Vị Hoàng giáp tài năng được vua Khang Hy đặc ban lễ phúng

GD&TĐ - Trong chuyến đi sứ nhà Thanh, Hoàng giáp Đinh Nho Hoàn chẳng may ốm nặng rồi qua đời.

Đền Gôi Vị - nơi thờ Hoàng giáp Đinh Nho Hoàn, vợ thứ tiết nghĩa, thân phụ và vị Tổng binh họ Đinh.
Đền Gôi Vị - nơi thờ Hoàng giáp Đinh Nho Hoàn, vợ thứ tiết nghĩa, thân phụ và vị Tổng binh họ Đinh.

Thi hài ông được triều Thanh cho ướp, chuyển về nước Việt và vua Khang Hy đặc ban lễ phúng.

Vị Đốc trấn được kính trọng

Tiến sĩ Đinh Nho Hoàn (1670 - 1716) tự là Tồn Phúc, hiệu Mặc Trai, người xã An Ấp, nay là xã Sơn Hòa (Hương Sơn, Hà Tĩnh). Ông là con thứ ba của Tiến sĩ Đinh Nho Công – Thiêm đô Ngự sử triều vua Lê Thánh Tông, và phu nhân Đặng Thị.

Theo tư liệu dòng họ, ngay từ thuở nhỏ, Đinh Nho Hoàn đã nổi tiếng thông minh khắp vùng lại rất hiếu học, được cha kèm cặp nên sớm có ý chí ghi danh bảng vàng, lớn lên ông được về kinh thụ giáo với nhiều bậc danh sư đương thời nên kiến thức vô cùng uyên thâm.

Năm 30 tuổi Đinh Nho Hoàn đỗ Tứ trường trúng cách; vào thi Đình đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Canh Thìn niên hiệu Chính Hoà thứ 21 (1700) đời vua Lê Hy Tông. Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa thi này do Hàn lâm viện Hiệu lý Bùi Sĩ Tiêm vâng sắc soạn, miêu tả như sau: “Năm Canh Thìn rồng bay, đúng kỳ mở khoa đại tỉ. Mùa Xuân tháng Ba xuống chiếu thi Hội cho các Cử nhân trong nước.

Bấy giờ người dự thi đông đến trên 2.000 người, chọn được hạng xuất sắc là bọn Nguyễn Hiệu 19 người. Ngày tháng 5 triệu vào Điện thí, ban cho Nguyễn Đình Ức đỗ Tiến sĩ cập đệ, bọn Tạ Đăng Huân 3 người đỗ Tiến sĩ xuất thân, bọn Trần Toàn 15 người đỗ đồng Tiến sĩ xuất thân.

vi-hoang-giap-tai-nang-duoc-vua-khang-hy-dac-le-1.jpg
Tên Tiến sĩ Đinh Nho Hoàn đứng thứ 3 hàng Đệ nhị giáp trên văn bia đề danh Tiến sĩ khoa Canh Thìn (1700).

Ngày 22 xướng loa gọi tên người thi đỗ, quan bộ Lễ rước bảng vàng ra treo ngoài cửa nhà Thái học. Sau đó lại ban cho áo mũ phẩm phục, hoa bạc yến Quỳnh, cưỡi ngựa đi xem phố phường, rồi vinh quy quê nhà”.

Khoa thi này, Đinh Nho Hoàn đỗ cùng những danh sĩ nổi tiếng đương thời, như: Nguyễn Hiệu, Hồ Phi Tích, Nguyễn Công Hãng, Nguyễn Đình Tướng. Tên của Đinh Nho Hoàn đứng thứ 3 hàng Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, sau Tạ Đăng Huân và Hồ Phi Tích.

Về sự kiện này, Tiến sĩ Đinh Nho Hoàn đã viết: “Cha mẹ tôi có 12 con, Mặc Trai tôi là thứ ba. Khoa Canh Thìn 30 tuổi thi Hội đỗ thứ hai, vào thi Đình được ban Đệ nhị giáp. Tháng trọng thu (tháng 8) năm Nhâm Ngọ (9/1702) phụng sai Sơn Tây xứ. Tháng mạnh thu (tháng 7) năm Giáp Thân (8/1704) phụng sai đốc trấn Cao Bình)”.

Các tư liệu đăng khoa cho biết, sau khi thi đỗ, Tiến sĩ Đinh Nho Hoàn trải qua các chức: Hàn lâm viện Hiệu lý, Hiến sát sứ trấn Sơn Tây, Đốc trấn Cao Bằng, Hữu thị lang bộ Lễ, Thượng bảo tự khanh, Phó sứ sang nhà Thanh.

