phối hợp mở các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng, nâng cao tay nghề của các nhân viên y tế; Đảm bảo các chế độ, chính sách cho nhân viên y tế để thu hút lực lượng này gắn bó lâu dài.

Còn theo ông Trần Khắc Huy, Trưởng phòng GD&ĐT quận Tân Bình, lực lượng cán bộ y tế tại các trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn đang thiếu cả về số lượng và chất lượng. Hiện quận Tân Bình có 65 trường công lập, từ mầm non đến THCS, trong đó có 35 trường có nhân viên y tế chuyên trách. Việc các cơ sở thiếu nhân viên y tế đã gây không ít khó khăn trong thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cũng như quan tâm, chăm lo sức khoẻ cho học sinh.

“Trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 phức tạp, khối lượng công việc của nhân viên y tế trường học không kém gì các y, bác sĩ làm việc tại trung tâm y tế, bệnh viện, nhưng thu nhập của họ còn thấp, áp lực công việc lớn. Cùng với đó là chế độ đãi ngộ hạn chế, nên khó thu hút người làm việc. Về lâu về dài, để đội ngũ này yên tâm công tác, nâng cao chuyên môn, gắn bó với trường học, cần có chính sách đãi ngộ thật tốt mới có thể giải bài toán thiếu và khó tuyển nhân viên y tế học đường hiện nay”, ông Huy nói.

Theo ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT TPHCM, thiếu nhân viên y tế học đường khiến công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong nhà trường gặp khó khăn khi ở nhiều đơn vị, giáo viên vừa phải làm chuyên môn, vừa đảm nhiệm nhân viên y tế. Sở GD&ĐT TPHCM đã đề nghị HĐND TPHCM quan tâm và phê duyệt chế độ, chính sách cho đối tượng là giáo viên phụ trách công tác tư vấn tâm lý, nhân viên y tế trường học nhằm tăng cường lực lượng phục vụ công tác phòng, chống dịch và chăm sóc sức khỏe học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