Luật Nhà giáo tạo môi trường kiến tạo và phát triển đội ngũ

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Luật Nhà giáo phải tạo được môi trường kiến tạo và phát triển đội ngũ; không tạo thêm áp lực cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.

Giáo viên quận Ba Đình đã thuần thục dạy học trực tuyến.
Giáo viên quận Ba Đình đã thuần thục dạy học trực tuyến.

Ông Vũ Minh Đức – Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) chia sẻ như trên khi trao đổi về quan điểm xây dựng Luật và các chính sách trong Luật Nhà giáo.

Quan điểm xây dựng Luật Nhà giáo

Ông Vũ Minh Đức cho hay, Nghị quyết số 95/NQ-CP của Chính phủ giao nhiệm vụ cho Bộ GD&ĐT nghiên cứu thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng về lĩnh vực nhà giáo; đồng thời tổng kết, rà soát kỹ lưỡng pháp luật hiện hành để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất.

Trong quá trình soạn thảo Luật, cần khắc phục các bất cập trong quản lý nhà nước về nhà giáo hiện nay để thiết kế các chính sách theo hướng phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho địa phương, có tiêu chuẩn, tiêu chí phù hợp với vai trò, vị trí việc làm của nhà giáo; có chính sách ưu đãi, khen thưởng, tôn vinh phù hợp;

Cùng với đó, nghiên cứu thêm kinh nghiệm quốc tế, tổ chức hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, truyền thông chính sách để tăng tính thuyết phục khi thông qua chính sách, bảo đảm tính khả thi trong quá trình triển khai thực hiện khi luật được ban hành.

Ban cán sự Đảng bộ Bộ GD&ĐT và lãnh đạo Bộ chỉ đạo: Luật Nhà giáo phải tạo được môi trường kiến tạo và phát triển đội ngũ; Không tạo thêm áp lực cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; Mạnh dạn đề xuất những chính sách mới nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn về nhà giáo.

Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội thực hành nghiệp vụ.

Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội thực hành nghiệp vụ.

Đề xuất 5 chính sách trong Luật Nhà giáo

Về các chính sách đề xuất trong Luật Nhà giáo, ông Vũ Minh Đức cho biết, Bộ GD&ĐT đề xuất 5 chính sách trong Luật Nhà giáo và đã được Chính phủ thống nhất thông qua, bao gồm:

Chính sách 1: Định danh nhà giáo. Trong đó, định nghĩa tường minh về nhà giáo để làm cơ sở quy định tiêu chuẩn nhà giáo; quyền, nghĩa vụ của nhà giáo; Khẳng định sứ mệnh và vị thế pháp lý - xã hội của nhà giáo, vừa phản ánh truyền thống dân tộc, vừa đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa sự nghiệp giáo dục.

Chính sách 2: Tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo. Mục tiêu của chính sách là xác lập và nâng cao tính chuyên nghiệp của nghề dạy học; làm căn cứ chủ yếu để cơ sở giáo dục tuyển dụng, đánh giá nhà giáo theo vị trí việc làm; Tạo sự bình đẳng trong đánh giá, công nhận chức danh nhà giáo công lập và ngoài công lập.

Chính sách 3: Tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo. Chính sách này sẽ khắc phục các bất cập trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhà giáo thời gian qua; tạo cơ sở pháp lý để tuyển dụng vào ngành những người có đủ điều kiện, tiêu chuẩn, đáp ứng được yêu cầu phát triển giáo dục.

Chính sách 4: Đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo. Chính sách này tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện đào tạo, bồi dưỡng, tôn vinh nhà giáo, qua đó chuẩn hóa, nâng cao chất lượng nhà giáo, giúp nhà giáo phát triển chuyên môn đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và hội nhập quốc tế trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Chính sách 5: Quản lý nhà nước về nhà giáo. Chính sách này khắc phục các bất cập trong hệ thống quản lý nhà nước về nhà giáo thời gian vừa qua; làm cơ sở thực hiện phân cấp, thống nhất từ trung ương đến địa phương trong quản lý nhà giáo, tạo điều kiện cho nhà giáo tự do trong học thuật, phát triển chuyên môn nghiệp vụ.

Trên cơ sở 5 chính sách đã được Chính phủ thông qua, bước đầu, Bộ GD&ĐT cụ thể dự kiến Đề cương chi tiết gồm 8 chương, 55 Điều.

Chia sẻ về lộ trình triển khai xây dựng Luật Nhà giáo, lãnh đạo Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục trao đổi, tại Nghị quyết 95/NQ-CP, Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung dự án luật vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2024 để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024), thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) Quốc hội khóa XV.

Căn cứ chỉ đạo của Chính phủ và quy trình xây dựng Luật theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (12 bước), Bộ GD&ĐT đã thành lập Ban chỉ đạo, Ban soạn thảo và tổ chức biên soạn Luật theo quy trình soạn thảo Luật từ năm 2023 cho đến đến tháng 10/2024 Quốc hội thông qua dự án Luật (kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV).

Hiện, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã thừa Ủy quyền của Chính phủ, ký Tờ trình số 435/TT-CP ngày 5/9/2023 trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung dự án Luật Nhà giáo vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2024.

Ảnh minh họa/internet.

Ảnh minh họa/internet.

Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 95/NQ-CP, Bộ GD&ĐT đã triển khai các hoạt động biên soạn Luật Nhà giáo. Hiện, Bộ GD&ĐT đã thành lập Ban chỉ đạo biên soạn Luật Nhà giáo; Ban soạn thảo, Tổ biên tập biên soạn dự thảo Luật Nhà giáo do Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn làm Trưởng ban;

Thành lập Nhóm chuyên gia tư vấn biên soạn Luật Nhà giáo; Tổ chức các Hội thảo tham vấn chuyên gia về định hướng, các nội dung đề xuất trong Luật Nhà giáo.

Việc triển khai xây dựng Luật Nhà giáo được Ban cán sự Đảng Bộ, tập thể lãnh đạo Bộ GD&ĐT xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng của toàn ngành, được ưu tiên tập trung triển khai trong giai đoạn 2023-2024.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