Đặc biệt, trong thời gian làm Đốc trấn Cao Bằng (1704 - 1710), ông đã có công ổn định an ninh (sau khi nhà Lê - Trịnh dẹp đuổi được nhà Mạc khỏi Cao Bằng), Đinh Nho Hoàn đã cho thực thi nhiều kế hoạch tiến bộ phát triển kinh tế, sửa đường, phá ghềnh đá trên sông Bằng Giang để thuyền bè đi lại giao thương dễ dàng.

Thời kỳ đó thuyền buôn của người Trung Quốc thường gọi là “khách thương”, họ theo sông Bằng Giang sang Đại Việt buôn bán rất nhiều, nhưng phải chờ đợi lâu mới được khám hàng. Khi Hoàng giáp Đinh Nho Hoàn được cử làm Đốc trấn xứ này, đã cho mở đường thông luồng lạch đến tận biên giới và có lệnh khi khám hàng phải nhanh chóng, tạo thuận lợi cho thương nhân.

Nhờ sự giúp đỡ của ông, “khách thương” đến buôn bán ngày càng đông đúc, khiến cho cả một vùng rộng lớn trở nên trù phú. Bởi vậy mà triều đình cũng bãi bỏ lệnh đồn trú ở Cao Bằng vì “đất nước thừa hưởng thái bình đã lâu, cõi biên vô sự, quân lính sở tại (thổ trước) cũng đủ sức chống giữ, bèn bãi bỏ việc đồn trú để giảm bớt sự khó nhọc”. Để ghi nhớ công ơn của Hoàng giáp Đinh Nho Hoàn, giới thương buôn cùng nhau làm một tấm bia công đức dựng trước cửa nhà Hội quán để nhớ mãi Đinh Đốc trấn.

vi-hoang-giap-tai-nang-duoc-vua-khang-hy-dac-le-2.jpg
Trong thời gian giữ chức Đốc trấn Cao Bằng, Hoàng giáp Đinh Nho Hoàn đã khai thông sông Bằng Giang nhằm thu hút thương khách Trung Quốc.

Vua Khang Hy đặc ban lễ phúng

Khoảng năm 1710, Đinh Nho Hoàn được triệu về kinh giữ chức Thượng Bảo tự khanh - giữ ấn triện ở Hàn lâm viện (về sau được phong chức Thượng thư bộ Lại). Mấy năm sau, ông được phong Phó sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc). Chuyến đi này, sách “Đại Việt sử ký tục biên” có ghi: “Mùa Xuân, tháng Giêng. Sai sứ thần Nguyễn Công Cơ, Lê Anh Tuấn, Đinh Nho Hoàn, Nguyễn Mậu Áng sang Thanh”.

Sứ bộ lên đường giữa tháng 2/1715, vừa đi bằng thuyền, bằng xe đến Yên Kinh (Bắc Kinh ngày nay), dâng quốc thư và lễ vật, chúc thọ, vấn an và một số hoạt động ngoại giao khác. Tuy nhiên không may trong chuyến đi này, Đinh Nho Hoàn bị ốm và mất tại Yên Kinh. Sau đó, con rể của ông là Tiến sĩ Nguyễn Trọng Thường đã sưu tập 113 bài thơ, một bài phú, ba bài văn do Đinh Nho Hoàn sáng tác năm 1715, trên đường đi sứ và đặt tên cho cuốn sách là “Mặc Ông sứ tập”.

vi-hoang-giap-tai-nang-duoc-vua-khang-hy-dac-le-5.jpg
Cây bồ đề ôm tháp am thờ bà Phan Thị Viên - người vợ tiết nghĩa của Hoàng giáp Đinh Nho Hoàn.

Tập thơ giúp hậu thế có thể hình dung đất nước Trung Hoa rộng lớn thời vua Khang Hy hết sức thanh bình, yên ả. Từ những người dân bình thường đoàn sứ bộ gặp dọc đường cho đến các quan chức địa phương mà đoàn sứ bộ đi qua đều hết sức niềm nở, thân tình. Hầu hết các địa phương đoàn đi qua đoàn đều nghỉ lại, dự tiệc, xướng họa thơ văn...

Một chỉ dấu cho thấy Hoàng giáp Đinh Như Hoàn ốm nặng trước khi mất chứ không phải bị giết như lời đồn đoán, đó là bài thơ: “Nhớ Trung dũng Thiếu phó Đặng đại nhân, làm thơ gửi về trình lên kỳ 1”, sau được Đinh Tú Anh dịch: “Cha con nghĩa cao vời vũ trụ/Gương Băng Hồ đối cụ Nhị Khê/Chia tay Đông Bộ buồn ghê/Mái chèo đơn chiếc hướng về Bắc phương./Lã Côi trạm vấn vương trông ngóng/Ráng chiều tà đỏ mọng trời Tây/Buồn nghe chinh chích kêu bầy/Đêm dài mơ được gặp thầy Chu Công./Lòng chỉ muốn sẽ không phải chết/Được trở về giữ nết bên cha/Tiệc mừng hầu rượu, hầu trà/Thảnh thơi dạo gót trăng ngà triền đê”.

