Điều này được cho là phù hợp với đánh giá năng lực và tác động mạnh mẽ đến việc dạy - học môn Ngữ văn.
Hết thời văn mẫu
Theo PGS.TS Đỗ Ngọc Thống - Chủ biên Chương trình Ngữ văn 2018, trong mấy chục năm qua, đề thi, kiểm tra Ngữ văn (câu nghị luận văn học) chủ yếu yêu cầu học sinh viết về những tác phẩm, trích đoạn đã học. Do phạm vi và yêu cầu như vậy nên giáo viên, học sinh chỉ tập trung vào tác phẩm thơ văn có trong SGK Ngữ văn.
Các lò luyện thi cũng ra sức trang bị bài văn mẫu xung quanh tác phẩm trong SGK. Học sinh chỉ cần học thuộc các bài văn mẫu ấy, thế nào cũng trúng đề thi. Hệ quả của cách đánh giá như thế dẫn đến nạn chép văn mẫu, dạy và học theo văn mẫu rất nặng nề.
Những năm qua, Bộ GD&ĐT có nhiều cố gắng trong thay đổi cách thức kiểm tra, đánh giá. Từ năm 2015, Bộ đã yêu cầu chuyển sang đánh giá năng lực. Với môn Ngữ văn, từ Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2015, đề thi đã có phần đọc hiểu (sử dụng văn bản ngoài SGK); câu nghị luận xã hội đổi mới theo hướng học sinh không chép lại được văn mẫu khi làm bài...
Đến nay, hạn chế lớn nhất còn lại là yêu cầu viết nghị luận văn học vẫn chỉ dừng lại tác phẩm có trong SGK. Vì các lớp cuối cấp (5, 9 và 12) năm học 2023 - 2024, việc dạy học vẫn theo Chương trình GDPT 2006 nên câu nghị luận văn học chưa thay đổi.
Bắt đầu từ năm 2025, PGS Đỗ Ngọc Thống cho biết, việc đánh giá, trong đó có thi tốt nghiệp THPT, chuyển hẳn sang cách đánh giá mới. Với môn Ngữ văn, đề thi kế thừa các yêu cầu đọc hiểu và viết nghị luận xã hội, đồng thời đổi mới câu nghị luận văn học theo hướng không sử dụng văn bản đã học trong SGK.
“Việc đổi mới như thế có tác động lớn đến cách dạy và học. Giáo viên, học sinh chủ yếu phải luyện tập cách viết, đọc hiểu một văn bản theo thể loại...; không chạy theo khối lượng nội dung, không cần và không thể học thuộc hay chuẩn bị bài văn mẫu....
Học sinh phải tự suy nghĩ, trình bày những gì nghĩ được thành đoạn văn, bài văn. Chắc chắn sẽ có những khó khăn bước đầu, như học sinh viết được ngắn, ít nội dung, diễn đạt và sắp xếp ý còn nhiều lỗi, lời văn ngô nghê, chưa gọn ghẽ, chau chuốt..., nhưng đó là sản phẩm của chính các em, không vay mượn sao chép từ người khác.
Như thế mới phân hóa, phân biệt được năng lực thực sự của mỗi học sinh. Những em viết chưa tốt, cần uốn nắn và giúp đỡ để tiến bộ dần,...”, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống cho hay.
Thay đổi cách dạy học
Từ khi tiếp cận Chương trình GDPT 2018, giáo viên Ngữ văn của Trường THCS - THPT Phenikaa đã xác định phải thay đổi phương pháp giảng dạy, đặc biệt việc dạy đọc - viết cho học sinh.
Chia sẻ của thầy Nguyễn Trọng Trường - giáo viên Ngữ văn nhà trường: Với những bài dạy văn bản văn học, thay vì chú trọng bình giảng chi tiết theo lối “tầm chương trích cú”, giáo viên tập trung rèn kỹ năng đọc hiểu theo đặc trưng của thể loại, bám sát yêu cầu cần đạt của chương trình.
Ví dụ, khi dạy học sinh đọc hiểu tác phẩm truyện, giáo viên hướng dẫn học sinh xác định, phân tích vai trò của người kể chuyện; lý giải được ý nghĩa, tác dụng của việc lựa chọn lời kể, ngôi kể, điểm nhìn hay đánh giá được ý nghĩa, giá trị của thông điệp. Với văn bản thơ, sau khi học xong, học sinh nhận biết các biểu hiện của thể thơ, từ ngữ, vần, nhịp, đối và các biện pháp nghệ thuật.
“Bên cạnh đổi mới phương pháp giảng dạy, cách hướng dẫn học sinh tiếp cận văn bản, hình thành kỹ năng đọc hiểu trên lớp, giáo viên giao nhiệm vụ về nhà cho học sinh thực hành phân tích một trích đoạn, hoặc yếu tố đặc trưng của thể loại trong tác phẩm ngoài SGK.
