EU muốn thì nhiều nhưng khả năng hiện thực hóa mong muốn lại hạn chế, định hướng đúng đắn và mưu tính thức thời, song tiềm lực và năng lực để đảm bảo tính khả thi chưa đủ. EU chưa tìm được lối thoát khỏi tình trạng lực bất tòng tâm.
Cuộc gặp của EU bị chế ngự bởi những động thái thời sự liên quan trực tiếp đến châu Âu về chính trị an ninh, cụ thể là sự thay đổi người cầm quyền ở Mỹ và cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine sắp bước sang năm thứ 4. Tổng thống Mỹ Donald Trump vốn không còn lạ lẫm đối với EU và châu Âu.
Nhưng những quyết sách cầm quyền đầu tiên của ông đã khiến EU thực sự âu lo. Ông Trump đã tuyên cáo việc áp thuế quan bảo hộ thương mại đối với hàng hóa của EU xuất khẩu vào thị trường Mỹ và giờ chỉ còn là vấn đề thời điểm thực thi.
Tổng thống Mỹ cũng đòi hỏi các thành viên NATO ở châu Âu phải tăng ngân sách quốc phòng hàng năm lên mức 5% GDP, đồng thời dọa sẽ ngừng viện trợ cho Ukraine. Thậm chí, ông Trump còn nung nấu ý tưởng đổi viện trợ của Mỹ lấy đất hiếm của Ukraine, hàm ý không có ý định đổ tiền bạc vào Ukraine như cho không nữa. EU và NATO còn đặc biệt quan ngại khả năng xảy ra kịch bản ông Trump “đi đêm” với Tổng thống Nga Vladimir Putin để giải quyết cuộc chiến ở Ukraine.
Thế nên, EU đã phải mời cả Tổng Thư ký NATO và Thủ tướng Anh Keir Starmer tham dự cuộc gặp, cho dù nước Anh ra khỏi EU 5 năm trước. Tại sự kiện này, các bên tham dự đạt được sự nhất trí sâu rộng về định hướng trên lĩnh vực chính trị an ninh, quân sự và quốc phòng cho thời gian tới.
Tự lực và tự chủ về quốc phòng, tăng cường sức mạnh và tiềm lực quân sự, tiếp tục dựa cậy vào NATO đồng thời tiến tới tự đảm bảo an ninh, tức là từ dần giảm bớt đến không còn bị lệ thuộc vào Mỹ theo phương châm “khả năng đề kháng cao hơn, hiệu quả hơn và tự chủ hơn”.
Xác định ra đối sách đúng là một chuyện, thực thi nó lại là chuyện khác. Đây chính là cái khó và bế tắc đối với EU. Thật ra có 3 lý do chính. Thứ nhất, để có thể tự chủ được về an ninh và quốc phòng, EU và các nước châu Âu khác cần nhiều trăm tỷ euro mà câu hỏi lớn được đặt ra là làm sao kiếm được nguồn này.
Nội bộ EU bất đồng sâu sắc về đóng góp tài chính của các thành viên và về đề xuất EU đứng ra vay nợ. Thứ hai, không phải thành viên EU và NATO nào ở châu Âu cũng gắn an ninh của mình với kết cục của cuộc chiến tranh ở Ukraine.
Tức là cuộc chiến này càng kéo dài thì mức độ sẵn sàng tiếp tục đổ của vào Ukraine ở nhiều thành viên EU và NATO càng suy giảm. Thứ ba, EU và NATO còn phải luôn dè chừng Tổng thống Mỹ sẽ làm cho nội bộ của họ bị phân rẽ sâu sắc. Lực chưa tòng tâm thể hiện ở đó đối với EU.