Sau khi Đinh Nho Hoàn mất, nhà Thanh đã không thiêu xác như thường lệ, mà cho ướp, đặt vào trong quan ngoài quách, để sứ bộ ta chở về nước và ngày 27 tháng 12 (âm lịch 1716) năm Khang Hy thứ 55, vua nhà Thanh đã sai bộ Lễ soạn văn và lễ tế. Văn tế có đoạn viết:

“Đi sứ đến triều đình ta để tỏ việc đại nghĩa/ Vua thương người quá cố, đó là lòng nhân sâu quan tâm đến nơi xa/ Ông phụng mệnh quốc vương nước ông/Từ phương xa vượt biển trèo non/Hồ Động Đình bái tạ ngắm trời/Công việc ấy vừa xong xuôi/Sao ông đã rời cõi thế/Trẫm nay vô cùng thương tiếc/Ta đặc ban cho ông lễ phúng/ Để thoả lòng ở cõi U Minh/Than ôi! Núi sông xa cách, ruổi rong nơi trạm dịch hoang vu/Tận trung mà hi sinh tính mệnh, hồn về đất cũ/Ông linh thiêng hãy còn quanh quất/Xin kính cẩn nhận lễ tế này” - Bản dịch của Viện nghiên cứu Hán - Nôm.

Trong bài tế của vua Khang Hy có câu: “Công việc ấy vừa xong xuôi/Sao ông đã rời cõi thế”. Như vậy có thể khẳng định chắc chắn rằng, ông mất sau khi đoàn sứ bộ và ông đã làm xong phận sự của mình. Và có nghĩa là đã vào chầu vua Khang Hy. Và cũng chắc chắn rằng, ông mất là do ốm nặng. Bởi nếu ông bị giết thì sẽ không thể có bài văn tế thấu cảm những vất vả gian nan trên đường đi sứ.

Di sản của Đinh Nho Hoàn để lại không nhiều, nhưng được đánh giá rất cao. Nhận xét về thơ Đinh Nho Hoàn, bộ sách “Tổng tập văn học Việt Nam” (Văn học thời Trịnh - Nguyễn phân tranh), viết: “Thơ Đinh Nho Hoàn nhuần nhị, ngọt ngào, chứa chan những tình cảm, ý vị đẹp đẽ, thể hiện nồng nàn lòng yêu quê hương đất nước và niềm tự hào dân tộc”.

vi-hoang-giap-tai-nang-duoc-vua-khang-hy-dac-le-4.jpg
Bia đá cổ tại đền Gôi Vị.

Chuyện khánh đá và người vợ tiết nghĩa

Một trong những dấu tích quan trọng nhất gắn liền với Hoàng giáp Đinh Nho Hoàn có thể kể tới quần thể đền Gôi Vị, xã Sơn Hòa, huyện Hương Sơn - nơi lưu giữ những giá trị văn học của ông qua các bài thơ đi sứ, các bài văn đá được khắc trên khánh đá Mặc Trai và các bài vị tại đền.

Theo tư liệu lưu giữ về khánh Mặc Trai tại đền Gôi Vị, vào năm Nhâm Thìn (1712), để ghi nhớ công ơn những người cung tiến tiền của, ruộng đất xây dựng đền Gôi Vị, Hoàng giáp Đinh Nho Hoàn đã bỏ tiền mua khối đá thanh rất to, vận chuyển về rồi nhờ người đúc khắc. Sau gần 3 năm ròng rã làm việc cật lực, người thợ mới hoàn thành được chiếc khánh đặc biệt này.

Khánh được bố trí 2 cột trụ 2 bên đều làm đá thanh để treo khánh lên giá đỡ. Mỗi cột trụ có chiều cao 1,39cm, nhưng về cấu trúc, thiết kế mỗi trụ lại không giống nhau về kích thước chiều rộng lẫn cách bài trí (cột trụ phía ngoài đi vào). Cả 4 mặt của cột trụ đều được bố trí chạm khắc họạ tiết xung quanh, phần giữa trụ khắc họ, tên của 7 người dân có công cung tiến tiền của, ruộng đất, áo mũ để phục vụ tế lễ hội hàng năm.

Cột trụ phía trong có kích thước rộng hơn cột trụ phía ngoài nhưng để trên, không chạm khắc chữ và họa tiết. Phía trên cùng để làm giá đỡ, được dùng bằng vật liệu gỗ lim, ở giữa khoan 2 lỗ để treo khánh.