Đề kiểm tra định kỳ môn Ngữ văn của nhà trường hiện nay cũng được thiết kế theo tinh thần đổi mới, không sử dụng lại ngữ liệu đã học để đánh giá khách quan năng lực học tập người học. Trong quá trình ôn luyện, giáo viên củng cố kỹ năng viết nghị luận văn học cho học sinh với từng yêu cầu, dạng đề cụ thể.
Vì lần đầu tiếp cận ngữ liệu, tác phẩm mới trong đề kiểm tra nên giáo viên chấm bài đón nhận sự sáng tạo, góc nhìn, cảm nhận riêng của học sinh bằng thái độ cởi mở”, thầy Nguyễn Trọng Trường chia sẻ.
Tại Trường THPT Trần Quang Khải (Khoái Châu, Hưng Yên), cô Nguyễn Thị Giang Hương - giáo viên Ngữ văn cho biết, tổ chuyên môn giao nhóm Ngữ văn lớp 11 và 10 xây dựng kế hoạch dạy học chi tiết, dựa trên định hướng về cấu trúc và nội dung đề minh hoạ Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ 2025; bám sát vào bảng đặc tả, mô tả, xây dựng ma trận đề phù hợp với bài kiểm tra thường xuyên, định kỳ của học kỳ II năm học 2023 - 2024.
Giáo viên tự xây dựng kế hoạch của cá nhân áp dụng cho lớp mình giảng dạy; có định hướng, phân loại học sinh, từng bước nâng cao chất lượng dạy học đáp ứng yêu cầu đổi mới kiểm tra, đánh giá theo Quyết định số 4068/QĐ-BGDĐT ngày 28/11/ 2023 của Bộ GD&ĐT.
“Có trong tay định hướng cấu trúc, bảng đánh giá năng lực, cấp độ tư duy là chúng tôi có kim chỉ nam để chủ động xây dựng kế hoạch dạy học khoa học nhất. Việc áp dụng vào giảng dạy sẽ trở nên dễ dàng, phù hợp, hiệu quả, tránh sự mông lung của cả người dạy, người học.
Đây là bước đệm quan trọng, giúp thầy và trò thay đổi, làm quen, đáp ứng tốt cách thức kiểm tra, đánh giá của Chương trình GDPT 2018”, cô Nguyễn Thị Giang Hương nhận định.
ThS Hồ Thị Lệ Hằng - Tổ trưởng chuyên môn Ngữ văn, Trường THPT Phú Bài (Thừa Thiến Huế) thì cho biết: Chuẩn bị cho đổi mới đề thi Ngữ văn từ 2025, tổ Ngữ văn đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ.
Trước tiên là nắm chắc khung chương trình dạy học; học tập, triển khai, vận dụng các chương trình tập huấn của ngành, sở, Bộ GD&ĐT nghiêm túc. Đồng thời, thay đổi phương pháp dạy học, dạy học theo đặc trưng thể loại, chú trọng rèn luyện kỹ năng nhìn nhận vấn đề, tạo lập văn bản. Mỗi đơn vị bài học, chú trọng vấn đề thực hành, luyện tập, giúp học sinh làm quen dần kiểu bài.
Từ năm học 2022 - 2023, 2023 - 2024, học sinh khối 10, 11 được làm quen với cách kiểm tra đánh giá mới ở phần nghị luận văn học, văn bản đều nằm ngoài SGK nhưng có những chủ đề tương tự.
Qua các buổi sinh hoạt chuyên môn, chuyên đề, kiểm tra định kỳ, tổ chuyên môn phân tích, đánh giá rút kinh nghiệm; từ đó điều chỉnh cách dạy, công tác ra đề, đáp án, đề cương ôn tập. Học sinh ban đầu còn bỡ ngỡ, khó khăn trong quá trình viết, làm bài thực hành, kiểm tra định kỳ, điểm số chưa cao, nhưng cũng dần bắt nhịp.
“Để chuẩn bị tốt hơn nữa cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, tổ chuyên môn còn nhiều việc phải làm. Quá trình ấy cần được hỗ trợ, quan tâm từ các cấp với việc tập huấn và tiếp cận tài liệu mới phong phú, đa dạng…”, cô Hồ Thị Lệ Hằng kiến nghị.
Để đổi mới theo hướng nêu trên, Bộ GD&ĐT đã lần lượt triển khai các công việc từ rất sớm, như công bố định dạng và cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 vào cuối năm 2023, mở lớp tập huấn cách ra đề thi theo yêu cầu mới. Từ ngày 12 - 14/5/2024, Bộ GD&ĐT tổ chức tập huấn cho 36 tỉnh phía Nam tại TP Hồ Chí Minh; trong 3 ngày (17 - 19/5) tập huấn cho các tỉnh phía Bắc tại TP Vinh (Nghệ An). PGS.TS Đỗ Ngọc Thống