Thông tin trên được Bác sĩ Đinh Văn Hồng - Đội trưởng Đội Cấp cứu đường không Bệnh viện dã chiến 2.3 tại Bentiu, Nam Sudan cho biết.
Theo bác sĩ Hồng, các thành viên bệnh viện đã nghiên cứu kỹ các tình huống phức tạp trong quá trình vận chuyển như bệnh nhân diễn biến xấu phải đặt nội khí quản - thở máy, xử lý tràn khí màng phổi… để có kịch bản ứng phó kịp thời.
Để giảm nguy cơ lây nhiễm từ bệnh nhân, các thành viên luôn phải sẵn sàng với đồ phòng hộ cá nhân trước, trong chuyến bay và cả khi về lại bệnh viện.
Bên cạnh đó, bác sĩ Hồng cũng nhấn mạnh việc xử lý rác thải lây nhiễm sau khi vận chuyển là cực kì quan trọng. Ngoài ra cần khử khuẩn máy bay, xe cứu thương, đến các trang thiết bị y tế… để tránh lây nhiễm cho tổ bay cũng như những người xung quanh.
Đó là một trong những chia sẻ của các bác sĩ Việt Nam tại Tập huấn trực tuyến nâng cao năng lực y tế về Covid-19 và các bệnh lý tổng quát khác giữa 2 bệnh viện dã chiến cấp 2 Việt Nam và Ấn Độ hoạt động tại Nam Sudan vừa qua.
Bệnh viện dã chiến 2.3 tại Phái bộ Bentiu có trách nhiệm tiêm chủng cho 500 nhân viên LHQ cũng như theo dõi, xử lí các phản ứng và biến chứng sau tiêm chủng.
Các thành viên tham dự tập huấn đã chia sẻ các kiến thức về biến thể của virus Corona, kinh nghiệm trong phòng, chống Covid-19, như cách sắp xếp khu vực cách ly, quy trình sàng lọc đối với bệnh nhân nghi nhiễm virus, quy trình vận chuyển bệnh nhân nặng bằng máy bay…
Với kinh nghiệm từ thực tế dịch bệnh khắc nghiệt tại Ấn Độ, các bác sĩ thuộc Bệnh viện dã chiến Ấn Độ chia sẻ những hiểu biết quý báu về các biến thể, đặc biệt là Delta - biến thể có tốc độ lây lan nhanh đến kinh ngạc, khiến cho việc kiểm soát dịch bệnh trở thành một thách thức cực lớn với nhiều quốc gia. Chính vì thế, tiêm chủng vắc-xin đóng một vai trò quan trọng trong chiến lược phòng chống đại dịch tại nhiều nơi.
Đối với các bệnh nhân mắc Covid-19 nặng, vấn đề thông khí nhân tạo đóng vai trò sống còn. Trong bài chia sẻ của mình, bác sĩ gây mê hồi sức J K Sinha thuộc Bệnh viện dã chiến cấp 2 của Ấn Độ tại Malakal đã cảnh báo về những khó khăn trong quá trình điều trị và giải pháp quan trọng nhất là tối ưu hóa thông khí nhân tạo cho bệnh nhân.
Do Bệnh viện dã chiến cấp 2 của Ấn Độ còn khó khăn về nguồn oxy (hiện chưa có máy tạo oxy), các bệnh nhân Covid-19 nặng từ đây thường được chuyển lên Bệnh viện dã chiến cấp cao hơn để điều trị.
Trong khi đó, nhờ được trang bị hẳn một hệ thống sản xuất oxy hiện đại, các bác sĩ tại Bệnh viện dã chiến 2.3 Việt Nam có thể chủ động trong việc cung cấp oxy cho bệnh nhân.
Bác sĩ Hoàng Thanh Toàn trong báo cáo về 1 ca lâm sàng mắc hội chứng Stevens-Johnson sau tiêm vắc-xin phòng Covid-19 được điều trị khỏi thành công tại Bệnh viện dã chiến 2.3 đã giúp người tham dự có cái nhìn mới về một bệnh cấp tính, hiếm gặp và có thể gây tử vong.
Theo Trung tá Nguyễn Bá Hưng, Chỉ huy trưởng Lực lượng Gìn giữ Hòa bình Việt Nam, đây là hoạt động bổ ích và thiết thực nhằm chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động khám chữa bệnh giữa hai bệnh viện khi cùng hoạt động trong môi trường dã chiến.
Ông đánh giá cao ý nghĩa của hoạt động trao đổi chuyên môn giữa 2 đơn vị: “Tôi hy vọng những kinh nghiệm, kiến thức được chia sẻ sẽ giúp các bác sĩ nâng cao trình độ chuyên môn và chất lượng điều trị cho bệnh nhân tại đơn vị”.
Khóa tập huấn không chỉ là kết quả phối hợp đầu tiên giữa hai bệnh viện cấp 2 của hai quốc gia tại Nam Sudan, mà còn là kết quả của quyết tâm mở rộng tầm ảnh hưởng của Lực lượng Gìn giữ Hòa bình Việt Nam tại Nam Sudan.