Chiếc Khánh có hình thù giống như chiếc rìu, 2 đầu có hình đầu rồng, do quá trình sử dụng phần đầu rồng không còn nguyên vẹn. Mặt khánh chỗ rộng nhất là 86cm, cao 58cm, dày 17cm, phần eo phía trên khánh còn lại 39cm. Hai bên mặt khánh được khắc chữ tinh xảo.

vi-hoang-giap-tai-nang-duoc-vua-khang-hy-dac-le-1.png
Khánh đá Mặc Trai do Hoàng giáp Đinh Nho Hoàn thiết lập và khắc trên đó một bài văn.

Nội dung chữ của Hoàng giáp Đinh Nho Hoàn khắc trên mặt khánh có nội dung: “Phàm vật ở yên thì lặng, gõ vào thì kêu. Nhưng âm thanh phát ra thì mỗi vật mỗi khác. Âm thanh của khánh phát ra trong trẻo mà có tiết tấu; nhạt nhẽo mà cao vang: tựa như có cái cao thượng của con người, ta vì vậy mà yêu thích âm thanh của khánh, bèn xuất tiền làm một chiếc, treo ở bên trái am, đặt tên là “khánh Mặc Trai” để tăng thêm ý chí của ta.

Bây giờ là đời Hoàng Triều ngày tốt tháng trọng thu (tức tháng 8) năm Nhâm Thìn, niên hiệu Vĩnh Thịnh muôn muôn năm, năm thứ 8 (1712) người được vua ban Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân khoa Canh Thìn (1700) quê huyện Hương Sơn, châu Hoan là Đinh Nho Hoàn, tự Tồn Phác kính cẩn soạn”.

Đền Gôi Vị (còn được gọi là đền Bà Tiết nghĩa) thờ 4 vị phúc thần dòng họ Đinh Nho, gồm: Tiến sĩ Đinh Nho Công, Tiến sĩ Đinh Nho Hoàn, Tổng binh hương nghĩa hầu Đinh Nho Côn và bà tiết phụ Phan Thị Viên - vợ thứ của Tiến sĩ Đinh Nho Hoàn. Bà Phan Thị Viên người làng Do Lễ, nay thuộc huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, lấy làm vợ thứ ông Đinh Nho Hoàn từ lúc 16 tuổi. Bà là người có học, giỏi văn thơ, thường cùng chồng xướng họa nên được Hoàng giáp rất quý trọng.

Năm Ất Mùi (1715), Đinh Nho Hoàn bấy giờ là Tả thị lang bộ Lễ, vâng mệnh đi sứ sang Trung Quốc. Bà Phan Thị Viên tiễn chồng đến tận Lã Côi (Gia Lâm) và làm 10 bài thơ tiễn biệt. Ông cởi chiếc áo choàng khoác lên người bà, tỏ tình quyến luyến.

Không may Phó sứ Đinh Nho Hoàn bị bệnh và mất ở xứ người. Được tin dữ báo về, bà Phan Thị Viên không khóc lóc mà bình thản như thường. Khi quan tài ông về đến nơi, bà làm lễ tế chồng rồi dùng cái áo khoác của ông ngày nào thắt cổ tự vẫn, để lại một bài thơ tạ từ mẹ đẻ, một bài thơ tạ từ bà vợ cả.

Bài văn tế chồng có những câu: “Chết vì việc nước/ Thỏa chí nam nhi/ Tử sinh cũng vậy/ Than thở làm chi”. Triều đình phong tặng bà là “Á Thận phu nhân”, sắc cho địa phương lập đền thờ, ban cho 20 mẫu tự điền, ban biển vàng “Tiết phụ môn”. Lúc bấy giờ bà mới 21 tuổi.

Năm 2015, Hà Tĩnh đã tổ chức hội thảo khoa học “Hoàng Giáp Đinh Nho Hoàn, thân thế và sự nghiệp” để làm rõ hơn những dấu ấn, biến cố cũng như công lao của vị Hoàng giáp đối với đất nước. Hội thảo này đã thu hút đông đảo giới nghiên cứu, các nhà khoa học, cung cấp thêm nhiều tư liệu, kiến giải về Hoàng giáp Đinh Nho Hoàn. Đồng thời, có ý kiến nên lập hồ sơ đề nghị công nhận bảo vật quốc gia đối với khánh đá Mặc Trai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến Nhà vua Bỉ Philippe. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Nhà vua Bỉ

Chiều 1/4, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp Nhà vua Vương quốc Bỉ Philippe đang có chuyến thăm cấp Nhà nước Việt Nam.