Luật Thủ đô: đặc thù nhưng phải theo Luật

Luật Thủ đô: đặc thù nhưng phải theo Luật

(GD&TĐ) - Chiều nay 22/3, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu các ĐB QH tiếp tục làm việc tại Hội trường, nghe Ủy viên Ủy ban thường vụ QH, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của QH Nguyễn Văn Thuận trình bày Báo cáo của giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô. Tiếp đó, các ĐB thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật này.

Các ĐB thảo luận về Luật Thủ đô
Các ĐB thảo luận về Luật Thủ đô

Theo dự thảo Luật Thủ đô đã được trình tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10 năm 2010), QH khoá XII và được các ĐB thảo luận, cho ý kiến. Sau Kỳ họp, QH, Ủy ban thường vụ QH đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị ĐB QH để chỉnh lý.

Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật Thủ đô gồm 4 chương, 33 điều quy định vị trí, vai trò của Thủ đô; mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô; một số chính sách đặc thù trong xây dựng, phát triển, quản lý Thủ đô và trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý Thủ đô.

Thảo luận về dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý trình QH thông qua tại Kỳ họp lần này, các ĐB QH đều tán thành với sự cần thiết phải ban hành Luật Thủ đô nhằm tạo cơ sở pháp lý để xây dựng, quản lý và phát triển Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại, tiêu biểu cho cả nước. Đồng thời, các vị ĐB QH cũng đóng góp nhiều ý kiến vào nội dung của dự án Luật. Sau kỳ họp QH, Ủy ban thường vụ QH đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị ĐB QH để chỉnh lý dự án Luật. Tuy nhiên, theo nhiều ĐB, mặc dù đã được chỉnh lý, dự thảo Luật trình QH tại Kỳ họp này vẫn chưa nêu bật được tính đặc thù chỉ riêng có của Hà Nội với vai trò là Thủ đô của cả nước.

Theo ĐB Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội): Thực sự đây là một đạo luật khó, bởi nó động chạm tới nhiều lĩnh vực từ đất đai, môi trường… cũng như một số quy định của Hiến pháp. Chính vì vậy, dự thảo Luật này cần phải được bàn thảo căn cơ và kỹ lưỡng hơn để khi thông qua không phải băn khoăn về tính khả thi và hợp hiến của nó. Bởi nếu coi Hà Nội là một đô thị đặc biệt thì nó phải có những điểm khác biệt hẳn so với các tỉnh thành khác chứ không phải vẫn là những quy định chung về quản lý hành chính, trật tự an ninh xã hội như dự thảo.

Bên cạnh việc nhấn mạnh cần phải tìm ra tính đặc thù cho Thủ đô, ĐB Nguyễn Ngọc Đào cũng cho rằng, Luật cần có một điều, khoản quy định: mọi cơ chế chính sách, mọi tiêu chí do Hà Nội ban hành không được vi phạm các nguyên tắc, quy định của Hiến pháp và pháp luật hiện hành.

Đồng quan điểm với ý kiến này, ĐB Đặng Như Lợi (Cà Mau) cho rằng, việc quy định những đặc thù cho Thủ đô là cần thiết, tuy nhiên Thủ đô không phải là một quốc gia riêng, nên tất cả những quy định về phát triển Thủ đô cũng phải nằm trong chiến lược phát triển chung của cả nước.

Liên quan đến các quy định về chính sách trong quản lý, thực hiện quy hoạch và phát triển cơ sở hạ tầng Thủ đô, ĐB Trần Du Lịch (Thành phố Hồ Chí Minh) và Đặng Như Lợi (Cà Mau), mặc dù rất ủng hộ việc soạn thảo, ban hành Luật Thủ đô, nhưng cho rằng, dự thảo Luật này chưa đạt yêu cầu đặt ra.

ĐB Trần Du Lịch nêu, với 7 mục tiêu xây dựng, phát triển Thủ đô quy định như trong dự thảo: Xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại, phát triển bền vững, kế thừa và phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến;  Xây dựng nếp sống người dân Thủ đô văn minh, thanh lịch, gương mẫu chấp hành Hiến pháp và pháp luật; Phát triển KT-XH của Thủ đô bền vững nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, làm động lực thúc đẩy phát triển KT-XH của cả nước;…là những quy định quá chung chung, tất cả các đô thị của các tỉnh thành đều có tiêu chí tương tự và phấn đấu cho các mục tiêu này.

Đại biểu Trần Du Lịch cho rằng, với Thủ đô, khi quy định các đặc thù thì phải chỉ rõ đặc thù chính trị và đặc thù pháp lý. “Tôi thấy trong dự thảo Luật chưa có quy định nào chỉ rõ các đặc thù này”, đại biểu Lịch nói.

Ngoài ra, ĐB Trần Du Lịch cũng đề nghị, Ban soạn thảo cần xác định rõ địa vị chính trị, pháp lý tương xứng với vai trò, vị trí của Thủ đô chứ không thể dừng lại ở việc giải quyết những bức xúc của một đô thị “dạng đặc biệt” 

Liên quan đến một số cơ chế đặc thù, ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn), tán thành quy định đặc thù về tài chính đối với Thủ đô. Nhưng ĐB Thuyết còn đề nghị dự luật phải quy định rõ mức phân bổ ngân sách của Thu đô cao hơn các địa phương khác và cao hơn bao nhiêu?

“Để hạn chế cơ chế xin – cho, cần có tiêu chí với con số cụ thể. Tương tự như đã quy định các địa phương có mức thu ngân sách vượt chỉ tiêu thì được giữa lại bao nhiêu % phần thu vượt”- ĐH Nguyên Minh Thuyết đề nghị.

ĐB Nguyễn Minh Thuyết cũng đồng ý về việc xây dựng cơ chế đặc thù về trật tự an ninh cho Thủ đô. Tuy nhiên quy định về cơ chế này tại điều 23 trong dự thảo Luật mới chỉ tập trung vào việc tăng mức phạt tiền mà không có thêm cơ chế nào khác. Nếu như vậy thì các đô thị khác cũng có thể áp dụng để đảm bảo tính nghiêm minh trong việc đảm bảo an ninh trật tự chứ không riêng gì Hà Nội...

Ngoài ra, theo nhiều ĐB, việc quy định cơ chế đặc thù về quy hoạch Thủ đô như: “Trong nội thành không được mở rộng diện tích sử dụng đất, quy mô giường bệnh của các bệnh viện hiện có; không được xây dựng khu công nghiệp, xây dựng mới cơ sở sản xuất công nghiệp, trường trung cấp chuyên nghiệp, trường CĐ, ĐH, trường ĐH, học viện” hay một số tiêu chí về phát triển GD… khó có thể thực hiện được.

Nhiều ĐB tán thành việc thông qua Luật Thủ đô tại Kỳ họp này. Tuy nhiên các ĐB cũng lưu ý Ban soạn thảo cần khẩn trương chỉnh lý một số điều khoản trong dự thảo Luật. Đây cũng là ý kiến kết luận phiên họp của Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu đề nghị cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo phối hợp với các cơ quan tổ chức hữu quan nghiên cứu để tiếp thu, báo cáo lại với QH để QH có căn cứ xem xét quyết định tại phiên họp cuối cùng của Kỳ họp này.

Sáng mai (23/3), các ĐB QH tiếp tục làm việc tại Hội trường nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật này.

Nam Khánh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